Vào tháng 4/2017, một tiểu đoàn quân NATO đã diễu hành tới biên giới Ba Lan- Kaliningrad để cho Nga thấy rằng NATO hết sức cảnh giác với nguy cơ này.
Phản ứng từ phía NATO dấy lên một câu hỏi: liệu một mảnh đất nhỏ bé như Kaliningrad thì có ý nghĩa gì trong cuộc xung đột Nga- NATO?
Theo National Interest, Kaliningrad là cảng duy nhất của Nga ở bờ biển Baltic không bị đóng băng vào mùa đông. Nhưng vùng đất này lại tách rời nước Nga, cách Nga hàng trăm dặm.
Cũng tương tự như Crimea, từ năm 1991-2014 là một vùng nước ấm cũng bị tách rời khỏi Nga. Năm 2014, Nga đã sáp nhập Crimea để có thể tạo lối đi tiến nhanh ra Địa Trung Hải. Hiện nay phương Tây đang cáo buộc tổng thống Nga Vladimir Putin cũng định nối Kaliningrad với trung tâm nước Nga để kích động NATO.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra hôm 6/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ duy trì Điều 5- điều khoản bảo vệ lẫn nhau của NATO. Nhưng Kaliningrad hiện giờ vẫn chưa phải là mối quan tâm của Phòng Bầu dục. Dường như lãnh đạo chính trị phương Tây chưa nhận ra ý nghĩa của vùng đất này.
Nhìn lại lịch sử nước Nga vĩ đại, có thể nhận ra rằng tham vọng nối liền Nga với Kaliningrad của ông Putin không phải là mới mẻ. Khi Sa hoàng Peter Đại đế cầm quyền năm 1682, ông đã nghiên cứu phương Tây và sớm nhận ra rằng các cảng biển đóng băng của Nga khiến hải quân và ngành hàng hải hoạt động kém linh hoạt.
Trong khi Bồ Đào Nha có thể hoạt động cả 12 tháng trong năm thì các thương gia Nga lại hoàn toàn đóng băng hoạt động vào mùa đông.
Do đó Peter Đại đế đã tăng cường sức mạnh hải quân của Nga và chiến đấu giành lấy lối tiếp cận đến biển Baltic, chiếm được phần lãnh thổ của Thụy Điển. Nhưng đời sau của Peter Đại đế lại không giữ được vùng lãnh thổ này, tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực cũng bị suy yếu cho đến tận triều đại của Nữ hoàng Catherine II.
Catherine Đại đế đã khôi phục lại sức mạnh hải quân Nga. Bà đã đánh bại người anh họ Gustav III trong cuộc chiến Nga-Thụy Điển (1788-1790) và sau đó hướng về phía Nam. Cho dù bà đã thất bại ở Địa Trung Hải nhưng bà cũng đã chiếm được các cảng dọc theo Biển Đen ở phía bắc, nơi từng là khu vực chiếm đóng của Ottoman. Và điều này đã mở ra cuộc đối đầu giữa đế chế Ottoman và Nga kéo dài suốt một thế kỷ hòng giành quyền kiểm soát các cảng biển này.
Nhưng cũng giống như Peter Đại đế, người thừa kế của Nữ hoàng Catherine lại chẳng thể giữ được những vùng đất khó khăn lắm mới giành được này. Cuối cùng, khi Nicholas I lên nắm quyền năm 1825, Đế chế Ottoman đã bắt đầu sụp đổ. Táo bạo với mong ước chinh phục Biển Đen và lãnh thổ tiếp giáp Đế chế Ottoman, Nicholas đã gây ra cuộc chiến Crimea. Tây Âu lo sợ trước tham vọng của Nga đã hỗ trợ cho Ottoman để bảo đảm sự cân bằng quyền lực.
Cuộc chiến đã biến Florence Nightingale thành anh hùng, còn Nicholas lại trở thành một kẻ ngốc. Khi Nga thất bại trong các cuộc chiến thì Biển Đen đã trở thành khu vực mang lại nguồn lợi kinh tế cho phương Tây, và Nga buộc phải rút quân khỏi vùng Baltic.
