Hôm qua (7/7), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khoa học về dự thảo Luật về Hội do Liên hiệp các Hội KH&KT VN tổ chức. Dự thảo Luật này được đánh giá là một thay đổi căn bản đối với xã hội nước ta khi Quốc hội quyết định đặt vấn đề này lên bàn nghị sự sau cả một thập kỷ cân nhắc.
Cùng với sự phát triển của đất nước, các hội, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ… ngày càng phát triển nhanh, đa dạng về loại hình, phong phú về quy mô, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước đánh giá cao hoạt động của các Tổ chức này và cũng đã ban hành nhiều văn bản dưới luật, chủ yếu dưới dạng Nghị định…tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động. Tuy nhiên, những văn bản này còn nhiều những hạn chế, không đáp ứng được nhịp độ thay đổi, phát triển chóng mặt của xã hội.
Đối tượng điều chỉnh của Luật
Theo nhận định của các chuyên gia, đối tượng điều chỉnh của Luật về Hội lần này bao gồm 3 thành phần chính: Doanh nghiệp, Nhà nước và các Tổ chức Dân sự Xã hội; trong đó yếu tố Tổ chức Dân sự Xã hội là yếu tố then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc tới cấu trúc phát triển xã hội hiện thời. Tuy nhiên, dự thảo Luật về Hội lần này vẫn chưa thực sự tạo điều kiện để nhân tố này có đất phát triển.
Đề cập đến những bất cập trong dự thảo Luật về Hội, TS. Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển cho rằng: “Quyền lập hội của nhân dân bị hạn chế đáng kể do thiếu sự phân biệt giữa các chính sách bảo trợ của Nhà nước đối với các loại hội do Đảng, Nhà nước thành lập và với hội do các công dân tự thành lập; khi chuyển tải, luật hóa những chính sách này vào dự thảo Luật về Hội”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Lâm – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững đưa ra nhận xét: “Văn bản pháp quy nhiều song chưa đáp ứng được nhu cầu thành lập tổ chức của người dân. Nhu cầu phát triển của xã hội ngày một đa dạng nên không thể bó hẹp chỉ trong một số lĩnh vực như Khoa học & Công nghiệp, bảo trợ xã hội, tư vấn pháp luật…”. Chính bởi còn tồn tại nhiều văn bản pháp quy dẫn đến thủ tục thành lập rườm rà, khó khăn; cộng với nhận thức về Hội ở Việt Nam còn kém, việc quản lý số lượng cũng như chính sách hoạt động của các Hội, đặc biệt là các Tổ chức phi chính phủ càng gặp nhiều vấn đề rắc rối.
Vì vậy, phải xem xét kỹ lưỡng, xác định rõ đối tượng điều chỉnh ở dự thảo Luật này. Trên thực tế xã hội, hầu hết các mô hình phát triển kinh tế đều dựa trên ba yếu tố là Nhà nước, Tư nhân và ở giữa là Xã hội dân sự - nhân tố kiểm soát hoạt động chính. Nếu thiếu đi yếu tố này, Nhà nước và Tư nhân rất có thể móc ngoặc với nhau thành những nhóm lợi ích. Do đó, Luật về Hội phải đáp ứng đủ nhu cầu phản biện xã hội của các Tổ chức Xã hội dân sự nhằm hình thành một sân chơi bình đẳng và một luật chơi minh bạch, phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay.
Có nên đưa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc?
Tại Hội thảo, TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng dự thảo Luật về Hội còn để ngỏ, chưa điều chỉnh các vấn đề về tài chính, kinh phí hoạt động của hội. Những giải pháp chính sách được đưa ra phải đảm bảo giảm thiểu xu thế bao cấp kinh phí hoạt động đối với các hội do Đảng, Nhà nước thành lập.
Trên thực tế, hầu hết các hệ thống đoàn thể xã hội, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội vẫn được tổ chức theo mô hình biên chế bao cấp và hầu như không có nhiều thay đổi đáng kể. Theo số liệu của Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học QGHN) ước tính, tổng chi phí kinh tế - xã hội (gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ…) của các tổ chức hội đoàn dao động từ 45.600 – 68.100 tỉ đồng, tương đương 1,7% GDP. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của các tổ chức này lại phần lớn chỉ mang tính hình thức, thiếu năng động, tự chủ.
Do đó, các chuyên gia tại Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị về một văn bản pháp lý bao trùm hoặc những quy định chặt chẽ hơn về quản lý tài chính của các tổ chức quần chúng công. Cần phải có cơ chế giám sát, chất vấn về các hoạt động tài chính. Vậy nên, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, với tư cách là liên minh chính trị của các tổ chức nêu trên nên đảm trách nhiệm vụ này.
Điều kiện thành lập và đăng ký hội với Nhà nước như thế nào?
Về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia có mặt tại Hội thảo cho rằng, quyền tự do hiệp hội bảo vệ công bằng như nhau đối với các hội có đăng ký hay không đăng ký. Tuy nhiên, theo mô hình thế giới, các chuyên gia cho rằng các hội nên khai báo và đăng ký các thông tin cơ bản như trụ sở, người đứng đầu để chính quyền có thể nắm rõ, quản lý được số lượng. Ngoài ra, Nhà nước cũng khuyến khích hoạt động đăng ký pháp nhân để được hưởng những quyền lợi khác như: mua bán bất động sản, nhận tài trợ, thay mặt pháp nhân… Như vậy, nhờ có tính chính danh, hoạt động của hội sẽ dễ dàng mở rộng và nhanh chóng phát triển.
Dự kiến, dự thảo Luật về Hội sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại kỳ họp tới đây của QH khóa XIV.