Trên cơ sở đánh giá diễn biến khủng hoảng hiện nay, báo cáo nêu ra những bước đi chiến lược của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm giúp Ukraine “vượt thắng” trước Nga và quân ly khai. Nội dung có một số điểm đáng chú ý như sau:
Trùm tài phiệt Mỹ nhận định, thỏa thuận Minsk-2 tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho Nga, cho phép Moskva tin tưởng rằng có thể tránh được việc Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh cấm vận vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 tới.
Trên cơ sở các yếu tố thực tế, báo cáo cho rằng Ukraine và lãnh đạo các nước đồng minh cần đạt được sự thống nhất về các nguyên tắc sau: 1/ Không có sự trợ giúp hữu ích từ các đồng minh, Ukraine sẽ hoàn toàn yếu thế trước Nga; 2/ Tạo lập một nước Ukraine mới thịnh vượng từ đổ vỡ mang lại lợi ích chung, EU sẽ phải một mức giá đắt hơn nếu để Ukraine sụp đổ, thay vì hỗ trợ Ukraine vượt lên trên khó khăn; 3/ Cần tiếp tục duy trì, thậm chí là tăng cường cấm vận nhằm vào Nga nếu như xung đột bùng phát, dù điều này có thể làm EU gánh chịu thiệt hại phát sinh; 4/ Các đồng minh cần đối xử với Ukraine như là một “ưu tiên phòng vệ”, chứ không phải là trường hợp gánh nặng kiểu Hy Lạp. Giới lãnh đạo cần lên tiếng tuyên bố sẽ làm mọi điều có thể để giúp đỡ một Ukraine mới không bị cuốn vào đối đầu quân sự trực tiếp với Nga hay vi phạm Thỏa thuận Minsk.
Theo ông Soros, điều mà Ukraine cần làm là: Khôi phục lại khả năng chiến đấu của quân đội trong giới hạn Thỏa thuận Minsk, tạo lập tính thống nhất giữa các cơ quan thuộc chính phủ; thiết lập ổn định tiền tệ và ổn định hệ thống ngân hàng, tăng tính độc lập cho Ngân hàng Trung ương (NBU); chuẩn bị và trưng ra những chương trình cải cách về kinh tế, chính trị đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhà tài trợ. Đáng chú ý, tướng Wesley Clark (Mỹ), tướng Skrypczak (Ba Lan) cùng với một vài chuyên gia theo chỉ định của Hội đồng Đại Tây Dương sẽ lĩnh trách nhiệm cố vấn cho Tổng thống Petro Poroshenko về cách làm thế nào để khôi phục sức mạnh quân sự mà vẫn không phá vỡ Thỏa thuận Minsk.
Trách nhiệm của các đồng minh trong kế hoạch chiến lược này bao gồm: Gây sức ép với Nga, tước bỏ những ưu thế của Nga trong vấn đề Ukraine; đạt thỏa thuận khung mới về trợ giúp tài chính, cho phép Ủy ban châu Âu (EC) cấp 1 tỉ euro/năm trợ giúp cải thiện cán cân thanh toán của Ukraine; sẵn sàng và giải ngân các khoản viện trợ, cho vay tài chính một khi các chương trình cải cách của Kiev đáp ứng các yêu cầu đề ra, đưa Ukraine từ chỗ là nguồn cơn của bất ổn chính trị tới điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư.
Về ngắn hạn, ngay trong tháng tới Kiev cần đệ trình chương trình cải cách có tính thuyết phục cao, đổi lại là các tuyên bố hỗ trợ tài chính bổ sung của các đồng minh. Điểm mấu chốt của cải cách là tái cấu trúc tập đoàn khí đốt nhà nước Naftogaz; thiết lập giá thị trường cho tất cả các mặt hàng năng lượng. Quan trọng hơn, EU và Mỹ cần tuyên bố về một bản kế hoạch bảo hiểm “rủi ro chính trị” đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Ukraine, trị giá khoảng 10 tỉ USD. Chính ông Soros khi đó tung ra khoản đầu tư 1 tỉ USD, coi đây là "vốn mồi", để kích thích dòng tiền đầu tư chảy vào Ukraine.
Theo: Báo Tin Tức