Cuộc "hôn nhân" bất thành với Nam A Bank
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường tài chính Việt Nam lại chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập ngân hàng sôi động như năm nay.
Cùng với những cặp đôi MHB-BIDV, Vietinbank- PG Bank hay Sacombank- Southern Bank đã chính thức "nên duyên", thì hai cái tên Nam A Bank - Eximbank cũng "nổi đình nổi đám" trong thời gian vừa qua với tin đồn sẽ sớm "về một nhà".
Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Nam A Bank bất ngờ lên tiếng khẳng định ngân hàng đang lộ trình tự tái cơ cấu, chưa có kế hoạch sáp nhập với đơn vị khác.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Đình Tân khẳng định Nam A Bank không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (mã EIB). Ông cũng nhấn mạnh, Nam A Bank đang đi đúng lộ trình tự tái cơ cấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
EIB "quyến rũ" trong con mắt nhà đầu tư ngoại
Mặc dù Nam A Bank đã chính thức lên tiếng chối từ, nhưng điều đó không có nghĩa EIB không còn hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư khác.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), EIB rất hấp dẫn nhất đối với các tổ chức nước ngoài chưa có giấy phép ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nguyên nhân là do ngân hàng này sở hữu rất nhiều lợi thế.
Thứ nhất, trong trường hợp ngân hàng này bị mua lại hoàn toàn, việc tính hạn mức cho vay cho một đối tượng được dựa trên số vốn của toàn bộ ngân hàng sáp nhập thay vì phân chia giữa chi nhánh TP. HCM và chi nhánh Hà Nội, như đối với các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam với tư cách chi nhánh ngân hàng.
Thứ hai, đối với các nhà đầu tư không phải từ Nhật Bản hoặc không thể tiếp cận nguồn vốn đô chi phí thấp thì nguồn tiền gửi trong nước có chi phí thấp hơn so với nguồn vốn từ nước ngoài.
Thứ ba là mạng lưới chi nhánh – đặc biệt đối với dịch vụ thu hộ tiền mặt đối với các khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia. Ngân hàng nước ngoài có thể tận dụng lợi thế này mà không cần nắm cổ phần kiểm soát nhưng cổ phần cao hơn thì có thể đưa ra giải pháp phù hợp hơn.
Cụ thể, các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia muốn tiền mặt trả bởi các khách hàng khác nhau được ghi có trực tiếp trên tài khoản của công ty mở tại ngân hàng nước ngoài, mếu không có mạng lưới của ngân hàng trong nước, khách hàng phải nộp tiền mặt tại ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu có hệ thống của ngân hàng trong nước, khách hàng có thể nộp tiền mặt tại bất kỳ văn phòng nào của mạng lưới ngân hàng trong nước và tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của tập đoàn đa quốc gia tại ngân hàng nước ngoài.
Việc hợp tác này có lợi cho cả hai bên vì ngân hàng trong nước có thể có thêm khách hàng thông qua giới thiệu của ngân hàng nước ngoài, và ngân hàng nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng của mình nhờ mạng lưới của ngân hàng trong nước.
Một lý do khác để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngân hàng trong nước là triển vọng tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam hấp dẫn hơn so với thị trường nước sở tại.
Đối với các ngân hàng Nhật Bản như Sumitomo, mở rộng hoạt động sang các thị trường đang phát triển như Việt Nam mang lại lợi nhuận cao vì nhu cầu tín dụng và lãi suất đều cao hơn so với tại Nhật Bản do suy thoái kinh tế kéo theo nhu cầu tín dụng thấp và dư thừa thanh khoản tại nước này.
Trong khi đó, nhờ kinh nghiệm trong mảng ngân hàng bán lẻ, Sumitomo giúp EIB đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ như tài chính cá nhân, hoạt động kinh doanh thẻ và thẻ tín dụng, qua đó chuyển dịch sang các tài sản sinh lời cao hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà đầu tư như Sumitomo.
Sumitomo tỏ ra tích cực trong các hoạt động M&A tại Châu Á trong hai năm qua. Phân tích hoạt động M&A cho thấy ngân hàng này có xu hướng tăng trưởng thông qua sáp nhập.
Những lợi ích từ việc hợp tác với EIB cùng với giá cổ phiếu hiện nay thấp so với mức năm 2008 (khoảng 29.000 đồng tại thời điểm Sumitomo đầu tư vào EIB lần đầu), Sumitomo có thể tăng cổ phần tại EIB nếu có ý định tăng cường sự hiện diện trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Cũng có thể là một "món hời" cho ngân hàng nội
Ngoài các ngân hàng nước ngoài, EIB cũng hấp dẫn các ngân hàng trong nước. VCB là một nhà đầu tư tiềm năng, hiện nắm 8,19% cổ phần, vì ngân hàng này đang có vị thế tài chính vững chắc và cho biết ý định thực hiện M&A nếu điều kiện phù hợp.
Ngoài ra, hai ngân hàng có nhiều đặc điểm bổ trợ. Thứ nhất, EIB tập trung vào cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân (87% tổng cho vay khách hàng vào cuối năm 2014) trong khi VCB thường tập trung cho vay các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp quốc doanh.
Thứ hai, EIB mạnh về kinh doanh ngoại hối, với số dư cam kết ngoại hối quý II/2015 là 71.572 tỷ đồng (so với 9.042 tỷ đồng của VCB). Khách hàng truyền thống của EIB thường là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên ngân hàng có thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn ngoại hối cũng như kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan đến ngoại hối. Cuối cùng, EIB cũng có thế mạnh trong việc cho vay du học.
Sáp nhập với một ngân hàng trong nước là một kênh quan trọng giúp ngân hàng nước ngoài mở rộng vào thị trường đang phát triển và có thêm một nguồn lợi nhuận mới, trong khi một ngân hàng trong nước mua lại một ngân hàng trong nước khác vì những ngân hàng này có thị trường mục tiêu khác nhau. Tuy vậy, VCSC vẫn cho rằng EIB hấp dẫn đối với ngân hàng nước ngoài hơn là ngân hàng trong nước.
Theo Bizlive