Lối thoát nào cho Hanoimilk?

VietTimes – Hanoimilk là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chế biến sữa đang niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh Vinamilk. Nhưng trái ngược với hình ảnh của đối thủ, Hanoimilk vẫn đang chật vật tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm xoay chuyển tình trạng sản xuất kinh doanh kém khả quan.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Câu chuyện của Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk – Mã CK: HNM) mang lại nhiều bài học về tầm quan trọng của việc ra quyết định trong kinh doanh và phần nào là sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Hơn cả, đó là niềm tin của người lãnh đạo vẫn đang cố gắng để vực dậy doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh kém sắc

Được thành lập vào năm 2001 và đi vào hoạt động năm 2003, HNM đã tạo được những dấu ấn bước đầu trên thị trường với nhãn hiệu sữa IZZI, YOTUTI và các sản phẩm từ sữa khác. Những tưởng đó là sự khởi đầu thuận lợi để HNM tiếp bước thành công, trở thành một ông lớn có thực lực trong ngành sữa Việt Nam.

Tuy nhiên, con đường của HNM lại gặp phải những sự việc không mong muốn, xuất phát từ khủng hoảng sữa nhiễm melamine năm 2008 và quyết định sai lầm với chiếc vỏ hộp sữa khiến người tiêu dùng quay lưng, lựa chọn các nhãn hiệu sữa khác.

Doanh số bán các sản phẩm sữa vì thế ngày càng sa sút, đến nỗi mà một người có nhiều kinh nghiệm phụ trách bán hàng như ông Phan Mạnh Hòa, Phó tổng giám đốc khi ấy cũng bị miễn nhiệm vì không hoàn thành chỉ tiêu bán hàng.

Nên biết, ông Hòa là một "sales manager" dày dạn thương trường, từng kinh qua vị trí Giám đốc bán hàng tại Unilever Việt Nam, rồi Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Phú Thái, trước khi về công tác tại Hanoimilk năm 2015. Thế mới thấy câu chuyện phát triển kinh doanh cho những nhãn hiệu như IZZI, YOTUTI rõ ràng là không đơn giản!

Trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của HNM cũng không mấy khả quan, khi doanh thu liên tục giảm sút, lợi nhuận mang lại cũng không đáng kể, thậm chí đang có dấu hiệu thua lỗ trở lại.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của HNM đạt 81,7 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty đã lỗ 11,4 tỷ đồng. Tức là sẽ không có gì bất ngờ nếu năm nay, họ sẽ lỗ sâu hơn mức 18,6 tỷ đồng đã ghi nhận trong năm 2017. 

Với kết quả kinh doanh như vậy, mục tiêu “trở thành 1 trong 3 công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa và công ty số 1 về các sản phẩm sữa cho trẻ em” sẽ ngày càng xa vời, với Hanoimilk.

Ban lãnh đạo của HNM đã cố gắng đưa ra những dự án đầu tư như là giải pháp thoát hiểm cho doanh nghiệp. Nhưng trước tiên họ phải giải quyết bài toán: huy động nguồn lực tài chính.

Những dự án dang dở vì thiếu vốn

Trong giai đoạn 2016 - 2020, HNM đặt trong tâm phát triển 2 dự án nhằm mở rộng quy mô sản xuất sữa.

Trước tiên là dự án Đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất Sữa chua ăn với tổng mức đầu tư 349 tỷ đồng. Mục đích đầu tư nhằm tăng công suất sản xuất Sữa chua ăn lên mức 320 tấn/ngày để phục vụ bán hàng trong nước và xuất khẩu.

HNM cũng đầu tư 313 tỷ đồng vào dự án Đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất Sữa UHT, tăng công suất mặt hàng này lên mức 300 tấn/ngày để phục vụ bán hàng trong nước, gia công và xuất khẩu.

Ngoài ra, HNM đã đầu tư hơn 72 tỷ đồng để thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò tự nhiên tại Mê Linh, Hà Nội, với mục đích tạo nguồn sữa cho hoạt động của các nhà máy.

Về nguồn vốn thực hiện các dự án này, bên cạnh nguồn vốn tự có và vay vốn ngân hàng, HNM còn lên kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (không có tài sản đảm bảo) và 30 triệu cổ phiếu (tương đương 300 tỷ đồng) cho nhà đầu tư chiến lược.

Hình ảnh nhà máy sữa của Hanoimilk (Nguồn: Internet)
Hình ảnh nhà máy sữa của Hanoimilk (Nguồn: Internet) 

Vì lợi nhuận của HNM năm 2017 là số âm nên kế hoạch phát hành trái phiếu không thể thực hiện được. Với tình hình kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 không khả quan, HNM nhiều khả năng sẽ phải lùi kế hoạch tới sau năm 2019.  

Còn việc phát hành 30 triệu cổ phiếu để huy động vốn, xem ra cũng là một phương án khó khả thi với HNM.

Một mặt vì thị giá cổ phiếu trên sàn đang giao dịch quanh mức 3.500 đồng/cổ phiếu (trong khi mệnh giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu), kết quả kinh doanh thua lỗ và nhiều nghi vấn tại các khoản mục trọng yếu trên báo cáo tài chính. Mặt khác, điều kiện để các nhà đầu tư chiến lược được ưu tiên xem xét cũng có nhiều điểm ràng buộc và chọn lọc.

Cụ thể, các nhà đầu tư chiến lược phải có chung quan điểm xây dựng giá trị lâu dài và bền vững của HNM và các cổ đông hiện hữu, cùng nhau phát triển HNM trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của 2 bên.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư góp phần giúp cho Hanoimilk về chiến lược phát triển dài hạn, hỗ trợ công nghệ, điều hành, đa dạng hóa loại hình kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển của HNM.

Ngoài ra, các đối tác chiến lược mua cổ phần sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo các thỏa thuận ký kết với HNM.

Niềm tin của người đứng đầu

Tuy gặp nhiều thách thức, ban lãnh đạo của HNM, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - ông Hà Quang Tuấn - vẫn đặt nhiều niềm tin vào triển vọng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.

Tại đại hội cổ đông lần thứ 17 diễn ra vào ngày 30/6/2018, giải đáp mối lo ngại của cổ đông về trái phiếu chuyển đổi, ông Tuấn đã khẳng định sẵn sàng mua 100 tỷ đồng trái phiếu nếu không ai mua, vì một phần trách nhiệm và niềm tin vào cơ hội phát triển trong dài hạn của công ty. Ông Tuấn cũng tin tưởng nhà đầu tư chiến lược sẽ đánh giá cao những tài sản, công nghệ mà HNM đang có.

Được biết, ông Hà Quang Tuấn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT từ năm 2009, thời điểm mà HNM còn khó khăn hơn rất nhiều, khi công ty thua lỗ trên 68 tỷ đồng, chịu áp lực nợ vay lớn từ ngân hàng.

Ông Tuấn đã từng kiêm nhiệm cả chức vụ Tổng giám đốc tại HNM, điều hành doanh nghiệp, mặc dù trước đó chỉ thỏa thuận làm vị trí Chủ tịch HĐQT với các cổ đông lớn tại đây.

Sự đóng góp này cũng đã nhận được nhiều lời động viên từ các cổ đông, vì nếu không, họ đã mất trắng khoản đầu tư vào HNM từ lâu.

Với bối cảnh của HNM hiện tại, bài toán về tài chính vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu nhưng để tìm kiếm được một nhà đầu tư phù hợp như đã đề ra thì không phải là một chuyện dễ dàng./.