Fulcrum từng được bán với số lượng lớn cho các lực lượng không quân thuộc Khối Vacsava nhằm thay thế cho những máy bay MiG-23 Flogger đang lão hóa. Hàng chục chiếc MiG-29 cũng được chuyển giao cho Đông Đức.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, không quân Đức đã thừa hưởng những chiếc MiG-29 này. Trong số những phi công có nhiều kinh nghiệm lái máy bay Fulcrum của Đức, Trung tá Johann Koeck, người cũng từng lái máy bay F-4 Phantom (Mỹ), đã trở thành người chỉ huy phi đội MiG-29 duy nhất của không quân Đức.
Là một phi công giàu kinh nghiệm điều khiển Fulcrum, ông Koeck cho biết những điểm mạnh và yếu của MiG-29. Nhược điểm rõ ràng nhất của MiG-29 là khả năng chứa nhiên liệu hạn chế của loại máy bay này. MiG-29 cũng không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và thùng chứa bên ngoài đã hạn chế cả khả năng cơ động và tốc độ của nó.
Bên cạnh đó, tầm hoạt động có giới hạn của Fulcrum cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể: Thực tế, MiG-29 không đạt được tầm để thực hiện các nhiệm vụ tấn công các tài sản trên không giá trị cao (HVAA) của đối phương.
Một hạn chế khác của MiG-29 là hệ thống radar của nó, mà theo như ông Koeck giải thích, là cũ hơn radar AN/APG-65 (radar đa chế độ sử dụng trang bị trên máy bay F/A-18 và máy bay AV-8 của Mỹ) ít nhất 1 thế hệ. Radar của MiG-29 có màn hình hiển thị kém, do đó nhận định tình huống không tốt. Radar này có các vấn đề về độ tin cậy và khả năng lookdown/shootdown (khả năng phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu), do đó khả năng phân biệt các mục tiêu bay trong đội hình hạn chế.
Mặc dù có những hạn chế trên, đặc biệt là về hệ thống radar, hệ thống thu tín hiệu cảnh báo radar và hệ thống định vị, nhưng khi một cuộc không chiến quy mô lớn nổ ra, Fulcrum là loại máy bay chiến đấu khá hoàn hảo. Trên thực tế, nhờ vào khả năng khí động học tuyệt vời của nó và hệ thống hiển thị gắn trên mũ phi công, MiG-29 là một “chiến binh đặc biệt” trong cận chiến, thậm chí còn được so sánh với các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ như F-15, F-16 và F/A-18.
Như Koeck nhớ lại: "Trong phạm vi khoảng 20km, tôi rất khó bị đánh bại. Với thiết bị tìm kiếm và theo dõi tia hồng ngoại (IRST) cùng với hệ thống hiển thị ngắn trên mũ của phi công và ‘Archer' (tên lửa R-73 theo cách gọi của NATO), tôi không thể bị đánh bại. Thậm chí khi đối đầu với những chiến đấu cơ F-16 Block 50 mới nhất, MiG-29 hầu như bất khả xâm phạm trong kịch bản không chiến ở cự ly gần”.
Hơn nữa, với tốc độ quay tức thời 28°/giây (so với 26°/giây của F-16 Block 50), MiG-29 có khả năng cơ động và linh hoạt cao: Trong thực tế, Fulcrum vượt trội hơn các đối thủ của mình nhờ vào sự nhanh nhẹn chưa từng có của nó, vốn đạt được bằng cách kết hợp khả năng khí động học tiên tiến với một hệ thống điều khiển cơ học truyền thống.
Năm 1991, Đức đã bán một chiếc Fulcrum cho Mỹ và 22 chiếc MiG-29 còn lại đã phục vụ trong lực lượng không quân nước này cho đến năm 2003. Sau đó, chúng được bán cho Ba Lan với giá biểu tượng là 1 euro/chiếc. Hiện những chiếc MiG-29 này đã được nâng cấp và đang thực hiện nhiệm vụ giám sát không phận vùng Baltic.
Theo: Báo Tin Tức