Mô hình bơm hơi - Vũ khí ngụy trang lợi hại của quân đội Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nhìn lại những trận đánh và cột mốc quan trọng trong lịch sử, có thể thấy ngụy trang luôn là chiến lược quân sự quan trọng được các quốc gia sử dụng. Và nước Nga cũng không ngoại lệ.
Một trong số những mô hình bơm hơi mà quân đội Nga sử dụng để đánh lừa địch thủ (Ảnh: OC)
Một trong số những mô hình bơm hơi mà quân đội Nga sử dụng để đánh lừa địch thủ (Ảnh: OC)

Hiện nay, mô hình bơm hơi là một trong những vũ khí ngụy trang quan trọng bậc nhất của Nga. Dù những mô hình này không được coi là vũ khí chiến đấu hiệu quả nhất, nhưng đối với Nga, chúng có giá trị tương đương những vũ khí trị giá hàng triệu USD.

Theo đó, những “thành trì” này được thiết kế để mô phỏng vũ khí thực tế và chúng có giá rẻ hơn hàng trăm lần so với đồ thật. Ngoài ra, các “vũ khí giả” này còn rất dễ dàng được triển khai và di chuyển.

Với mục đích ngụy trang đánh lừa kẻ thù, thể hiện sự hùng hậu hơn so với thực tế, nhằm thu hút hỏa lực của địch và câu giờ bằng cách buộc kẻ địch phải xác minh mục tiêu, đội quân bơm hơi này thực sự là một phần quan trọng trong kho vũ khí của Nga.

“Nếu nghiên cứu các trận đánh có quy mô lớn trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng, các chiến lược ngụy trang thường mang đến thắng lợi” – Aleksei A. Komarov, kỹ sư quân sự tại công ty khinh khí cầu RusBal, chia sẻ với tờ New York Times – “Không một ai chiến thắng theo cách hoàn toàn trung thực”.

Xuất phát điểm chỉ là một công ty khinh khí cầu đơn giản, RusBal hiện chuyên sản xuất các vũ khí bơm hơi, là bản sao của các loại máy móc chiến tranh, được sử dụng bởi quân đội Nga. Các sản phẩm của công ty này bao gồm từ bệ phóng tên lửa, xe tăng, máy bay chiến đấu đến lều quân sự và thậm chí là các trạm radar. Điều đặc biệt là tất cả đều mô phỏng đúng kích thước thực tế của các “vũ khí thật”.

Những mô hình được thiết kế có kích thước giống với hàng thật (Ảnh: OC)
Những mô hình được thiết kế có kích thước giống với hàng thật (Ảnh: OC)

Được biết, công ty này thành lập từ năm 1993 bởi một người đam mê và chuyên sản xuất khinh khí cầu, cũng như đồ chơi bơm hơi cho trẻ em. Dẫu vậy, hiện nay, khách hàng lớn nhất của công ty vẫn là quân đội Nga.

Vũ khí quân sự bơm hơi đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của RusBal. Công ty này đang bắt đầu phát triển các phụ kiện để hoàn thiện các sản phẩm của mình. Cụ thể, công ty đã bán một thiết bị được thiết kế như đường ray nhằm hỗ trợ các xe tăng bơm hơi di chuyển giữa những địa hình hiểm trở, tăng tính ngụy trang.

Đội quân bơm hơi của Nga là một phần của cái gọi là “Maskirovka”. Đây là một học thuyết của Nga pha trộn giữa chiến lược ngụy trang và chiến thuật “bóp méo” thực tế nhằm đánh lừa kẻ địch.

Những mô hình bơm hơi này, mặc dù trông rất thật đối với những người không chuyên, song đối với công nghệ hiện đại của quân đội Mỹ hoặc các đối thủ quân sự khác thì khó có thể ngụy trang trong thời gian dài. Tuy nhiên, không thể phủ nhận khả năng “câu giờ” của các vũ khí này.

Theo một báo cáo năm 2010 của BBC, các sản phẩm bơm hơi của RusBal được làm từ chất liệu đặc biệt, có thể đánh lừa radar của đối phương, khiến kẻ địch nghĩ rằng, đây là vũ khí thật.

Điều đáng lo ngại là những thông tin về các mô hình bơm hơi này đã tồn tại hàng thập kỷ qua nên hiệu quả đánh lừa của chúng sẽ khó “qua mắt” máy ảnh và công nghệ trinh sát hiện đại.

Một chiếc xe tăng bơm hơi T-80 có giá khoảng 16.000 USD. Nghe có vẻ đắt đỏ nhưng so với một chiếc xe tăng thực tế phải tốn hàng triệu đô để chế tạo, thậm chí còn tăng lên để duy trì trong vài năm, thì vũ khí bơm hơi thực sự là một món hời. Bên cạnh đó, các vũ khí này có thể được vận chuyển dễ dàng chỉ bằng hai túi vải thô và được triển khai bằng máy nén khí đơn giản.

Trong Thế chiến II, các nước Đồng minh đã sử dụng “quân đội ma”, và NATO đã ném bom xuống những chiếc xe tăng giả của Serbia trong cuộc chiến ở Kosovo. Dù không phải nước đầu tiên sử dụng chiến thuật ngụy trang, song chắc chắn rằng nước Nga là quốc gia đưa chiến thuật này vào chiến đấu nhiều hơn bất kỳ quốc gia hay liên minh quân sự nào trên thế giới.