Lockheed phát triển hệ thống giúp biến máy bay vận tải thành chiến đấu cơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Không quân Hoa Kỳ có thể chỉ phải chờ thêm 1 năm để máy bay vận tải của họ được trang bị thêm khay vũ khí thông minh, biến thành máy bay chiến đấu, vừa hiệu quả, lại không tốn kém.
Một chiếc C-17 tham gia vào quá trình thử nghiệm airdrop (Ảnh: Defense News)
Một chiếc C-17 tham gia vào quá trình thử nghiệm airdrop (Ảnh: Defense News)

Trong cuộc họp báo ngày 29/10, Scott Callaway, Giám đốc bộ phận Hệ thống tấn công nâng cao của Lockheed Martin, đã chia sẻ vào tháng 8 vừa qua, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân đã trao cho công ty này một hợp đồng trị giá 25 triệu USD để phát triển một hệ thống chứa bom đạn.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Lockheed sẽ trình diện hệ thống mới trong các chuyến bay thử nghiệm dự kiến ​​diễn ra vào năm 2021. Trong quá trình thử nghiệm, các kiện hàng chứa đầy vũ khí tên lửa dự phòng liên hợp giữa không đối đất và tầm bắn mở rộng, hay JASSM-ER, sẽ được đặt trên máy bay vận tải, thả về phía sau. Sau đó, ở khoảng cách an toàn với phi cơ, tên lửa sẽ được triển khai.

Mục tiêu là để tái cấu hình các loại máy bay chuyên chở, vốn thường được sử dụng cho các nhiệm vụ phi sát thương như đưa đón công chức và vận chuyển thiết bị, để chúng có thể phóng hàng loạt vũ khí dự phòng với giá rẻ mà không cần di chuyển vào khu vực đang xảy ra tranh chấp. Tất cả sẽ được thực hiện theo đúng quy trình airdrop tiêu chuẩn, nghĩa là vẫn vận chuyển vật tư và con người mà không yêu cầu phải sửa đổi máy bay.

“Với cách sử dụng không thay đổi giữa máy bay vận tải thông thường với máy bay triển khai tên lửa, hệ thống mới đã mang tới sự linh hoạt và có thể tiết kiệm hàng tỷ USD phí sửa đổi nền tảng, đồng thời cũng cung cấp một khả năng mới để đưa một số lượng lớn vũ khí vào khoang chứa” – Callaway phát biểu.

Theo Callaway, dựa trên nghiên cứu ban đầu, các máy bay vận tải cỡ lớn như C-17 có thể triển khai tới 32 JASSM-ER, nhưng những con số này có thể thay đổi trong quá trình phát triển. Bản thân hệ thống đang được thiết kế với giao diện thông dụng để nó có thể thả nhiều loại bom đạn.

“Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với Không quân để đưa ra trọng tải và khả năng chịu tải tối ưu” – Callaway nói – “Đó là một phần chức năng của hệ thống triển khai airdrop, tên lửa được nạp vào hệ thống, trong phạm vi máy bay đang bay. Rõ ràng, khi có thông tin các loại bom, đạn nhỏ hơn xuất hiện, chúng tôi hy vọng khả năng chịu tải sẽ tăng lên mà không cần thiết kế một hệ thống bom, đạn mới”.

Ông cho biết thêm, trước khi phóng, tên lửa sẽ được thiết lập các tuyến đường đã vạch sẵn. Thêm vào đó, hệ thống sẽ có một máy tính nhiệm vụ cho phép các nhà điều hành cập nhật thông tin mục tiêu.

Lockheed đã trình diện phiên bản đầu tiên trong cuộc thử nghiệm Hệ thống quản lý trận chiến nâng cao lần thứ hai vào tháng trước. Trong sự kiện này, một chiếc máy bay giấu tên của Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt của lực lượng Không quân đã thả một khay JASSM giả ra phía sau máy bay.

Theo một bản tin của Lực lượng Không quân, trong một cuộc trình diện riêng biệt, Bộ Tư lệnh Cơ động Trên không đã tiến hành thả mô phỏng các loại vũ khí bằng máy bay C-17.

“Khả năng chứa đạn cho phép các máy bay vận tải khác nhau sử dụng nhiều loại vũ khí, thông qua một hệ thống xếp dỡ khép kín, có thể cung cấp một phương án thay thế cho Không quân giúp vận chuyển nhiều vũ khí hơn, phục vụ cho các trận chiến” – Dean Evans, Giám đốc Chương trình thử nghiệm Vũ khí của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân, cho biết.

Đầu năm nay, Trung tướng Clint Hinote, hiện là người đứng đầu văn phòng chiến lược, tích hợp và yêu cầu Không quân, cho biết, khi hoàn thiện công nghệ cho các loại vũ khí đóng gói, dịch vụ này phải xác định cách kiểm soát tài sản cơ động, thứ đóng vai trò chiến đấu tương tự như máy bay ném bom.

“Một số phương thức chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ sẽ là cần thiết, nếu không, phải có một bộ tích hợp thay thế” – Hinote nhấn mạnh. Ông nói thêm rằng, các rào cản văn hóa bên trong Không quân sẽ khó vượt qua hơn những thách thức công nghệ trong việc tạo ra các loại bom, đạn.