Ảnh: Xda-developers
Ảnh: Xda-developers

E-magazine Liệu Honor có thể thắng lợi trong cuộc chiến "tái sinh" sau khi rời Huawei?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với sản phẩm hoàn thiện đầu tiên sau khi tách khỏi Huawei, Giám đốc điều hành Honor, Zhao Ming, tuyên bố rằng "bóng tối đã qua".

Tại sự kiện ra mắt gần đây, Honor đã chính thức giới thiệu dòng sản phẩm Honor 50 hoàn toàn mới. Sản phẩm này được trang bị chip Snapdragon 778G khá khả quan trên thị trường smartphone hiện nay và gây chú ý với camera chính 100 megapixel và sạc siêu nhanh 100W.

Honor đã im hơi lặng tiếng trong một thời gian dài kể từ khi độc lập khỏi Huawei. Thương hiệu này từng đứng đầu về doanh số bán điện thoại thông minh tại Trung Quốc, sau đó dần bị lép vế và thị phần rơi xuống đáy. Cuộc sống của Honor hiện tại thế nào? Liệu Honor có thể tiếp quản thành công thị trường trống do Huawei để lại? Honor trong tương lai sẽ đi về đâu?

Sinh ra đã ngậm thìa vàng nhưng phải tự lực cánh sinh

Tháng 12/2013, Honor chính thức được thành lập và là một công ty con của Huawei.

Năm 2011, Xiaomi ra mắt chiếc máy đầu tiên M1, và nhanh chóng bán được 300.000 chiếc trong vòng 5 phút với mức giá 1999 NDT, đây là một bom tấn trên thị trường điện thoại thông minh lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, điện thoại thông minh tại Trung Quốc có giá trung bình khoảng 3.000 NDT, trong khi Apple 4s bán ra vào năm 2010 có giá cao tới 4.999 NDT.

Do giá thành cực hấp dẫn của M1, nhiều người tiêu dùng chưa mua được hàng đã ngay lập tức hối thúc CEO Lei Jun trên Weibo. Xiaomi cũng ngay lập tức trở thành một cú hit và có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường điện thoại thông minh.

Sau khi chứng kiến ​​tất cả những điều này, Huawei đã quyết định tung ra một sản phẩm mới để chống lại Xiaomi trên thị trường giá rẻ. Do đó, nguyên mẫu của Honor đã ra đời, và chiến lược bán hàng của hãng cũng tương tự với chiến lược của Xiaomi, đó là chủ yếu sử dụng kênh Internet để bán hàng.

Dưới sự hỗ trợ bởi nguồn lực và công nghệ của Huawei, điện thoại di động Honor được đà phát triển. Chỉ trong 5 năm, sinh ra đã ở vạch đích, Honor không chỉ hoàn thành chiến lược ban đầu là cạnh tranh với Xiaomi ở thị trường giá rẻ, mà thậm chí còn đạt được thành tựu bất ngờ: năm 2017, Honor giành ngôi vương doanh thu Internet các thương hiệu điện thoại di động trong năm đó. Trong nửa đầu năm 2019, Honor đóng góp một nửa số lô hàng của Huawei.

Nhưng thành công vang dội không hoàn toàn nhờ vào Huawei. Vào khoảng năm 2013, các thương hiệu điện thoại nội địa Trung Quốc đã tung ra các thương hiệu kép tương tự, bao gồm IUNI của Gionee, Nubia của ZTE, ZUK của Lenovo,… Tuy nhiên, chỉ có Honor bứt phá thành công.

Tuy nhiên, với lệnh cấm của Mỹ, Huawei đã gặp khó khăn, không chỉ bị cắt nguồn cung chip mà hoạt động kinh doanh 5G cũng bị các nước khác chèn ép. Honor với tư cách là một thương hiệu phụ của Huawei cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều. Trong thời khắc đen tối như vậy, Huawei rõ ràng không đủ sức để gồng gánh thêm. Để tồn tại, Honor đã bắt đầu một cuộc tự lực khó khăn.

