Về diễn biến mới của vụ án "quỹ đen" tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ngày 9/3, Bộ Công an đã ra thông báo cho biết: Việc ra quyết định tố tụng với ông Hải nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa theo Quyết định khởi tố ngày 29/10/2018.
Cùng tội danh với ông Hải, từ cuối tháng 10/2018 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam với nhiều cán bộ, cựu lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa, trong đó có Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đường thủy nội địa; Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trước đây thuộc Cục Đường thủy nội địa).
Chi "quỹ đen" theo "chỉ đạo miệng" của Phó cục trưởng?
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, từ cuối năm 2015 đến 2016, ông Phạm Văn Thông đã nhận hơn 4,8 tỷ đồng của 15 nhà thầu. Số tiền này được ông Thông chi tổ chức hội nghị, hội thao, chi ăn uống, tiếp khách... Việc chi được các lãnh đạo Cục phê duyệt hoặc các cá nhân tự lấy tiền từ ông Thông.
Trước Thanh tra Bộ, ông Thông khai việc đưa tiền thực hiện theo "chỉ đạo miệng" của ông Trần Đức Hải, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Hồ sơ thể hiện có 10 nhà thầu không ký tên, 5 nhà thầu ký tên đã nộp tiền cho ông Thông và ông Nguyễn Long (Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường thủy nội địa). Ông Thông nhận 1,5 tỷ đồng, còn ông Long không thừa nhận liên quan số tiền nêu trên.
Cũng theo Thanh tra Bộ, dù nhà thầu phủ nhận chữ ký của họ, nhưng người nhận tiền đã khai. Bộ đã yêu cầu tổ chức kiểm điểm ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng; ông Trần Đức Hải, Phó cục trưởng, ông Trần Văn Thọ, nguyên Phó cục trưởng, do có sai sót trong việc ký duyệt, để cá nhân lấy tiền từ ông Thông.
Thanh tra Bộ cho biết, ngoài lời khai của ông Thông, nếu không có kết quả đối chất các nhân chứng thì chưa đủ căn cứ khẳng định ông Trần Đức Hải chỉ đạo việc này.
Thiếu hiểu biết pháp luật ở tất cả các cấp
Cơ quan thanh tra kết luận sự việc trên "vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng". Nguyên nhân xảy ra sai phạm do lỗi chủ quan của các cá nhân tham mưu cùng lãnh đạo Cục, do sự thiếu hiểu biết pháp luật ở tất cả các cấp. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người đứng đầu là Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam, sau đó là các Phó cục trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ và chuyên viên tham mưu.
Vụ "quỹ đen" này sau đó đã được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu chuyển kết quả xác minh về tiêu cực kèm các tài liệu liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ toàn bộ sai phạm Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan. Trước đó, vào hồi đầu tháng 8/2018, vụ việc được báo chí phanh phui. Theo phản ánh, các công ty muốn thi công gói thầu do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư phải trích nộp tiền cho cục này từ 5% đến 20% giá trị gói thầu. Tổng số tiền phần trăm nguyên Giám đốc BQL dự án đường thủy nội địa (thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam) đã thu của 15 nhà thầu lên đến 4,8 tỷ đồng. Về việc chi tiêu số tiền trong "quỹ đen" nói trên, 9 cá nhân được xác định là chuyên viên, Trưởng các phòng nghiệp vụ lấy hơn 400 triệu đồng từ ông Thông để chi phí chung cho Cục đường thủy nội địa Việt Nam. Còn lại, ông Thông phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 4,3 tỷ đồng đã sử dụng không có chữ ký. Bộ Giao thông Vận tải quyết định thu hồi số tiền hơn 4,3 tỷ đồng từ ông Thông và 406 triệu đồng từ các cá nhân khác nộp lại ngân sách Nhà nước. |