Lỗi thiết kế tàu cá, ai là người chịu hậu quả?

VietTimes -- Thừa nhận thiết kế tàu có nhiều bất cập, song lại không thể can thiệp, và vẫn cho đóng thành tàu. Kết quả là tàu cá QNa 95997TS của ông Phan Thu (Quảng Nam) phải đưa về nhà máy để sửa chữa, sau 2 chuyến đi biển đầu tiên
Lỗi thiết kế tàu cá, ai là người chịu hậu quả?

Biết có lỗi thiết kế, vẫn đóng tàu!

Sau khi thông tin tàu cá vỏ thép QNa 95997TS của ông Phan Thu phải "về lại nơi sản xuất" để sửa chữa ngay sau hai chuyến biển đầu tiên, ngày 1/4, Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (thuộc Tổng Công ty Sông Thu) đơn vị đóng tàu QNa 95997TS đã có buổi làm việc với ông Phan Thu

Tại buổi làm việc, cả phía chủ tàu là ông Phan Thu, cũng như đơn vị đóng là ông Trần Hữu Xiết, Phó giám đốc Công ty Hải Sơn đều thừa nhận thiết kế tàu có vấn đề. Nhưng không can thiệp được nên... đành chấp nhận.

"Trong 21 mẫu tàu đơn vị thiết kế đưa ra thì ngư dân chọn mẫu cho phù hợp. Bản thân tôi cũng có ý kiến chỉnh sửa, nhưng phía thiết kế nói không thể sửa được, nên đành chấp hành thiết kế của tàu. Sau khi ra Hà Nội yêu cầu chỉnh sửa thiết kế thì trong 21 mẫu, mẫu này phù hợp với nghề lưới rê, nhưng cũng chỉ được chỉnh 2 vấn đề. Một là công suất máy chính chỉ 650 CV, tôi phải chỉnh lên 800CV trở lên. Vì nếu 650 CV thì ngân hàng chỉ có cho vay 90%, thứ hai nữa là hỗ trợ của Chính phủ chỉ có 75% mà công suất trên 800CV mới được hỗ trợ 100%. Thứ nữa là chỉnh khoang cá từ 2 khoang lên 3 khoang. Nội dung chỉnh thiết kế chỉ được chỉnh như vậy thôi" - ông Phan Thu nói.

"Còn nôm na thiết kế thì bản thân tôi không có hiểu được thiết kế này, nên khi hoàn thành thiết kế và mang vào ngân hàng thì ngân hàng cung cấp tất cả hồ sơ. Về phía Nhà máy Hải Sơn cũng đã đóng tàu theo đúng thiết kế, không có vấn đề gì sai sót. Tôi cũng chọn tôn theo đúng số tiền mà ngân hàng giải ngân, vì không thể chọn loại tôn tốt, tôn Nhật Bản được" - ông Thu nói tiếp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu cho rằng, thiết kế tàu có những bất cập, nhưng đơn vị thiết kế không thay đổi thì... đành chịu. "Ông thiết kế nói đến chuyện không thay đổi được thiết kế là không được. Tôi nhận thấy thiết kế bất cập, nếu thay đổi thì đăng kiểm không cấp. Còn nhà máy không có chức năng thiết kế, mà chỉ làm theo thiết kế".

Nhưng "về lại nơi sản xuất" là do... tời lưới?

Tuy nhiên, cả chủ tàu Phan Thu và đại diện đơn vị đóng là ông Trần Hữu Xiết đều cho rằng, việc phải đưa tàu QNa 95997TS về lại nhà máy lại là để sửa... tời lưới.

"Về phía nhà máy cũng đã đóng theo đúng thiết kế được phê quyệt của Cục Thủy Sản. Vật tư, trang thiết bị mua đúng theo yêu cầu của thiết kế. Ở đây có 2 vấn đề nổi lên là lưới theo đặt hàng bên ngoài ở chủ tàu mua, không đảm bảo nhưng đã được sửa xong rồi" - ông Trần Hữu Xiết nói.

"Còn tời, nhà máy mua về lắp, nhưng theo chúng tôi hiểu là công suất tời không đủ là một. Thứ hai là trong thiết kế nó kéo lưới bị kẹt, dẫn đến rách. Theo như anh Thu nói thì trên thị trường chỉ có một loại tời lưới này thôi. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu để mua thay thế loại khác nhưng thực tế không có. Có lẽ như anh Thu nói, trước tời lưới này làm cho tàu cá nhỏ hơn nên công suất nhỏ, bây giờ mình đưa ra lắp cho tàu cá, tàu sắt này không phù hợp" - ông Trần Hữu Xiết "dò dẫm" về nguyên nhân tời tàu cá của ông Phan Thu bị hỏng.

Theo ông Phan Thu, sau hai chuyến biển, hệ thống lưới lẫn tời lưới của tàu bị lỗi khiến lưới không chìm, cũng như tời không kéo được lưới, làm lưới bị hư hỏng. "Sau hai chuyến biển thử việc, tôi thấy nhiều bất cập. Dù dàn lưới tôi làm đắt hơn các dàn lưới khác 200 triệu, nhưng độ chìm của chì không có nên trong chuyến đầu tôi thả lưới thì mất lưới, trôi dạt tận Lý Sơn. Chuyến thứ hai rút kinh nghiệm vừa đánh xong là quay về đi kiểm tra, nhưng kéo từ 8h tối đến 3h chiều mới xong. Tàu phải đi tìm lưới, lưới thì đứt. Tôi đã mời công ty cung cấp thì họ nhận lỗi và họ khắc phục lại" - ông Thu cho biết.

Theo lý giải của ông Thu, việc vấp phải những vấn đề trên là do trên thị trường không có tời kéo lưới rê chuyên dụng, ngư dân phải dùng tời kéo lưới cản cho tàu, nên công suất không đảm bảo và phải trở lại nhà máy để sửa chữa. "Thực tế khi ngư dân ra biển đánh gặp sóng, dòng chảy khác thì bị tụt áp lực. Trong khi thiết kế công suất tời là 75m3/phút thì nhà máy vẫn làm như vậy", ông Phan Thu phân tích.

Theo ông Trần Hữu Xiết: "Tời thì nhà máy không chế tạo được, mà phải mua sẵn. Đối với hệ thống thủy lực, mình đóng theo thiết kế, có thể chỉnh áp lực lên được theo yêu cầu của chủ tàu. Nhưng nếu tính toán thiết kế giữa tời kéo, tốc độ, áp lực cho phù hợp, nếu không sẽ phá lưới. Có thể tìm kiếm tời lưới từ nước ngoài cho phù hợp, có thể của Trung Quốc, Nhật Bản. Và nan giải nhất hiện nay vẫn là tời lưới".

Tuy nhiên, một loạt vấn đề trước đó đã được ngư dân Phan Thu cho biết như thân vỏ, ca bin tàu có thiết kế bất cập... khiến tàu lắc và khó hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết bất lợi... đã không được để cập.

Cái đáng lưu ý nữa là trong khi rất nhiều ngư dân và nhà máy đóng tàu đã lên tiếng về khiếm khuyết trong các thiết kế tàu cá, thì cho đến giờ hoàn toàn chưa thấy ý kiến của những người thiết kế lên tiếng về những vấn đề này.

Và thế là đã xuất hiện thực tế oái oăm, một chương trình lớn như đóng tàu cá công suất lớn lại "đóng" được những con tàu phải sửa chữa ngay sau những chuyến đi biển đầu tiên. Thiệt hại từ những con tàu lỗi ấy, không hiểu sẽ do ai chịu, nếu không phải là ngư dân ?