Tháng 11/2020, Huawei đã đưa ra thông báo bán toàn bộ hoạt động kinh doanh của Honor. Tập đoàn mua lại Honor - Zhixin New Information Technology Co. Ltd bao gồm China Telecom và một số đơn vị được chính phủ hậu thuẫn. Chủ sở hữu trước đây Huawei sẽ không có tiếng nói trong kinh doanh hoặc sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Honor trong tương lai.

Sau khi giao dịch hoàn tất, Honor hoàn toàn độc lập với Huawei, tránh được đòn trừng phạt lớn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội phát triển của Honor. Mặc dù trước đây Honor được Huawei hậu thuẫn nhưng cũng bị Huawei kìm hãm. Là một thương hiệu phụ, Honor có quyền truy cập vào các tài nguyên như công nghệ và các kênh bán hàng nhưng hãng cũng luôn xếp sau các sản phẩm hàng đầu của Huawei và đôi khi sẽ hoạt động như một "con chuột bạch" cho các chức năng thử nghiệm.

Sau khi rời khỏi Huawei, Honor không chỉ thoát khỏi những hạn chế ràng buộc sự phát triển mà còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn trên thị trường quy mô lớn mà Huawei bỏ trống.

Ai cũng đang nhòm ngó miếng bánh mà Huawei để lại

Ảnh: Abcnews.com

Ảnh: Abcnews.com

Do nguồn cung chip cạn kiệt, năng lực sản xuất điện thoại di động của Huawei rơi vào thế nguy hiểm. Trong danh sách lô hàng thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu cho quý đầu tiên của năm 2021 do Canalys công bố, Huawei, công ty từng đứng thứ hai trên thế giới và hạng nhất ở đất nước tỉ dân, đã biến mất.

Huawei hết hàng trên thị trường toàn cầu và cả nội địa Trung Quốc. Tại hội nghị Huawei hồi đầu tháng, mặc dù Giám đốc điều hành kinh doanh tiêu dùng của Huawei, ông Yu Chengdong đã công bố mẫu P50 mới nhưng thời gian bán ra thị trường vẫn còn rất xa. Trước miếng bánh béo bở từ trên trời rơi xuống, các nhà sản xuất như Xiaomi, OPPO và Vivo đều ráo riết thử sức.

Trước đó, thị trường điện thoại thông minh cao cấp Trung Quốc do Apple và Huawei thống trị. Theo số liệu của IDC, trong nửa đầu năm 2020, Huawei đứng đầu về doanh số bán điện thoại di động cao cấp trong nước với thị phần 44,1%. Bây giờ Huawei đã rút lui do các yếu tố bên ngoài, thị trường điện thoại thông minh đang trải qua một cuộc cải tổ lớn.

Tháng 12/2020, Xiaomi đã dẫn đầu thị trường với sản phẩm Xiaomi Mi 11, được trang bị Snapdragon 888, với giá khởi điểm 3999 NDT. Về định vị mẫu mã, Xiaomi Mi 11 tiếp tục đi theo chiến lược thương hiệu "cực kỳ tiết kiệm chi phí", với những nâng cấp đáng kể về cấu hình phần cứng, kết quả là Xiaomi Mi 11 lập kỷ lục đầu tiên của thương hiệu về doanh số bán hàng.

Không chịu thua kém, chỉ một ngày sau, Vivo đã phát hành X60 với giá khởi điểm 3498 NDT. Tháng 1 năm nay, hãng đã tung ra phiên bản X60 Pro với giá khởi điểm 4998 NDT, và mức giá cao nhất là gần 6.000 NDT. Cả hai chiếc điện thoại này đều tiếp tục thiết kế thời trang và mỏng của dòng X, và tập trung vào việc giới thiệu công nghệ hình ảnh hoàn toàn mới, điều này cũng tạo ra một làn sóng mua hàng.

Dòng Reno của OPPO trước giờ luôn có hoạt động khá tốt, mang lại sự tự tin cho OPPO khi đánh vào thị trường cao cấp. Vào ngày 11/6 mới đây, dòng OPPO Reno6 đã chính thức được ra mắt. Mặc dù giá khởi điểm chỉ 2799 NDT, nhưng phiên bản cao nhất Pro + đã lên tới 4499 NDT.

