Sáng 22-5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra phiên thảo luận tổ. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 làm “nóng” phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM.
Phát biểu đầu tiên, đại biểu Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định rất tán thành đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Các vấn đề xã hội về việc cho người lao động (NLĐ) linh động chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục đóng để hưởng lương hưu.
Nêu thực tế trong thời gian qua nhiều người đặt lý do vì sao công nhân TP HCM và các tỉnh thành phía Nam có phản ứng quyết liệt Điều 60 Luật BHXH năm 2014, ông Hải nhắc lại năm 2003, khi thực hiện Nghị định 01, liên quan đến việc không thực hiện trợ cấp 1 lần, công nhân cũng đã phản ứng, đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Ông Hải cho biết hiện nay có nhiều doanh nghiệp sử dụng chính sách khắc nghiệt với NLĐ. Ở TP HCM điều này thể hiện rõ hơn, NLĐ được sử dụng một cách tối đa và sau 3 năm có kinh nghiệm là bắt đầu bị sa thải dần. Họ sử dụng NLĐ theo nguyên tắc không ký hợp đồng với NLĐ quá 2 lần. Thông thường, doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động 6 tháng hay 1 năm mà họ ký ngay lần đầu tiên là 3 năm, rồi ký lần thứ 2 là 3 năm nữa. Điều đó có nghĩa là một bộ phận NLĐ phải dịch chuyển, rời khỏi vị trí làm việc nên khả năng làm việc lâu dài là rất khó.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 80% người hưởng BHXH, có đến 72% người hưởng trợ cấp 1 lần trong thời gian vừa qua là từ 1-3 năm. Điều đó chứng tỏ một lực lượng rất đông NLĐ mong muốn được làm việc lâu dài nhưng khả năng là rất thấp.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,5% là 6.300 doanh nghiệp nhưng số DN giải thể, ngưng làm việc cũng chiếm 4,5%. Trong khi đó, điều đáng nói là lực lượng lao động chỉ tăng 2%. Rõ ràng khả năng NLĐ quay lại làm việc là không cao.
Ông Hải cũng nêu một thực tế rất bức xúc là lương hưu quá thấp, không tạo động lực cho NLĐ. “Hôm Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đi tiếp xúc công nhân, có một trường hợp rất đau lòng. Một công nhân nữ có 18 năm đóng BHXH, tiếp tục đóng thêm 21 tháng để hưởng lương hưu nhưng tiền lương hưu chỉ hơn 900.000 đồng/tháng. So với chuẩn nghèo TP HCM là trên 16 triệu đồng/năm” - ông Hải dẫn chứng. Ông Hải đề nghị phải tính toán sao để lương hưu trở thành động lực. “Điều 60 có ý nghĩa rất lớn đối với NLĐ khi có tiền hằng tháng, NLĐ muốn điều đó, hiểu điều đó nhưng không có khả năng thực hiện. Điều 60 hướng đến điều tốt đẹp cho NLĐ nhưng sẽ tốt đẹp hơn nữa khi chúng ta cho NLĐ linh hoạt chọn lựa” - ông Hải gửi gắm.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu: “Tôi đi tiếp xúc công nhân, họ cho rằng làm luật không sát thực tiễn. Điều này làm tôi trăn trở rất nhiều. Chính vì vậy, tôi đề xuất cần xem lại cách lấy ý kiến đối tượng luật; thực chất việc lắng nghe đã sát chưa; nghe rồi, thậm chí có ghi nhận ý kiến nhưng sự tiếp thu, cầu thị đã tốt chưa”.
Trước thực tế nhiều đại biểu cho rằng sở dĩ công nhân ở TP HCM, Bình Dương phản ứng mạnh là do công tác tuyên truyền chưa tốt, tổ chức công đoàn ở đâu, bà Tâm cho rằng cách nói này chỉ đúng một phần và có phần phiến diện. “Làm sao tổ chức công đoàn tuyên truyền được khi NLĐ đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Một công nhân may túi xách lành nghề 18 năm, đóng thêm 21 tháng nữa để được hưởng lương hưu 943.000 đồng. Với số tiền như vậy có sống được không? Ai trả lời được câu hỏi này? Làm sao tôi trả lời được câu hỏi đó. Rõ ràng trong trường hợp này họ phải chọn giải quyết khó khăn trước mắt. Trước mắt không giải quyết được thì sao nghĩ đến chuyện lâu dài” - bà Tâm đúc kết. Theo bà Tâm, nếu mà đỗ lỗi như thế, công nhân sẽ tiếp tục phản ứng là làm luật chưa sát thực tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân không đồng tình cụm từ “trước mắt” như đề xuất của Chính phủ. “Nếu dùng từ này làm NLĐ sẽ hoài nghi nên phải khẳng định là sửa Điều 60 luôn chứ không thể dùng từ “trước mắt”. Làm luật phải lâu dài, ổn định” - ông Ngân nhấn mạnh.
Theo NLĐ