Để xử lý các loại hàng này, Nhà nước vừa tốn công tốn của nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để. Chính vì vậy mới đây Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị Hải quan tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu và ngăn chặn các trường hợp nhập khẩu phế liệu không đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường.
Sờ đâu cũng thấy vi phạm
Hẳn nhiều người còn nhớ tới sự việc 7.000 lít dầu biến thế nhiễm hóa chất PCB, một hóa chất siêu độc sau dioxin được nhập về Việt Nam năm 2007. Lô hàng do Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) nhập về tháng 11-2007. Đây là lô thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc, được nhập khẩu để phục vụ lắp đặt thi côngdự ánNhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam làm chủđầu tư. Khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Do PCB là chất thải nguy hiểm, chất hữu cơ khó phân hủy, theo quy định chỉ được nhập khẩu với mục đích quản lý chất thải an toàn, nên lô hàng trên phải được tái xuất về nước XK. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác XK không nhận lại. Và sau 7 năm (cuối năm 2014), máy biến thế chứa hàng nghìn lít dầu nhiễm PCB độc hại mới được vận chuyển từ cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đến nhà máy của Công ty Xi măng Holcim tại Kiên Giang để xử lý.
Hay mới đây, các cơ quan quản lý đang xử lý vi phạm củadoanh nghiệptư nhân Đại Tuấn Nghĩa. Công ty này được kinh doanh lốp xe ô tô đã qua sử dụng, theo hình thức tạm nhập từ Mỹ về Việt Nam và tái xuất đi Campuchia. Nhưng các đối tượng không thực hiện tái xuất hàng, tự ý phá niêm phong hải quan để tiêu thụ trái phép trong nội địa.
Cuối tháng 3-2015, cơ quan Hải quan cũng phát hiện Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Giao nhận Q. khai báo nhập khẩu 22 tấn phế liệu nhựa, xuất xứ Thái Lan. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế lực lượng chức năng phát hiện hàng thực nhập chỉ có 400 kg phế liệu nhựa, không thể hiện xuất xứ, không đủ tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu theo quy định. Ngoài ra, có 35 mục hàng không khai báo hải quan, gồm: Màng nhựa, phụ tùng ô tô, phế liệu… trị giá hàng vi phạm trên 1 tỷ đồng.
Vụ việc của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phúc Lộc khai báo là nhựa phế liệu LDPE, xuất xứ Úc, nhưng khi kiểm tra thực tế hàng hóa cơ quan Hải quan phát hiện số hàng hóa nhập khẩu sai khai báo gồm: Trên 11.000 chai dầu gội đầu, xuất xứ Úc và Trung Quốc, tất cả đều đã hết hạn sử dụng; gần 500 kg sữa bột không xác định được năm sản xuất; 520 hộp thực phẩm chức năng loại Chia-Seeds High in Omega3, Maxi 50.000 Placental, H.A.Marime collagen 5.000 không xác định được năm sản xuất; hơn 1.000 chiếc quần áo cũ, thuộc diện cấm nhập khẩu.
Những vụ việc trên không phải là cá biệt về hoạt động buôn lậu, nhập khẩu rác thải nguy hại vào Việt Nam nhiều năm qua, bởi, tại cảng Sài Gòn hiện còn trên 1.000 container hàng tồn đọng cần xử lý nhanh. Trong số hàng tồn đọng nêu trên, phần lớn hàng tồn tại các cửa khẩu cảng biển đều thuộc diện cấm, không đủ điều kiện nhập khẩu như: Hóa chất nguy hiểm, độc hại… Trong đó phải kể đến một số lô hàng như 11 container phân Ure, với tổng trọng lượng 505.000 tấn, được vận chuyển từ Trung Quốc về cảng Cát Lái từ tháng 11-2013 cho người nhận là một doanh nghiệp tại Cao Lãnh - Đồng Tháp, nhưng đến nay vẫn chưa có người làm thủ tục nhập khẩu. Trên 10 container hóa chất nhập khẩu về cảng từ năm 2013 cho 4 doanh nghiệp tại TP.HCM; 11 container, với tổng trọng lượng gần 110.000 tấn vitamin, có xuất xứ từ Trung Quốc gửi cho người nhận là một doanh nghiệp trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM, nhưng doanh nghiệp này cũng không đến làm thủ tục nhập khẩu hàng kể từ khi hàng cập cảng Cát Lái vào tháng 8-2013.
Nặng gánh hơn, Cảng Hải Phòng nay đã được ví von là “bãi rác”, bởi số lượng container hàng hóa tồn đọng, bị bỏ rơi tại đây lên tới 4.818 container (số liệu thống kê đến đầu tháng 3-2015). Trong đó, có tới 3.675 container tồn đọng từ tháng 8-2014 trở về trước và 1.143 container quá hạn làm thủ tục (quá từ 90 ngày trở lên) được đưa về cảng từ tháng 8-2014 đến nay.
