Lừa đảo đặt tour du lịch: Ưu đãi sốc, giá rẻ bất thường, yêu cầu chuyển khoản nhanh

Dịp hè là "mùa làm ăn" của tội phạm lừa đảo trực tuyến đặt tour và khách sạn. Chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cảnh báo, người dùng cần cảnh giác với các tour có giá rẻ bất thường, yêu cầu chuyển khoản nhanh.
Fanpage giả mạo một khách sạn ở Sapa

Giả mạo website hoặc fanpage của các resort, khách sạn nổi tiếng

Gần đây, hàng loạt vụ việc du khách bị lừa đảo đặt tour giả, phòng khách sạn không tồn tại, hay bị “cắt” combo du lịch vào phút chót liên tiếp xảy ra, khiến dư luận bức xúc. Chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đánh trúng tâm lý ham rẻ và sự thiếu kiểm chứng của nhiều người tiêu dùng.

Trên Facebook, Zalo, TikTok, không khó để bắt gặp các fanpage “giả danh” những resort 4-5 sao nổi tiếng ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang. Những trang này thường đăng tải thông tin ưu đãi sốc như “combo nghỉ dưỡng 3N2Đ chỉ 999.000 đồng/người”, hay “đặt phòng resort 5 sao chỉ 399.000 đồng/đêm kèm buffet sáng”. Các hình ảnh, video được đầu tư kỹ lưỡng, đánh lừa người xem là trang chính thống. Một khi người dùng chuyển cọc giữ chỗ, thường là 30 - 50% giá trị dịch vụ, kẻ gian lập tức khóa trang, chặn liên lạc, biến mất không dấu vết.

Không chỉ có các fanpage giả, các đối tượng còn lập hẳn website có giao diện giống hệt những nền tảng đặt phòng uy tín như Booking, Agoda... nhưng có tên miền lạ như “.xyz”, “.cc”, hoặc thêm dấu chấm, gạch ngang để đánh lừa thị giác người dùng. Một số trang thậm chí còn yêu cầu cung cấp mã OTP để "xác minh giao dịch", thực chất là để chiếm quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của nạn nhân.

Fanpage giả mạo VinPearl Hạ Long có lượt thích và lượt theo dõi giống nhau

Chia sẻ trên trang cá nhân, chị N.H.O ở Hà Nội cho biết mình bị lừa gần 10 triệu đồng khi đặt phòng qua một fanpage Facebook giả mạo Vinpearl Hạ Long. Fanpage này có giao diện, tên gọi và hình ảnh giống hệt trang chính thức, thậm chí có dấu tích xanh và hàng nghìn lượt theo dõi. Sau khi chuyển tiền đặt cọc, chị không thể liên lạc lại với “nhân viên” và mất toàn bộ số tiền.

Tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã triệt phá một đường dây lập fanpage giả mạo các công ty du lịch, chạy quảng cáo rầm rộ để thu hút khách. Trong vòng 15 ngày, nhóm này đã lừa được khoảng 80 người, chiếm đoạt hơn 250 triệu đồng. Kẻ gian gửi hình ảnh khu du lịch, đưa ra giá rẻ để dụ khách chuyển tiền, rồi chặn liên lạc ngay sau khi nhận tiền.

Lừa đảo combo du lịch "siêu rẻ"

Các combo du lịch "siêu rẻ" cũng là chiêu trò lừa đảo phổ biến. Chỉ với vài triệu đồng, người dùng được hứa hẹn có vé máy bay khứ hồi, phòng nghỉ sang trọng và xe đưa đón. Tuy nhiên, đến gần ngày khởi hành, khi du khách liên lạc, đối tượng lấy lý do “hệ thống lỗi”, “bên hãng hủy” hoặc “phải bù thêm chi phí” mới đi được. Rốt cuộc, hoặc du khách bị huỷ tour sát giờ, hoặc buộc phải chi thêm tiền để không bị "kẹt" tại sân bay.

Anh Phan Trí Sơn ở TP.HCM đã mất hơn 12 triệu đồng khi tin vào một tour Thái Lan giá rẻ chỉ 3,2 triệu đồng/người được quảng cáo qua Zalo. Đối tượng lừa đảo gửi hợp đồng, hình ảnh đoàn đi trước và phản hồi khách hàng giả mạo để tạo niềm tin. Sau khi anh Sơn chuyển tiền đặt cọc cho 4 người, kẻ gian viện cớ “trục trặc visa” rồi cắt liên lạc, khiến anh mất trắng số tiền.

Chị Thu Trang (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi thấy combo du lịch Phú Quốc giá rẻ trên Facebook, có cả hình ảnh phòng nghỉ. Mọi thứ rất chuyên nghiệp. Tôi chuyển 9 triệu đồng cho 3 người thì ngay sau đó số điện thoại không liên lạc được, fanpage cũng biến mất”. Không riêng gì chị Trang, nhiều người nhẹ dạ cả tin cũng “dính bẫy” khi đặt tour qua các tài khoản cá nhân, không có hợp đồng hay hóa đơn rõ ràng.

Lừa đảo vé máy bay giá rẻ

Theo Công an TP Hà Nội, việc đặt vé máy bay du lịch giá rẻ trên mạng đang là xu hướng lựa chọn phổ biến của người dân. Lợi dụng việc này, các đối tượng xấu đã giả mạo các nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, đại lý bán vé máy bay để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng là lập các tài khoản Facebook, Zalo… giả mạo nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, đại lý bán vé máy bay. Sau đó đăng tải nội dung bán vé máy bay giá rẻ kèm theo hình ảnh, hoạt động của công ty, đại lý để tạo tin tưởng. Khi có người liên hệ, các đối tượng sẽ chỉnh sửa hình ảnh, làm giả voucher, làm giả vé máy và các loại giấy tờ.

Những trường hợp tinh vi hơn còn đặt chỗ trên trang bán vé chính thức của các hãng hàng không để người mua có thể kiểm tra mã trên các trang web của hãng để xác nhận. Tuy nhiên, khi đã chuyển tiền thanh toán xong, khách hàng sẽ không được xuất vé hoặc bị hoàn vé.

Nâng cao cảnh giác trước khi đặt tour du lịch

Các hình thức lừa đảo nói trên không mới, nhưng ngày càng được “nâng cấp”, chuyên nghiệp hơn, khiến người dân khó phân biệt. Các đối tượng thường dùng tài khoản ngân hàng đứng tên cá nhân, thuê SIM rác, và tạo fanpage chạy quảng cáo mạnh để nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng.

Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề nghị các sở du lịch địa phương tăng cường giám sát, phối hợp cùng lực lượng công an xử lý các website và fanpage giả mạo. Đồng thời, người dân được khuyến cáo nên đặt tour qua các đơn vị lữ hành có giấy phép kinh doanh rõ ràng, sử dụng nền tảng uy tín, yêu cầu hợp đồng và biên lai cụ thể, không chuyển tiền qua tài khoản cá nhân lạ.

Các page giả mạo khách sạn Movenpick Phú Quốc

Theo chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, người dùng cần đặc biệt cảnh giác với các tour có giá rẻ bất thường, yêu cầu chuyển khoản nhanh, hoặc các trang web có giao diện không quen thuộc. Khi có dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng lưu giữ chứng cứ, liên hệ ngân hàng để khoá giao dịch và báo cáo cơ quan chức năng.