|
Bản phối cảnh phù điêu Lạc Long Quân-Âu Cơ vào vách núi Bà Hỏa đang bị dư luận "soi" về sự hợp lý. |
Trước hết, xin điểm qua những công trình tượng đài, phù điêu ở một số địa phương trong cả nước bị dư luận “soi” để độc giả thấy được nguy cơ “cát cứ văn hóa” đang dần hiện hữu.
Công trình Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa là một ví dụ điển hình. Được triển khai xây dựng từ năm 2009, nhưng đến nay công trình này vẫn dở dang, um tùm cỏ dại, xuống cấp trầm trọng.
Sau công trình đã nêu ở trên, nhiều địa phương trong cả nước trong đó có cả cấp huyện cũng đã lập dự án xây dựng công trình tượng đài, phù điêu với số vốn "khủng". Ví dụ như các địa phương: Quảng Nam, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... và hiện nay là tỉnh Bình Định.
|
Công trình Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở Ninh Bình bỏ hoang nhiều năm chưa thể tiếp tục hoàn thành như mục tiêu dự án
|
Được biết, thời gian tới UBND tỉnh Bình Định sẽ chi hơn 86 tỷ đồng (tiền ngân sách hơn 34 tỷ, nguồn xã hội hóa hơn 51 tỷ) để tạc phù điêu Lạc Long Quân-Âu Cơ vào vách núi Bà Hỏa.
Người dân băn khoăn trong khi Bình Định đã có tượng đài Vua Quang Trung và nhiều công trình tượng đài khác và còn nhiều việc lớn khác phải làm, thì có nên xây dựng phù điêu to, hoành tráng như thế không?
Theo dõi diễn biến đời sống kinh tế-xã hội và văn hóa Việt Nam, nhiều người không khỏi ngán ngẩm trước tình trạng đầu tư kiểu phong trào và “con gà tức nhau tiếng gáy”.
Chẳng hạn như sau phong trào đua nhau xây dựng sân bay, bến cảng thì hiện nay, ở nước ta xuất hiện cuộc đua mới. Đua xây dựng tượng đài, phù điêu và các công trình văn hóa tâm linh. Các tượng đài, phù điêu xây dựng sau ngày càng to, hoành tráng và vốn cũng nhiều hơn so với tượng đài trước.
Điều đáng bàn, là quá trình lập dự án xây dựng, chính quyền các địa phương không cần tính đến giá trị và chất lượng thẩm mỹ, lịch sử, giáo dục cũng như sự hài hòa cảnh quan thiên nhiên. Quan điểm nhiều tiền, to, hoành tráng tất sẽ có tiếng vang lớn đã ăn sâu và bám rễ vào tư duy nhiều nhà lãnh đạo, quản lý ở các địa phương.
Bàn về việc “con gà tức nhau tiếng gáy” trong xây dựng tượng đài, phù điêu, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, giảng viên Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, nếu Bình Định có phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ, thì sẽ có địa phương hình thành ý tưởng xây dựng tượng đài, phù điêu Kinh Dương Vương - bố của Lạc Long Quân.
Lúc đó huyền thoại rồng - tiên thiêng liêng sẽ được đúc bằng xi măng, sơn vẽ, tạo tác tùy ý - Áp đặt niềm tin cộng đồng vào các dạng vật chất vô tri cụ thể.
Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Văn Hồng ở Lam Mẫu, Lục Ngạn, Bắc Giang cho rằng hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử thông minh, mạng xã hội đã làm bùng nổ phong trào du lịch. Các công trình tượng đài, phù điêu... quá nhiều ở các địa phương trong cả nước chỉ có tác dụng để người ta chụp cái ảnh trong một thời điểm và khoe với cộng đồng.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng phân tích thêm, khi xây dựng một công trình văn hóa tâm linh hoặc tượng đài, phù điêu thì người ta chỉ cần nêu lý do “thể theo nguyện vọng, tình cảm chính đáng của nhân dân...” và trình dự án, rồi phê duyệt mà chẳng quan tâm nhiều đến những số liệu khoa học, cảnh quan, thẩm mỹ và tính giáo dục sau này, để khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết phải có công trình văn hóa to, hoành tráng.
Rất nhiều nhà khoa học lo lắng trước hiện tượng đua xây dựng công trình văn hóa ở các địa phương. Họ cho rằng việc xây dựng các công trình văn hóa nói chung, trong đó có xây dựng tượng đài, phù điêu là việc hệ trọng và cần phải tính toán kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là tính trung thực và giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giáo dục. Theo các chuyên gia mỹ thuật, tượng đài, phù điêu chưa chắc to, hoành tráng đã có sức sống với thời gian. Điều quan trọng là các địa phương cần đầu tư nghiên cứu để xây dựng các công trình thể hiện được bản sắc gắn với lịch sử, truyền thống và văn hóa đặc trưng thì mới có ý nghĩa.
Cân đối kinh phí, đầu tư có trọng điểm để phát triển bền vững là bài toán khó và hóc búa với cấp ủy, chính quyền của nhiều địa phương hiện nay. Để làm một cái gì đó thể hiện tính chiến lược, mang lại lợi ích cộng đồng thực sự thì trước hết cần có công tác quản lý bớt lỏng lẻo mới mong được như ý.
Thật rõ ràng, nếu còn tình trạng “ăn xổi ở thì”, nếu còn tình trạng thiếu tâm và tầm trong đội ngũ cán bộ thì cuộc đua xây dựng tượng đài, phù điêu và nhiều cuộc đua không tên khác sẽ còn hiện hữu ở đất nước chúng ta. Đó là sự lãng phí có chủ định và nên loại bỏ.