|
Ông Hoàng Ngọc Giao: "Tôi sẵn sàng đưa ra một dự thảo mới, không kèm theo điều kiện gì, gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền tham vấn”. |
PGS.TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển chia sẻ với VietTimes.
Luồng sinh khí mới
Ông Hoàng Ngọc Giao nói: “Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội (QH), tại kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ mới (dự kiến họp vào tháng 10/2016), dự án Luật về Hội (LVH) sẽ được thảo luận và thông qua.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện LVH được bàn tới. Ngay từ năm 1993 chúng ta đã bắt đầu xây dựng dự thảo LVH, nhưng mãi đến năm 2005, Bộ Nội vụ mới trình dự thảo và công bố rộng rãi cho mọi người góp ý kiến. Đến năm 2006, câu chuyện LVH lại tiếp tục được bàn cãi ở nhiều cuộc hội thảo. Như vậy, dự thảo LVH đã được sửa đi, sửa lại tới 11 lần. Sau khi Hiến pháp 2013 được sửa đổi và ban hành, trong đó có nội dung rất quan trọng là LVH. Do đó, năm 2014, Bộ Nội vụ đã trình dự thảo LVH ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Có thể nói LVH là một bộ luật rất quan trọng, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến các tầng lớp nhân dân.
Đối với luật rất phức tạp như luật Hội này, việc Quốc hội đặt lên bàn nghị sự đã là một bước thay đổi rất căn bản sau cả chục năm mà nó được chờ đợi, nâng lên đặt xuống, được xếp hàng rồi”.
Rào cản lớn nhất cho các hội, hiệp hội hoạt động đúng như Hiến pháp năm 2013 quy định là gì, thưa ông?
- Nhiều chuyên gia về luật pháp và ngay cả khi phát biểu trên hội trường tại phiên họp thứ 10, QH khóa XIII cũng như nhiều đại biểu QH cho rằng, một trong những rào cản lớn tác động đến hoạt động của Hội là không tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, né tránh sự thật; tư duy bảo thủ, giáo điều tự tách Việt Nam ra khỏi quỹ đạo phát triển có tính phổ quát và tiến bộ của nhân loại; nhấn mạnh nét đặc thù để ngụy biện về sự yếu kém, tụt hậu; nghịch lý giữa lý thuyết và thực tiễn tụt hậu, giữa tình trạng nặng về hình thức luật pháp và ít hiện thực đi vào cuộc sống.
Thể chế kinh tế thị trường hiện đại không thể vắng bóng vai trò quản lý vĩ mô của Chính phủ, cũng như vai trò thúc đẩy của xã hội dân sự và tinh thần hiệp hội.
Vì vậy, việc ban hành LVH sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có cơ sở pháp lý lập hội nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, công nghệ và bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn trong cũng như ngoài nước.
Tôi tin rằng một LVH bảo vệ quyền hiệp hội của người dân, doanh nghiệp sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội Việt Nam, giống như khi đổi mới cho kinh tế tư nhân ra đời đã dẫn đến sự cất cánh của đất nước.
Ông có thể nói cụ thể hơn không?
- Chúng ta biết rằng sự phát triển của một xã hội, một đất nước thì bao giờ cũng cần phải có 3 thành tố quan trọng nhất: khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và xã hội dân sự.
Xã hội dân sự bao gồm các tổ chức xã hội, các liên kết dân sự. Xã hội dân sự còn là các tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ thiện, các trung tâm, các viện nghiên cứu; thậm chí còn là các tổ, nhóm người dân liên kết với nhau vì một mục tiêu chung nào đó. Bản chất của các tổ chức này là sự tự nguyện của người dân và phi vụ lợi. Họ có cùng mục đích, cùng mối quan tâm hoặc có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta biết là có những hội như là hội chơi tem, hội chơi xe đạp cũ.
Có những tổ chức người dân liên kết lại với nhau thành lập những nhóm người cùng sở thích như Nhóm chăn nuôi lợn siêu nạc chẳng hạn. Tuy những sự liên kết này hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, nhưng lợi ích của các tổ chức xã hội này cũng rất tốt ở chỗ người dân tự lo cho nhau. Có những lĩnh vực, những công việc mà Nhà nước không thể nào vươn tới được thì người dân người ta vẫn làm được. Thứ nữa là, các nhóm, các tổ chức này có những lợi ích chung của họ.
