|
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh MIC |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, qua 7 năm thực hiện Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật, hoạt động xuất bản đã có những tăng trưởng đáng kể, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng thừa nhận, trước xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ, cùng sự thay đổi về chính sách pháp luật có liên quan, những biến động của thực tiễn diễn ra trong 7 năm qua, Luật Xuất bản đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được xem xét, đánh giá, tổng kết và nghiên cứu một cách khoa học, bài bản, đề xuất phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Cụ thể, những bất cập hạn chế đó là: việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho nhà xuất bản, cơ sở in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại và cơ sở in tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả.
Việc đặt hàng xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ trọng yếu khác tuy đã được triển khai nhưng mức đầu tư còn thấp so với yêu cầu. Một số nơi chưa khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn sách cung cấp từ các chương trình. Việc đặt hàng xuất bản sách cho người khiếm thị, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế.
Việc triển khai hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam thông qua xuất bản phẩm, tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm trong và ngoài nước còn phân tán, hiệu quả chưa cao. Chưa cụ thể hoá các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, lãi suất vay vốn đối với các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định Luật Xuất bản...
Để khắc phục những bất cập, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành và các hiệp hội cần đánh giá khách quan toàn diện công tác tổ chức thực hiện Luật Xuất bản sau 7 năm, trong đó tập trung vào một số vấn đề lớn, trọng điểm như: Những nút thắt đang được ngành xuất bản và xã hội quan tâm; việc triển khai các chính sách đặc thù đối với ngành xuất bản.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề nâng cao chất lượng xuất bản phẩm của công tác quản lý liên kết xuất bản; việc mở rộng phát triển thị trường in, phát hành; đấu tranh phòng, chống in, phát hành sách lậu vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản cũng như vấn đề quản lý và phát triển xuất bản điện tử; vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản - in - phát hành…
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc rà soát, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm cả Luật Xuất bản, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh sản xuất và xuất bản để phân tích làm rõ những bất cập, những hạn chế sự thiếu đồng bộ trong các quy định trong các văn bản pháp luật.
Trong thời gian tới đây, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, cơ sở in đóng góp ý cả về nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật về cái gì là bất cập, chưa theo kịp, cái gì là không khả thi. Việc tổ chức thực thi pháp luật từ trên xuống dưới khó khăn, vướng mắc vì sao? Việc này do ý thức hay do chính sách đưa ra không sát với thực tiễn; cần tháo gỡ những rào cản để hoạt động liên quan tới xuất bản ngày càng tiến bộ, phát triển…
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng yêu cầu, các cơ quan có liên quan cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản, các văn bản luật có liên quan, các quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản; nâng cao chất lượng nội dung, lấy chất lượng làm nội dung phát triển, tránh để xảy ra vi phạm nội dung về xuất bản phẩm…
Thứ trưởng cho rằng thời gian tới cần cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xuất bản cho các đối tượng bị quản lý trong lĩnh vực xuất bản - in - phát hành… Đặc biệt trong quá trình kiến nghị để sửa Luật Xuất bản cần phải nghiên cứu căn cơ, thấu đáo, mang tính hiệu quả, đảm bảo tính khả thi, tránh ngẫu hứng; đề nghị sửa luật tránh đi ngược lại xu thế…