Phát biểu tại New York, khi được hỏi là liệu việc triển khai lá chắn chống tên lửa tại Hàn Quốc có được thực hiện hay không, ông Ashton Carter khẳng định: «Việc đó sẽ diễn ra. Đó là một điều cần thiết. Đây là vấn đề giữa Mỹ và Hàn Quốc. Hệ thống này nhằm bảo vệ chính các lực lượng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và bảo vệ Hàn Quốc».
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ những lời chỉ trích của Trung Quốc đối với kế hoạch trên khi cho rằng hệ thống phòng thủ chống tên lửa đó «không liên quan gì đến Trung Quốc». Ông Carter không ngần ngại khuyên Bắc Kinh là nên hợp tác với Mỹ hay đối phó với Triều Tiên một cách hiệu quả hơn, hàm ý cho là Trung Quốc nên nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa, thay vì than phiền về các kế hoạch của Mỹ.
Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc đàm phán về khả năng triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD sau vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân thứ 4 vào tháng 1, sau đó là tên lửa tầm xa vào tháng 2/2016. Trung Quốc đã cực lực phản đối mạnh mẽ việc Mỹ bố trí hệ thống THAAD tại Hàn Quốc, cho rằng điều đó đe dọa các lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Mối đe dọa đến từ Triều Tiên phải chăng đang càng lúc càng rõ với việc Triều Tiên liên tiếp phô trương điều mà Bình Nhưỡng gọi là thành quả trong công nghệ tên lửa hay vũ khí. Ngày 9/4, truyền thông chính thức Triều Tiên đã khoe rằng nước này vừa thử nghiệm thành công một động cơ hỏa tiễn liên lục địa.
Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, động cơ tên lửa này sẽ cho phép Bình Nhưỡng gắn đầu đạn hạt nhân mạnh hơn vào tên lửa liên lục địa, cho phép mở một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ nước Mỹ. Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh và đích thân giám sát việc thử nghiệm tại bãi phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên, gần bờ biển phía tây nước này.