Lo Luật Tiếp cận thông tin “bẫy” dân

Có những quy định không cụ thể, rõ ràng, chẳng khác nào “bẫy” dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) góp ý dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, chiều 24/3 tại Quốc hội.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh góp ý dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh góp ý dự án Luật Tiếp cận thông tin.

Thông tin nào không được tiếp cận?

Điều 6 của dự thảo luật có hai khoản quy định thông tin công dân không được tiếp cận.

Một là thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật về bí mật Nhà nước.

Hai là thông tin do người đứng đầu cơ quan Nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách. 

Đồng ý là thông tin bí mật Nhà nước thì không được tiếp cận, nhưng đại biểu Vinh cho rằng, những thông tin nào là bí mật Nhà nước đang nằm ở rất nhiều luật chuyên ngành, người dân làm sao biết hết được để mà tiếp cận đúng những thông tin được phép.

Còn quy định ở khoản hai, thì theo ông không khác nào “cái bẫy” vì quá mập mờ. Đây rất có thể là cái cớ để cơ quan Nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho người dân.

Cũng băn khoăn về quy định ở điều này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) góp ý: kể cả những thông tin bí mật Nhà nước thì vẫn có một bộ phận công dân là cán bộ, công chức được tiếp cận. Do đó, chỉ nên quy định đó là thông tin hạn chế tiếp cận.

Có những thông tin quy hoạch được cơ quan Nhà nước đề là “mật” nhưng rồi vẫn có người biết, nhờ đó giàu lên sau một đêm, đại biểu Bùi Thi An (Hà Nội) bình luận.

Theo bà thì cần phải liệt kê danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này, để tránh tình trạng thông tin không mật vẫn đóng dấu mật để có lợi ích nhóm.

Đạ biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) góp ý: thông tin cần công khai tối đa, bí mật là ngoại lệ. Trách nhiệm của doanh nghiệp là cung cấp thông tin không phải bí mật kinh doanh để giúp cộng đồng phát triển. 

Liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin, đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận xét dự thảo luật chưa công bằng, bình đẳng trong trách nhiệm cung cấp thông tin khi quy định chỉ cơ quan Nhà nước mới có trách nhiệm này.

Theo ông Vinh, công dân còn cần thông tin từ các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, các quỹ và bất cứ đơn vị nào sử dụng ngân sách Nhà nước như trường học, bệnh viện…. 

Khởi kiện ở đâu và ai giải quyết?

Nâng cao trách nhiệm người cung cấp thông tin là vấn đề được đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Tp.HCM) nhấn mạnh.

Theo đại biểu Thúy, dự thảo luật mới chỉ quy định việc bồi thường trách nhiệm khi cố ý cung cấp thông tin sai, gây thiệt hại cho người tiếp nhận thông tin là chưa đủ. Mà cần quy định cụ thể hơn theo hướng mở rộng các trường hợp phải bồi thường, góp phần nâng cao trách nhiệm của chủ thể cung cấp thông tin. 

Tương tự, luật nêu yêu cầu chú trọng quyền được cung cấp thông tin của người yếu thế (người dân vùng sâu, vùng xa; người khuyết tật…) là rất đúng, rất nhân văn, nhưng chỉ nói giao chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi thì khó có thể đảm bảo luật được thực thi trên thực tế. 

Quy định yêu cầu người cung cấp thông tin phải nêu rõ lý do, mục đích sử dụng thông tin được đại biểu Thúy coi là không cần thiết. 

Người dân bị từ chối cung cấp thông tin không đúng luật, thông tin được cung cấp không chính xác thì khởi kiện ở đâu và ai giải quyết, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.

Theo VnEconomy