Ngoài ra, ba nhà sản xuất lớn này đã lấp đầy thị phần trống ở nước ngoài của Huawei. Từ khía cạnh xuất xưởng điện thoại di động toàn cầu trong quý 1/2021 do Strategy Analytics công bố, Xiaomi đã xuất xưởng 49 triệu chiếc, với thị phần 15%, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái; OPPO xuất xưởng 38 triệu đơn vị với thị phần 11%, tăng 68%; Vivo xuất xưởng 37 triệu đơn vị, với thị phần 11%, tăng 85%. Ba thương hiệu này đã vượt xa các thương hiệu khác.

Ngoài ra, OnePlus, Meizu và ZTE cũng đã ra mắt điện thoại mới trong năm nay. Trong đó, OnePlus 9 Pro và Meizu 18 Pro đều có giá khởi điểm là 4999 NDT, trong khi ZTE Axon 30 Ultra có giá khởi điểm thấp hơn một chút là 4698 NDT.

Trước sự thất thế của ông lớn Huawei, Honor càng có động lực tiến vào thị trường tầm trung đến cận cao cấp. Tháng 4 năm ngoái, với chip Kirin 990 5G, dòng Honor 30 có giá từ 3999-5798 NDT cũng được những người trong ngành đánh giá là "có đặc điểm của một chiếc máy cao cấp".

Tuy nhiên, việc tiến quân từ bình dân lên cao cấp sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Vào tháng 1 năm nay, Honor đã phát hành mẫu V40 đầu tiên sau khi độc lập, với giá khởi điểm là 3599 NDT. Tuy nhiên, xét trên hiệu suất tổng thể, không nhiều người dùng sẵn sàng chấp nhận mức giá của Honor V40. Doanh số bán hàng và phản hồi của người dùng đều kém, nỗ lực của Honor tại thị trường trung cấp đến cao cấp đã thất bại.

Mức giá của dòng Honor 50 ra mắt lần này khá hợp lý, tuy nhiên theo thông số của Honor 50 thì chiếc điện thoại này không trang bị chip cao cấp mới nhất mà chỉ dùng chip tầm trung Snapdragon 778.

Ngày nay, thị trường điện thoại tầm trung đến cận cao cấp Trung Quốc trở nên hỗn loạn sau sự thất thế của Huawei. Với sự phổ biến và lợi thế trong các ứng dụng phần mềm, Apple đã trở thành một lãnh chúa trên thị trường cao cấp. Theo một báo cáo do Canalys công bố, trong khoảng giá 4.000 - 5.000 NDT, tốc độ tăng trưởng của Apple cao tới 196% và tốc độ tăng trưởng từ 8.000 NDT trở lên cao tới 260%.

Và các nhà sản xuất smartphone nội địa Trung Quốc dường như đang tồn tại một sự hiểu lầm, không phải cứ đẩy giá cao mà được định vị là hàng cao cấp. Đối với thị trường điện thoại cao cấp, giá cả không phải là yếu tố quyết định đến thị phần, người dùng quan tâm nhiều hơn đến hiệu năng và các yếu tố khác. Ngay cả những nhà sản xuất như Xiaomi, OPPO và Vivo vẫn có hiệu năng ở mức trung bình khá trong thị trường tầm trung đến cận cao cấp. Việc Honor tung ra series 50 lần này chỉ là để giành lấy "một tấm vé" trong thị trường từ trung cấp đến cận cao cấp.

Giành lại "vị trí đã mất" của Huawei là một chặng đường dài cho Honor

Ảnh: Huawei Central

Ảnh: Huawei Central

Rõ ràng Honor đang tính đến thâm nhập thị trường từ trung cấp đến cao cấp, nhưng sẽ khó để giành được toàn bộ thị trường trống do Huawei để lại. Tuy nhiên, khi dần phát triển thành một thương hiệu điện thoại cao cấp tương tự như Huawei, Honor vẫn còn nhiều hy vọng.

Trước hết, việc các thương hiệu điện thoại hướng đến thị trường cao cấp đang là xu hướng chung, và các nhà sản xuất tên tuổi Trung Quốc đang đi theo con đường này. Hơn nữa, Honor cũng đã sẵn sàng kinh nghiệm học hỏi được từ Huawei trước đây.