Nếu lợi ích đó bị xâm phạm bởi khu vực doanh nghiệp, bởi hành vi của các cơ quan công quyền thì họ sẽ đoàn kết đấu tranh. Ví dụ, khi Hà Nội tiến hành chặt cây xanh, Hội những người “Yêu cây xanh” đã bày tỏ ý kiến phản đối và Hà Nội đã cho dừng công việc này. Có thể nói đó là những ý kiến phản biện rất quan trọng trong một xã hội phát triển lành mạnh.
Không tạo ra bất bình đẳng giữa các hội
Theo ông thì điều quan trọng nhất để tạo điều kiện cho Nhà nước dễ quản lý và các hội hoạt động thực sự có hiệu quả thì tinh thần quan trọng nhất của LVH là gì?
- LVH cần đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ và tự do trong hoạt động, không bị can thiệp tùy tiện bởi các cơ quan nhà nước vào điều lệ, lãnh đạo cũng như lĩnh vực hoạt động của hội.
Có như vậy hội mới tập hợp được nhân tài, đáp ứng được nhu cầu của thành viên cũng như bảo vệ được lợi ích của hội viên. Khi đó, hội có thể giúp các thành viên tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực góp ý cho chính sách phát triển ngành, và đặc biệt bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn.
Một vấn đề cũng hết sức qua trọng đó là luật nên xây dựng theo nguyên tắc chung là cho phép công dân thành lập hội theo hướng đăng ký chứ không nặng về thủ tục phê duyệt, đúng với tinh thần của Hiến pháp. Quy định như vậy sẽ thúc đẩy tinh thần hiệp hội và trách nhiệm cộng đồng.
Một bộ luật về hội cho phép nhiều hội hoạt động trong cùng một lĩnh vực sẽ thúc đẩy cạnh tranh, hiệu quả và lợi ích cho cộng đồng. Khi đó, người dân có quyền lựa chọn thành lập và gia nhập hội mình thấy hoạt động tốt nhất, đúng với nguyện vọng của mình nhất. Như vậy, hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ công, chia sẻ gánh nặng của Nhà nước. Và quan trọng hơn, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.
Ông đánh giá như thế nào về dự thảo luật mà QH đưa ra thảo luận cuối năm 2015 vừa qua tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII?
- Về nội dung dự thảo luật mà QH đã thảo luận lần đầu, theo tôi, chủ yếu tinh thần của nó vẫn là “sao chép”, bổ sung thêm theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội”, chứ chưa có một bước chuyển biến rõ rệt, đúng chủ trương là tạo điều kiện thuận lợi cho các hội hoạt động và thực hiện quyền lợi.
Hơn nữa, dự thảo luật cũng chưa giải quyết vấn đề là bỏ bao cấp với các hội do nhà nước thành lập. Tức là nó chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi của hoạt động hội. Vì vậy, có thể nói, dự thảo LVH lần này chưa có những chuyển biến cụ thể nào cả. Kể cả so với dự thảo luật 2006 mà chúng tôi đã có ý kiến. Các đại biểu QH cũng phát biểu rất nhiều về dự thảo luật này và cho thấy, còn rất nhiều vấn đề chưa được đưa vào LVH lần này.
Thưa ông, khi thảo luận về dự thảo LVH tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII cuối năm 2015, về phạm vi điều chỉnh, một số đại biểu tán đồng không điều chỉnh MTTQ và 5 tổ chức chính trị- xã hội, vì đây là các tổ chức có vị trí, vai trò đặc biệt. Bên cạnh đó, lại có nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng việc không điều chỉnh một số loại hội kể trên trong dự thảo luật sẽ vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các loại hội của quyền tự do hiệp hội. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ngày 22/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 52 về hội. Như vậy là chúng ta đã có cơ sở pháp lý về hội rồi chứ không phải là không có. Điều 1 của Sắc lệnh ghi rõ: “Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải để chia lợi tức”. Việc thành lập hội cũng được quy định rất rõ ràng, minh bạch. Điều 4 của Sắc lệnh này ghi rõ: “15 ngày sau khi nhận được tờ khai và điều lệ, Uỷ ban hành chính kỳ sẽ phải chuyển đệ cả hồ sơ và phát biểu ý kiến lên Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xét hồ sơ và nếu cho phép hội thành lập, sẽ ký nghị định cho phép. Sau hạn 4 ngày kể từ hôm phát biên lai, nếu Bộ Nội vụ không trả lời ngăn cấm hội thành lập và hoạt động, thì hội sẽ coi như được thành lập”.
