Tại phiên thảo luận trước khi Quốc hội bấm nút, có vị đại biểu còn đề nghị cho ý kiến dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2014 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2015, tức kỳ họp này.
Cũng dễ hiểu với sự sốt ruột nói trên. Bởi, biểu tình là quyền cơ bản của công dân mang tính phổ quát của nhân loại, được quy định tại Hiến pháp nước ta từ năm 1946 đến nay, như phân tích của nhiều vị đại biểu.
Điều 25 của Hiến pháp 2013 vẫn tiếp tục hiến định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Và, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật cũng là điều đã được hiến định tại bản Hiến pháp này.
Bởi thế, nói như đại biểu Lê Nam thì “Quốc hội khóa 13 sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình, mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”.
Nhưng, ngày 16/4/2015 trong công văn triệu tập kỳ họp 9, Văn phòng Quốc hội thông tin: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép chưa trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp này để có thêm thời gian tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện dự án”.
Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự kiến sẽ được trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp cho biết cụ thể hơn về cái sự "chưa trình này".
Đó là, dự án Luật Biểu tình từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, dự án Luật Về hội từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 đã được đề nghị lùi sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2016).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp và tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này.
“Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật Về hội thì giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng nghị quyết của Quốc hội”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm.
Như vậy, mặc dù được đích thân Thủ tướng đề nghị và giao cho Bộ Công an chuẩn bị từ cuối 2011 nhưng đến tận kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 vào đầu năm sau dự án Luật Biểu tình mới được trình Quốc hội, nếu điệp khúc lùi và… lùi không tái diễn.
Và, nhanh nhất là đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016) Luật Biểu tình mới được thông qua.
Và như thế, cơ hội “trả nợ” nhân dân như cách nói của đại biểu Lê Nam rất có thể sẽ được trao lại cho Quốc hội khóa 14.
Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc Quốc hội khóa 13, ngay ở kỳ họp này, có chấp thuận cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình như đề nghị của Chính phủ hay không.