Mặc những rào cản, Apple vẫn chọn Trung Quốc làm "xương sống" trong việc lắp ráp iPhone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nhiều năm, Apple đã dựa vào mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc để sản xuất hàng loạt iPhone, iPad, cũng như các sản phẩm phổ biến khác của hãng.
Mặc những rào cản, Apple vẫn chọn Trung Quốc làm "xương sống" trong việc lắp ráp iPhone (Ảnh: CNN)
Mặc những rào cản, Apple vẫn chọn Trung Quốc làm "xương sống" trong việc lắp ráp iPhone (Ảnh: CNN)

Đầu tháng 11, vài tuần trước khi mùa mua sắm cao điểm sắp bắt đầu, Apple đưa ra một cảnh báo bất thường: khách hàng sẽ phải đợi rất lâu mới có được các mẫu iPhone 14 Pro mới. Lý do cơ sở lắp ráp quan trọng nhất tại thành phố Trịnh Châu đang “hoạt động với công suất giảm đáng kể” do những biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Trong nhiều năm, Apple đã dựa vào mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc để sản xuất hàng loạt iPhone, iPad cũng như nhiều sản phẩm phổ biến trên khắp thế giới khác. Nhưng sự phụ thuộc của công ty vào quốc gia tỉ dân này đã vấp phải một thử thách trong năm nay. Đó là chiến lược “Zero-COVID” cùng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Giờ đây, công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới được cho là đang tìm cách đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới – nhưng việc giảm sự phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc có thể mất nhiều năm, nếu điều đó xảy ra. Trong một lưu ý nhà đầu tư gần đây, một nhà phân tích tại Wedbush Securities ước tính, sớm nhất đến năm 2025 hoặc 2026 mới chuyển phần lớn hoạt động sản xuất iPhone sang các thị trường như Ấn Độ và Việt Nam.

Gad Allon, giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, người có nghiên cứu tập trung vào hoạt động và quản lý chuỗi cung ứng, dường như có một đánh giá thận trọng hơn về thời gian biểu này. “Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói về bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào vượt quá vài phần trăm trước năm 2025", Allon nói.

Để hiểu được tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Apple: Trước khi dịch Covid bùng phát vào tháng 10 khiến Trịnh Châu phải đóng cửa, nhà máy này đã sản xuất 85% các mẫu iPhone Pro, theo ước tính từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, cung cấp cho CNN.

Eli Friedman, Giáo sư tại Đại học Cornell, người có nghiên cứu tập trung vào lao động và phát triển ở Trung Quốc, cho biết: “Apple sẽ không thể là công ty như ngày nay nếu không có Trung Quốc làm cơ sở sản xuất. Ngay cả khi Apple báo hiệu rằng họ muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Friedman nói, “Điều đó sẽ không kéo theo việc tách khỏi Trung Quốc – sẽ có những sản phẩm của Apple được sản xuất tại Trung Quốc trong một thời gian dài”.

Cuối cùng, Apple “theo một số cách cũng giống như 1 công ty Trung Quốc hơn là một công ty Mỹ, dù tất nhiên, nó có trụ sở tại Mỹ”.

Friedman cho biết, có một loạt các yếu tố quan trọng liên quan đến việc lắp ráp và sản xuất iPhone, “không thể sao chép ở các quốc gia khác”. Điều này bao gồm tính sẵn có của vật liệu từ các nhà cung cấp gần đó; cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới đã sẵn sàng ở quy mô lớn; tiếp cận được nguồn lao động kỹ sư đông đảo cũng như chi phí lao động thấp; và sự sẵn có của những mảnh đất cần thiết nhằm xây dựng các thành phố nhà máy có thể chứa hàng trăm nghìn công nhân cũng như những cơ sở sản xuất rộng lớn.

Friedman nói: “Các quốc gia khác có thể có phần này hoặc phần khác, nhưng không có tất cả”.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, người đã giúp xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty, đã thừa nhận thế mạnh sản xuất độc nhất của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.

Steve Jobs, cố CEO của Apple, đã nêu vấn đề lao động trong cuộc gặp với Tổng thống Obama hồi tháng 10/2010. Ông gọi hệ thống giáo dục mờ nhạt của Mỹ là một trở ngại đối với Apple: công ty cần 30.000 kỹ sư công nghiệp để hỗ trợ công nhân tại nhà máy vào thời điểm đó.

Theo người viết tiểu sử Walter Isaacson, Steve Jobs đã nói với Tổng thống: “Bạn không thể tìm thấy nhiều người như vậy ở Mỹ để tuyển dụng. Nếu bạn có thể đào tạo những kỹ sư này, chúng ta có thể chuyển nhiều nhà máy sản xuất hơn đến đây”.

Ví dụ, Apple đã gợi ý rằng họ sẽ chuyển sản xuất sang Ấn Độ trong một khoảng thời gian. Hồi tháng 9, Táo khuyết cho biết rằng họ đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 mới ở Ấn Độ thông qua các nhà sản xuất hợp đồng bao gồm Foxconn, công ty điều hành iPhone City ở Trịnh Châu. Gần đây, Foxconn đã công bố rằng họ đang đầu tư 500 triệu USD vào bộ phận ở Ấn Độ khi tìm cách đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi Ấn Độ có lực lượng lao động lớn và nhiều công nhân có kỹ năng kỹ thuật cần thiết (không giống như Mỹ, vốn từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư), việc tạo ra các trung tâm lắp ráp rộng lớn cho Apple ở Ấn Độ gặp nhiều vấn đề quan liêu hơn ở Trung Quốc. Friedman cho biết: “Ít nhất là ở Ấn Độ, việc tiếp cận đất đai gần như không dễ dàng như vậy.” Ông lưu ý rằng Trung Quốc gặp ít rào cản hơn trong việc lấy đất đai một cách nhanh chóng vì những mục đích mà họ cho là quan trọng.

Tại Việt Nam, một nơi được đồn đại khác để Apple chuyển dây chuyền sản xuất sang, “chính phủ có nhiều năng lực hơn một chút, nhưng lại có ít đất hơn”, theo Friedman. Việt Nam cũng có dân số thấp hơn đáng kể (98 triệu người) so với cả Trung Quốc (1,4 tỷ người) lẫn Ấn Độ (gần 1,4 tỷ người).

Theo Gad Allon, một yếu tố quan trọng khác giải thích tại sao Apple “thực sự miễn cưỡng bắt tay với Trung Quốc là Trung Quốc cũng là một thị trường lớn của Apple”. Apple đã báo cáo doanh thu 74 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc Đại lục trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 9, tương đương gần 20% doanh thu toàn cầu của hãng trong năm.

Allon cho biết: “Nếu bạn nhìn vào các công ty công nghệ khác của Mỹ, Google không ở Trung Quốc, Meta không ở Trung Quốc, Amazon không ở Trung Quốc. Vì vậy, Apple rất miễn cưỡng và rất cẩn thận để đảm bảo rằng, chắc chắn là bây giờ vì mọi thứ đang rất nhạy cảm, không làm rung chuyển con thuyền – hoặc ít nhất là không làm rung chuyển con thuyền một cách công khai.”

Theo CNN