|
PGS. TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện CTQG HCM |
"Lợi ích nhóm là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần; nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại" - PGS. TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định với VietTimes.
Lợi ích nhóm có nguy cơ thành băng nhóm tội phạm
Thưa ông, cụm từ “Lợi ích nhóm” lần đầu tiên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến là vào năm 2012, khi triển khai Nghị quyết TƯ 4, Khóa IX và ông luôn nhấn mạnh đến việc phải loại trừ lợi ích nhóm. Vậy “Lợi ích nhóm” là gì? “Lợi ích nhóm” khác “Nhóm lợi ích” thế nào?
- Tôi có thể khẳng định rằng, sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến hiện tượng “lợi ích nhóm” là rất cao. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều bàn luận khoa học về vấn đề này. Thậm chí trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, cách hiểu về “lợi ích nhóm” cũng khá khác nhau. Thậm chí, còn có nhiều người sử dụng lẫn lộn giữa hai cụm từ “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”.
“Nhóm lợi ích” hàm nghĩa một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của Chính phủ để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho nhóm mình, hoặc tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để nhóm thụ hưởng. Với cách hiểu như thế trong xã hội có nhiều nhóm lợi ích tồn tại một cách khách quan như các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhóm dân cư chung một số lợi ích theo vùng, theo sở thích... Chúng có tác động hai mặt đến xã hội. Mặt tích cực của nhóm lợi ích là truyền tải thông tin giữa nhóm lợi ích và Chính phủ cũng như là đầu mối vận động ủng hộ các hoạt động, các chính sách của chính phủ. Mặt tiêu cực của nhóm lợi ích là vì mục tiêu cục bộ của nhóm có thể làm sai lệch chính sách của Chính phủ và làm tha hóa công chức quản lý nhà nước.
Còn “lợi ích nhóm” hàm nghĩa một nhóm người nào đó lấy lợi ích của nhóm mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội, là chủ nghĩa ích kỷ, chỉ biết đến mình mà không đoái hoài đến lợi ích của những người liên quan. Khi nói đến việc chống “lợi ích nhóm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến việc chúng ta phải chống cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động ích kỷ này.
Vậy lợi ích nhóm gây ra tác hại như thế nào đối với đất nước, thưa ông?
- Chúng ta cần phải nhận thức được rằng, lợi ích nhóm là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của dân tộc, của chế độ XHCN. Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, là nguy cơ chính làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”.
Nếu Đảng và Nhà nước ta không kịp thời ngăn chặn được hoạt động của lợi ích nhóm, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường XHCN chân chính nữa. Mong muốn của hàng triệu đảng viên cộng sản và nhân dân đã chiến đấu và hi sinh xương máu sẽ trở nên xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được.
Lúc này, hơn lúc nào hết, cần phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thành quả cách mạng và bảo vệ Đảng, không để Đảng bị lợi ích nhóm thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.
Ông có thể nói cụ thể hơn mức độ trầm trọng của lợi ích nhóm và các biểu hiện của lợi ích nhóm ở nước ta hiện nay?
- Nếu lấy thước để đo và nói rằng mức độ trầm trọng của lợi ích nhóm đang ở đâu thì rất khó, nhưng những biểu hiện của nó trong xã hội thì rất trầm trọng. Nó len lỏi vào mọi góc cạnh của nền kinh tế. Trước hết là làm đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư; làm cho nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật; tạo điều kiện để kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật,…phát triển. Các doanh nghiệp móc ngoặc với quan chức nhà nước nhằm chuyển nguồn lực, tài sản, vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước để làm ăn, cái lợi thì chia nhau, khoản lỗ để lại cho nhà nước.
Thực chất “lợi ích nhóm” là đồng tiền chi phối quyền lực, tranh giành và chiếm giữ quyền lực, làm quyền lực không còn là của nhân dân. Thậm chí các nhóm lợi ích này còn hoạt động phổ biến, công khai bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực, giết người. Thậm chí lợi ích nhóm còn làm biến đổi, hoặc làm thay đổi mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của chúng ta. Vì lợi ích cá nhân, cục bộ một số sẵn sàng bán rẻ cả lợi ích quốc gia, quyền lợi dân tộc.
Một trong những biểu hiện của lợi ích nhóm lớn nhất và trầm trọng nhất đó là những hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng, những hoạt động của các đại gia ngân hàng trong việc câu kết lũng đoạn thị trường tiền tệ. Biểu hiện của lợi ích nhóm còn thể hiện trong chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn chạy chức, chạy quyền, “buôn quan”, “buôn vua”, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cầm quyền, từ đó dẫn đến đảng cầm quyền bị nhóm lợi ích thâu tóm không còn là đảng phục vụ nhân dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà nước của dân; làm xói mòn lòng tin của dân vào đảng cầm quyền.
Đừng vào dàn đồng ca để "hát nhép"
Để từng bước đẩy lùi lợi ích nhóm và tiến tới xóa bỏ lợi ích nhóm, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
- Trước hết cần đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của các bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều điểm tối, không rõ ràng, thì lợi ích nhóm còn có cơ hội hình thành. Do vậy, công khai, minh bạch các hoạt động của bộ máy công quyền là một trong những giải pháp làm cho lợi ích nhóm ít có cơ hội hình thành, phát triển. Kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm.
Trên cơ sở đó, một mặt đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung, có sự điều chỉnh của luật pháp và đặc biệt là sự giám sát của xã hội. Vì vậy cần xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước.
Quyền hạn phải gắn liền với trách nhiệm một cách rõ ràng, minh bạch, không để trình trạng “cha chung không ai khóc”. Chúng ta lâu nay xây dựng xã hội mà ai cũng là chủ nhưng không ai chịu trách nhiệm. Lãnh đạo quyền hành thì to nhưng ít phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Vừa qua tôi cho rằng anh Thăng (Đinh La Thăng - PV) cách chức Tổng giám đốc Công ty vận tải Đường sắt Hà Nội về việc mua tàu cũ của Trung Quốc là đúng. “Anh” có quyền, khi làm sai “anh” phải chịu trách nhiệm chứ! Đã đến lúc phải lấy lại tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước vị trí của mình. Đã đến lúc từng cá nhân phải “hát” bằng giọng của mình, chứ đừng có đứng vào “dàn đồng ca” để mà “hát nhép”. Để làm được điều này, đi vào cụ thể thì có nhiều cơ chế như thông qua bầu cử, thông qua cơ chế bãi miễn của nhân dân, bảo đảm các quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp...
Ngoài ra cũng cần triển khai các giải pháp đồng bộ khác như kê khai và công khai tài sản của bản thân và của gia đình của cán bộ, công chức; kê khai thường xuyên hàng năm, bảo đảm minh bạch các nguồn thu nhập của mọi người. Nâng cao mức lương cho công chức. Lương của công chức thể hiện đủ để cán bộ có thể sống được bằng lương và thể hiện danh dự của người công chức sẵn sàng cống hiến cho Nhà nước và hết lòng phục vụ nhân dân. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và xã hội, phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm ngăn chặn sự hình thành lợi ích nhóm.
Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu cơ chế và luật pháp về “vận động hành lang” ở các nước để từng bước áp dụng các chính sách phù hợp trong điều kiện nước ta.
Xin cám ơn ông!