ĐHĐCĐ Eximbank: Nóng ngay “mở màn”, cổ đông đòi tăng thời gian thảo luận

Đại hội đồng cổ đông ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) diễn ra ngày 21/7 tại TP.HCM rất được mong chờ từ phía cổ đông và các nhà đầu tư khi ngân hàng phải 02 lần hoãn ngày tổ chức.
ĐHĐCĐ Eximbank: Nóng ngay “mở màn”, cổ đông đòi tăng thời gian thảo luận

Căng thẳng ngay từ đầu Đại hội đồng cổ đông, một cổ đông đã yêu cầu ban chủ tọa phải cho thêm thời gian thảo luận chứ không chỉ trong thời gian 40 phút, vì với trên 500 cổ đông thì thời lượng này chưa đủ.

Một cổ đông khác cũng nêu ý kiến đề nghị đại diện Ngân hàng Nhà nước cho cổ đông biết về tình hình của Eximbank để cổ đông còn có thông tin mà biểu quyết.

Trả lời các ý kiến của cổ đông, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết: Chúng tôi cam kết công khai các vấn đề của Exixmbank trong thời gian vừa qua. Sau thảo luận sẽ biểu quyết, những tờ trình nào trên 51% thì sẽ trở thành nghị quyết hoạt động của ngân hàng. Chúng ta tôn trọng nguyên tắc cao nhất, thiểu số phục tùng đa số, chúng ta thảo luận công khai dân chủ.

Ông Dũng cho biết thêm: Chúng ta phải tập trung thảo luận những vấn đề chính của ngân hàng, vì hằng năm Eximbank đã có cơ quan kiểm toán kiểm tra.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Eximbank có điểm nhấn quan trọng là việc bầu lại thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2015-2020 khi nhiệm kỳ vừa qua (2010-2015) cũng kết thúc. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm là ông Lê Hùng Dũng cũng không còn là đại diện của cổ đông lớn của công ty TNHH Vàng Bạc đá quý Sài Gòn (SJC) khi SJC đã thoái vốn trên 2% vốn điều lệ khỏi Eximbank năm 2014.

Các thành viên Ban kiểm soát của Eximbank cũng có sự thay đổi lớn khi các cổ đông lớn của Eximbank lần lượt thoái vốn là ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank)…

Tuy nhiên, trong chương trình nghị sự gửi các cổ đông, Eximbank đã không có tờ trình về việc bầu lại nhân sự chủ chốt của ngân hàng.

Trước đó, trên thị trường xuất hiện thông tin về cổ đông mới của Eximbank là 02 cá nhân đến từ ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) là ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm với tỷ lệ sở hữu mỗi cá nhân và ủy quyền khoảng 10% vốn điều lệ/người đã có tên trong danh sách ứng cử thành viên Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020.

Một thông tin cũng rất nóng khi ngày 15/7, NamABank cũng tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu tân Chủ tịch khi ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng vừa mới kết thúc cuộc thanh tra tại Eximbank.

Một nguyên nhân chính khiến Eximbank phải lỡ 02 lần không tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 là nhân sự cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

6 tháng, lợi nhuận 570 tỷ đồng

Báo cáo kết quả kinh doanh 06 tháng đầu năm 2015, lãnh đạo của Eximbank cho biết ngân hàng đã đạt lợi nhuận 570 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch cả năm. Vốn điều lệ của Eximbank hiện đang là 12.355 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm 2015, Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế khoảng 1.000 tỷ đồng, chia cổ tức ở mức 4,8%, tỷ lệ ROE là 5,4%. Tổng tài sản dự kiến ở mức 180.000 tỷ đồng, tăng 12%, huy động vốn ở mức 126.000 tỷ đồng, tăng 24% và dư nợ cho vay ở mức 108.750 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014.

Eximbank là một ngân hàng mạnh về hoạt động ngoại hối. Do vậy, năm 2015, Eximbank dự kiến doanh số thanh toán quốc tế 7,9 tỷ USD, tăng 30%, doanh số kiều hối 470 triệu USD, tăng 56%, doanh số mua bán ngoại tệ-VND với tổ chức kinh tế và dân cư là 9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2014.

So với mức lợi nhuận năm 2014, Eximbank chỉ đạt 3,8% kế hoạch ở mức 69 tỷ đồng. Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, lợi nhuận thu được từ kinh doanh năm 2014 của Eximbank đạt 1.940 tỷ đồng. Eximbank đã trích lập trên 20% trên tổng số nợ đã bán cho Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) nên lợi nhuận cuối năm 2014 giảm mạnh chỉ còn 69 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank là 2,46%, tương đương 2.144 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro là 1.251 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 13,6%.

Kế hoạch phát triển 05 năm tới 2015-2020, Eximbank sẽ tăng trưởng vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ 10%. Tổng tài sản tăng từ 12%-17%, đạt từ 180.000 -370.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn tăng 15%-20%, đạt từ 126.000 – 300.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ tăng 11%-20%, đạt từ 108.750-240.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2020 ở mức dưới 1,5%. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 5%-10%. Hệ số an toàn vốn tối thiểu 10%. Số chi nhánh, phòng giao dịch khoảng 300 điểm. Cổ tức và cổ phiếu thưởng năm 2015-2016 là 5%, từ năm 2017- 2020 tổi thiểu 10%/năm.

Theo Bizlive