Đau đầu xử lý hàng tồn đọng
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, hàng hóa tồn đọng có nhiều nguyên nhân như: Người đứng tên mua từ chối nhận hàng do không ký kết hợp đồng mua bán; hợp đồng không ghi rõ địa chỉ người nhận; không đủ giấy tờ thủ tục để nhận hàng hoặc có tính chất gian lận thương mại (hàng hóa không đúng chủng loại, hàng có tính chất vi phạm pháp luật).
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, để xử lý được số hàng tồn đọng, vấn đề mấu chốt là có chủ hàng đến nhận hàng và làm thủ tục, trong khi hầu hết số hàng hóa tồn đọng đều là hàng hóa bị “bỏ rơi” khi người đứng tên nhận hàng không đến làm thủ tục hoặc có văn bản từ chối nhận hàng. Tuy Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 203/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 5-2-2015) hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, trong đó đưa ra được nhiều giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng này, nhưng vấn đề đặt ra là bên cạnh vai trò của cơ quan Hải quan rất cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, hãng tàu. Cùng với việc tổ chức triển khai các giải pháp xử lý hàng tồn đọng, Hải quan Hải Phòng cũng đề xuất các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ khẩn trương ban hành các cơ chế chính sách để ngăn chặn từ xa các hành vi đưa phế liệu, phế thải từ nước ngoài về Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các phương án xử lý đối từng loại hàng tồn đọng. Cụ thể, đối với các lô hàng đang tồn đọng (quá hạn làm thủ tục hải quan), Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan theo các quy định hiện hành. Đối với hàng hóa là phế liệu, Bộ Tài chính đồng tình với quan điểm xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, cho phép một số doanh nghiệp đủ năng lực xử lý, tái chế lốp ô tô đã qua sử dụng được thu mua; đồng thời giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP.HCM, UBND TP.Hải Phòng xây dựng lộ trình, kế hoạch, kinh phí… để xử lý hàng hóa là rác thải đang tồn đọng ở 2 khu vực cảng này. Ngoài ra, để hạn chế vấn nạn đưa rác thải vào cảng biển Việt Nam, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Hàng hải, Luật Thương mại để ngăn tình trạng lợi dụng chuyên chở chất thải vào nước ta.
Tổng cục Hải quan cũng ban hành văn bản 6037/TCHQ-GSQL ngày 1-7 hướng dẫn các đơn vị Hải quan địa phương thực hiện nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa Xnhập khẩu. Yêu cầu các đơn vị Hải quan địa phương thực hiện kiểm tra thực tế 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập; không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra phế liệu nhập khẩu phải trưng cầu giám định về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Kết quả kiểm tra, giám định là cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan.
Liên quan tới quy định kiểm tra 100% các lô phế liệu nhập khẩu ngay tại cửa khẩu của cơ quan Hải quan mới đây, nếu quy định đưa ra phù hợp với luật pháp hiện hành và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thì việc doanh nghiệp phải áp dụng là đương nhiên.
Tuy nhiên, việc thay đổi này chắc chắn sẽ gây những khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp so với cách làm cũ. Do đó, trước khi chính thức áp dụng sự thay đổi, cơ quan Hải quan nên có thông báo trước và tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu rõ về nội dung cũng như mục đích của vấn đề, tạo sự đồng thuận, đồng thời cũng cho doanh nghiệp khoảng thời gian nhất định để thích nghi.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thép trên cả nước vẫn phải sử dụng nguồn thép phế liệu nhập khẩu khá lớn bởi nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt hầu hết doanh nghiệp còn phải sử dụng vốn vayngân hàngvới mức lãi suất khoảng 10%/năm thì quy định mới kiểm tra thực tế 100% lô hàng phế liệu nhập khẩu sẽ gây thêm những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, điển hình là gia tăng chi phí lưu cảng.
Các doanh nghiệp nhập khẩu thép phế liệu về sản xuất chủ yếu là doanh nghiệp lớn, không chạy theo lối làm ăn chộp giật mà phải đảm bảo sự lâu dài, bền vững. Hàng chục năm qua sắt, thép phế liệu được nhập khẩu về, song số doanh nghiệp vi phạm các quy định, đặc biệt quy định liên quan tới vấn đề môi trường rất ít, không có lý nào vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà gây khó khăn cho phần lớn các doanh nghiệp.
Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam:
Trước ngày 1-7, việc kiểm hóa chỉ thực hiện theo xác suất và chỉ khi Hải quan nghi ngờ. Nay kiểm hóa 100% lô hàng, thời gian thông quan lô hàng nhập khẩu kéo dài và tăng chi phí không đáng có. Ngoài ra, trên cả nước, riêng về giấy loại nhập khẩu, Hải quan sẽ phải kiểm hóa trung bình 3.400 container/tháng, tức 680 container/ngày. Với số lượng lớn thế này, lực lượng Hải quan khó có thể thực hiện việc kiểm hóa 100% lô hàng nhập khẩu.
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đề nghị cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm hóa giấy loại nhập khẩu như trước.
Theo Đầu tư