Thứ hai, sau khi Honor độc lập khỏi Huawei, cổ đông lớn nhất của công ty là Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Thâm Quyến. Các cổ đông còn lại bao gồm nhiều cựu đại lý và nhà phân phối của Honor. Mảng R&D, sản xuất và các kênh phân phối đều được tích hợp vào cùng một mối giúp giảm chi phí nội bộ với tỷ suất lợi nhuận lớn.

Hơn nữa, khi Honor "ra đi", nó cũng lấy đi một phần hoạt động kinh doanh Internet, bao gồm các trung tâm mua sắm trực tuyến, thiết bị thông minh từ Huawei. Honor cũng có thể "ăn theo" chiến lược IoT từ Xiaomi. Lấy thiết bị di động làm cốt lõi, hãng có thể triển khai các thiết bị đeo, loa thông minh, nhà thông minh, thiết bị gia dụng thông minh và tiện ích thông minh khác.

Ngoài ra, Honor tuy tách ra khỏi Huawei nhưng "mạch huyết thống" không dễ tách rời. Ví dụ, phong cách thiết kế của Honor 50 khá giống với Huawei P50, và một số mẫu Honor sẽ được nâng cấp lên Huawei HarmonyOS trong tương lai. Ngoài ra, về chế độ bảo trì sau bán hàng, mức độ trùng lắp giữa hai dòng điện thoại Honor và Huawei vẫn rất cao. Do đó, ít nhất là ở Trung Quốc, Honor ít nhiều vẫn có thể sử dụng danh tiếng của Huawei.

Tuy nhiên, nếu không có sự bảo vệ của Huawei, Honor cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

OPPO và Vivo đã cân bằng giữa sự phát triển trực tuyến và ngoại tuyến, Xiaomi không chỉ hiểu rõ về tiếp thị Internet mà ngay cả cửa hàng trải nghiệm sinh thái IoT ngoại tuyến của họ cũng đang tăng tốc. Mặc dù Honor bắt đầu có mặt trên Internet và hiện đã bắt đầu mở rộng các kênh ngoại tuyến nhưng rõ ràng để giành được chiến thắng trước 3 nhà sản xuất lớn trên là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Honor cũng đang lúng túng trong cách thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Do trước đây Honor được định vị ở thị trường cấp thấp nên sau 8 năm phát triển, người dùng có thể dễ dàng hình thành tư duy cố định. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng là một công việc tốn nhiều thời gian và Honor vẫn cần phải nỗ lực trong lĩnh vực tiếp thị, và đương nhiên công việc này sẽ ngốn khoản kinh phí không nhỏ.

Quan trọng hơn, bản thân điện thoại Honor vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Trước đó, V40 của Honor không đủ điểm về mặt hiệu năng khi chỉ tập trung vào thiết kế thân máy, camera và video,… khiến người tiêu dùng không muốn mua.

Ngay cả đối với dòng Honor 50 ra mắt lần này, con chip cũng không ngang bằng với các nhà sản xuất khác. Và đối với nhiều người tiêu dùng, họ mong muốn Honor tung ra một mẫu flagship thực sự cao cấp về mặt hiệu năng, vì vậy Honor vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Tuy nhiên, đối với Honor sinh ra đã "ngậm thìa vàng" rồi phải tự lực cánh sinh, việc ra mắt hai sản phẩm mới trong thị trường cạnh tranh khốc liệt là điều không dễ dàng. Trước đây, các mẫu Honor gây ấn tượng nhờ chip Kirin của Huawei, thì giờ đây, dựa trên nền tảng Qualcomm, những ưu điểm của các mẫu cao cấp của Honor có thể mất một thời gian để làm nổi bật.

Mở đầu cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Honor, Zhao Ming, tuyên bố rằng "bóng tối trước bình minh đã qua". Trước đó, Honor đã giảm từ thị phần đa kênh cao nhất là 16% xuống chỉ còn 3% và giờ đây, thị phần mới nhất đã trở lại mức 9 %. Mục tiêu của Honor là quay trở lại mức đỉnh 16%, sau đó trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc và top ba thương hiệu hàng đầu thế giới.

Theo QQ