Vì vậy, dự thảo LVH cũng phải theo tinh thần như vậy, tất cả các hội, đoàn thể phải thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Không nên phân biệt MTTQ, 5 tổ chức chính trị- xã hội với các tổ chức xã hội dân sự khác.
Nếu quy định như dự thảo luật hiện hành về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND các cấp trong việc công nhận điều lệ hội và chức danh người đứng đầu hội tại Điều 14 và Điều 31 của dự thảo luật hiện hành, chẳng những mâu thuẫn và vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội như đã được công nhận và quy định tại Điều 2 và Điều 6 của dự thảo, đồng thời cũng trái với nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội.
Trong khi đó, quyền lập hội là quyền Hiến định, đồng thời cũng là tinh thần Sắc lệnh năm 1946 của Hồ Chủ tịch, bất cứ người dân nào cũng có quyền lập hội và tham gia hội. Do đó việc lập Hội chỉ nên cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tự chủ về tài chính
Như vậy, ngoài nguyên tắc tự nguyện thì các hội, đoàn thể cũng phải tiến tới tự chủ về tài chính. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Vấn đề đặt ra là NSNN sẽ rất khó khăn nếu Nhà nước tiếp tục bao cấp hoặc hỗ trợ cho các hội, đoàn thể. Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này. Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế- xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng. Ngân sách nào chịu cho nổi!
Chính vì vậy khi xây dựng dự thảo LVH này cần quy định rõ là Nhà nước không bao cấp nữa. Luật ngân sách của chúng ta 2015 cũng đã nói rõ rồi, Nhà nước không chi ngân sách cho các hoạt động của các hội. Đường lối của Đảng cũng đã có. Vì vậy Hội nên tự chủ về tài chính, hoạt động bằng quỹ của Hội, từ nguồn kinh phí hội viên đóng góp. Và như thế Hội sẽ bảo vệ quyền lợi của hội viên tích cực hơn cũng như tăng niềm tin của hội viên đối với Hội.
Như chúng ta vừa nói, hiện nay Nhà nước đang phải bao cấp, hỗ trợ rất lớn từ nguồn NSNN. Tuy nhiên, nếu quy định ngay là các hội, đoàn thể này phải tự chủ về tài chính thì liệu có làm “rối loạn” xã hội không, theo ông?
- Đúng là có một khó khăn: chúng ta phải giải quyết cái tồn tại hiện nay như thế nào. Vì vậy, cũng phải tiến hành từng bước; phải rà soát, phân loại các hội đặc thù để xem có bao nhiêu hội cần phải điều chỉnh, sáp nhập, có bao nhiêu hội của Đảng, Nhà nước không còn nhu cầu nữa, có bao nhiêu hội tự trang trải kinh phí hoạt động để có sự điều chỉnh hợp lý, giảm nguồn chi, đi đến chấm dứt việc chi trả từ ngân sách nhà nước.
(Theo báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ thời bấy giờ là ông Nguyễn Thái Bình tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù - NV).
Ông từng nói rằng, năm 2006, thay vì góp ý cho dự thảo LVH, một nhóm nghiên cứu của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (được Liên hiệp Hội giao nhiệm vụ) đã soạn thảo hẳn một dự thảo LVH để bộ Nội vụ, Chính phủ tham chiếu. Dự thảo luật này so với dự thảo luật mà Bộ Nội vụ soạn thảo có “độ vênh” lớn không, thưa ông?
- Cần phải nói rõ là dự thảo luật năm 2006 (mà tôi được giao chắp bút, Nhóm nghiên cứu được Liên hiệp Hội giao nhiệm vụ soạn thảo gửi Bộ Nội vụ, Chính phủ để tham vấn) là dự thảo LVH rất tiến bộ. Nó thể hiện được đầy đủ tinh thần của Hiến pháp là “người dân có quyền tự do lập hội” và Sắc lệnh số 52 của Chính phủ (do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành). Nếu xét một cách khách quan về nội dung dự thảo mà nhóm chuyên gia chúng tôi đưa ra, ngay ở thời điểm đó, nhiều chuyên gia, kể cả các chuyên gia quốc tế, đánh giá rất cao.
Ông có dự định tiếp tục góp ý gì cho dự thảo LVH lần này trước khi dự thảo luật dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 2 hoặc thứ 3, QH khóa XIV tới đây?
- Tôi sẵn sàng đưa ra một dự thảo LVH mới mà không có đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì, gửi Bộ Nội vụ, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan, tổ chức này tham vấn.
Xin cám ơn ông!
Theo Dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội Cựu chiến binh Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh HTX Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.