Hơn nửa thế kỷ sau, Nicholas II lại tìm cách khôi phục lại hải quân Nga và nối các cảng còn lại của Nga với nhau, tuy nhiên kết quả đem lại cũng không như mong muốn. Vladivostok, khu vực nằm ở rìa phía đông nước Nga, giáp với Triều Tiên là cửa ngõ tiến vào thị trường châu Á. Với hy vọng kết nối hải cảng quan trọng này, Nicholas II đã hoàn thiện tuyến đường sắt xuyên Siberia, một phần gây ra cuộc chiến Nga- Nhật năm 1905 mà Nicholas đã thua thảm hại.
Thất bại này đã hạ gục Nga và cũng tạo ra chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản. Lần thua trận này đã thúc đẩy các cuộc nổi dậy khắp đất nước, và củng cố các cuộc cách mạng nông dân dưới sự dẫn dắt của những người cộng sản.
Hiện nay ông Putin đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như các Sa hoàng trước đây, đó là làm cách nào để kết nối Kaliningrad, cảng nước ấm duy nhất của Nga ở tận Baltic tới trung tâm nước Nga nhằm phục vụ cho các mục tiêu kinh tế và quân sự?
Khu vực Kaliningrad đã phát triển rực rỡ trong thập kỷ qua và ông Putin mong muốn động lực phát triển này được đưa vào Nga. Nếu như Vladivostok là cửa ngõ vào Thái Bình Dương thì Kaliningrad là cửa ngõ ra Đại Tây Dương. Nền công nghiệp của Kaliningrad đang bùng nổ mạnh mẽ, hơn nữa khu vực này mang lại tiềm năng kinh tế biển lớn nhất ở Nga (bao gồm cả hoạt động đánh bắt hải sản lẫn vận tải).
Với vị trí chiến lược này, Kaliningrad còn có thể bác bỏ thành tố châu Âu trong hệ thống phòng thủ do Mỹ lập ra. Với căng thẳng ngày càng tăng cao giữa Nga với Latvia và Lithuania, xung đột dường như sẽ dễ dàng xảy ra. Nếu tổng thống Putin có thể tìm ra cách kết nối Kaliningrad với đất mẹ Nga mà không phải phụ thuộc vào những nước láng giềng thù địch, ông Putin có thể tự do đưa quân lính cùng vũ khí và tên lửa đến khu vực này.
Câu trả lời cho mối băn khoăn của ông Putin nằm ở Belarus, nước láng giềng gần gũi nối thẳng với Nga bằng đường xe lửa. Belarus và Kaliningrad cách nhau bởi đường biên giới hẹp 60 dặm giữa Ba Lan và Lithuania. Nói cách khác, nếu kết nối được với Kaliningrad, ông Putin chỉ cách Baltic 60 dặm và lần đầu tiên nước Nga có thể kiểm soát được Đông Âu kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Việc nối Belarus với Kaliningrad có thể cô lập ba nước Latvia, Estonia và Lithuania; mở rộng ảnh hưởng của Nga và là động lực thúc đẩy nền kinh tế Nga. National Interest cho rằng giới lãnh đạo quân sự NATO hiểu điều này, nhưng dường như lãnh đạo chính trị vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của mảnh đất nhỏ bé Kaliningrad và nguy cơ của nó gây ra với châu Âu.
Trước đây giới quân sự phương Tây từ lâu đã lo lắng Nga sẽ tìm cách chiếm lấy Crimea để giành được lối vào Biển Đen nhưng các nhà chính trị lại không ý thức được điều này.
National Interest nhận định, tổng thống Putin giờ đây đã nhận ra vai trò của các cảng nước ấm đối với thương mại, cũng như khả năng quyền lực của Nga. Ông đã mở đường đến Baltic bằng cách sáp nhập Crimea. Ông cũng đã cố gắng kết nối cảng nước ấm quan trọng Kaliningrad với lục địa Nga. Có thể chính ông Putin sẽ là người hiện thực hóa giấc mơ Nga từ thế kỷ XVII, đó là kiểm soát được các cảng ở Thái Bình Dương, Biển Đen, Địa Trung Hải và Biển Baltic.
Tham vọng của Nga sẽ buộc phương Tây phải xem xét lại khả năng quân sự, quyết tâm của các lãnh đạo, cùng nỗi lo sợ trước ý định của Nga. Phương Tây sẽ không thể lẩn tránh hai câu hỏi: Liệu tham vọng của ông Putin là một khu vực quan trọng về quân sự và kinh tế để đảm bảo an ninh hàng hải hay là nỗi khao khát mở rộng ảnh hưởng và sức mạnh? Và liệu Nga và phương Tây có thể làm gì và sẽ làm những gì?