Với giá thành sửa chữa vốn cực kỳ đắt đỏ tại Apple Store, nhiều người dùng đã tìm tới các cơ sở sửa chữa thiết bị bên ngoài để tiết kiệm chi phí khi máy tính Mac gặp sự cố. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của trang MacRumors cho biết tất cả mẫu MacBook Pro (và iMac Pro 2018 đều bị gắn bên trong con chip bảo mật T2, nhằm ngăn chặn khả năng thay thế linh kiện từ bên thứ 3.
Báo cáo của MacRumors dựa trên tài liệu nội bộ được Apple gửi tới các trung tâm sửa chữa ủy quyền. Theo đó, máy tính Mac chỉ có thể khởi động nếu sử dụng phần mềm chẩn đoán lỗi có tên Apple Service Toolkit 2 cung cấp tín hiệu màu xanh lá cây. Bộ công cụ này được kết nối trực tiếp với hệ thống đám mây Global Service Exchange (GSX) của Apple, và chỉ có tại các điểm bảo hành chính hãng.
Bước kiểm tra bảo mật nói trên có hiệu lực với tất cả các lỗi liên quan đến màn hình, bo mạch chủ, Touch ID và các linh kiện gắn ngoài, bao gồm bàn phím, pin, chuột và loa của MacBook Pro 2018. Còn đối với iMac Pro, quá trình bảo mật sẽ kiểm tra bo mạch và bộ nhớ flash.
Ảnh: iFixit
|
Chính sách ngăn chặn thay thế linh kiện của Apple có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới các cơ sở sửa chữa và người dùng không thể tiếp cận với điểm bảo hành chính hãng. Thực tế, biểu tượng nước Mỹ trước nay không hề muốn người dùng tự sửa chữa hoặc đem tới cho bên thứ 3, thay vì mang thiết bị quay lại Apple Store. CEO iFixit Kyle Wiens, công ty cung cấp công cụ và hướng dẫn sửa chữa nổi tiếng, đã từng chia sẻ ông khởi nghiệp vì "xới tung" Internet mà không thể tìm thấy tài liệu công khai hướng dẫn sửa chiếc MacBook của mình.
Hiện tại, Apple đang đấu tranh với các công ty sửa chữa, thay thế linh kiện, cung cấp công cụ và phần mềm chuẩn đoán thiết bị ở Mỹ về “Quyền sửa chữa”. Đầu năm 2018, trong bê bối bóp hiệu năng thiết bị, Apple đã từ chối bảo hành pin lão hóa trên iPhone cũ. Sau đó, dưới sức ép của dư luận, công ty mới buộc phải thay pin giá rẻ hoặc miễn phí cho người dùng.