Liệu các nhóm nhạc K-pop ảo có trở thành xu hướng trong tương lai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhóm nhạc ảo đang chứng tỏ sự hiện diện ngày càng tăng của AI ở Kpop. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các ca sĩ ảo làm nghiêm trọng thêm vấn nạn video khiêu dâm và bản quyền trong làng giải trí. 
Eternity là nhóm nhạc ảo 11 thành viên được tạo ra bởi công nghệ AI và deepfake. Ảnh: Yuga Tech
Eternity là nhóm nhạc ảo 11 thành viên được tạo ra bởi công nghệ AI và deepfake. Ảnh: Yuga Tech

BlackPink ngày nay là một nhóm nhạc đình đám nhất Hàn Quốc, độ nổi tiếng của họ không chỉ ở Hàn Quốc mà còn lan rộng ra thế giới. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu nhóm nhạc nữ K-pop ảo có thể thay thế BlackPink?

Với sự thành công của nhóm nhạc ảo K/DA và Aespa đem lại, các công ty giải trí Hàn bắt đầu hướng sự chú ý đến công nghệ AI và tiến hành những thử nghiệm mới trong những tháng vừa qua. Eternity là một ban nhạc nữ mới nhất gồm 11 thành viên được tạo ra bằng đồ họa AI. Nhưng công nghệ mới cũng mang đến nhiều tranh cãi!

Có lẽ, SM Entertainment đã tính đến sự phổ biến ngày càng tăng của phát trực tuyến và giải trí kỹ thuật số khi tung ra Aespa. Trước đó, nhóm nhạc ảo K/DA dựa trên các nhân vật game "Liên minh Huyền thoại" đã thu được hàng triệu lượt xem trên YouTube - nhưng điều này cũng tạo ra rất nhiều lo ngại về đạo đức và bản quyền!

Liệu các nhóm nhạc nữ K-pop ảo có trở thành xu hướng trong tương lai?

Các thành viên AI được dự đoán sẽ trở thành "người thay đổi thế trận" âm nhạc từ chính những khía cạnh độc đáo và siêu thực của mình.
Các thành viên AI được dự đoán sẽ trở thành "người thay đổi thế trận" âm nhạc từ chính những khía cạnh độc đáo và siêu thực của mình.

Vào tháng 3 năm nay, nhóm nhạc nữ Eternity đã phát hành đĩa đơn đầu tiên "I'm Real". Giống như các ca sĩ nhạc pop khác của Hàn Quốc, nhóm cũng phát hành một video âm nhạc hấp dẫn và các clip phỏng vấn ngắn của từng thành viên. Nhóm nhạc nữ 11 thành viên này trông không khác gì các nhóm nhạc nữ khác - ngoại trừ việc các thành viên không phải là người thật. Họ là những nhân vật ảo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất.

Chính công ty đồ họa trí tuệ nhân tạo Pulse 9 đã mang lại sức sống cho những thành viên này. Giám đốc điều hành Park Ji-eun của công ty tin rằng trong thời kỳ hoàng kim của âm nhạc Hàn Quốc, các thành viên AI có thể sử dụng lợi thế độc đáo của họ để trở thành người thay đổi cuộc chơi, và đó là lý do khiến họ tạo ra Eternity.

Bà Park Ji-eun cho biết: "Khác với những ca sỹ thực, các thành viên siêu ảo trong AI có thể tự do thể hiện bản thân và sẵn sàng đưa ra ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội đa dạng, bởi vì những nhân vật này ít chịu sự tổn thương từ những bình luận hay chỉ trích ác ý của dư luận".

Đồng thời cô cũng nói thêm rằng: "Là một người sáng tạo nội dung, tôi muốn thêm nhiều yếu tố kỳ ảo và hấp dẫn vào các nhân vật của mình, tạo nên sự khác biệt và độc đáo so với các nghệ sĩ Kpop hiện tại".

Eternity có "vũ trụ" của riêng mình do bàn tay bà Park và những đồng nghiệp tạo ra. Trong vũ trụ này, các thành viên là những người ngoài hành tinh đến từ một hành tinh xa xôi tên là Aian, với sứ mệnh đến Trái Đất để giao lưu với mọi người và tìm ra giải pháp cứu hành tinh đang bị đe dọa của họ.

Gương mặt của các thành viên nhóm được chọn dựa trên một thử thách có tên "Ai.Dol Challenge", trong đó fan hâm mộ sẽ bình chọn ra gương mặt họ yêu thích tham gia nhóm. Cuộc bình chọn gợi nhớ đến chương trình thử giọng nổi tiếng của Mnet "Produce 101", trong đó khán giả đã chọn 11 từ 101 đối thủ để tạo ra một ban nhạc pop Hàn Quốc mới.

Park Ji-eun giải thích: "Chúng tôi đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Deepfake để tạo ra 101 khuôn mặt khác nhau. Công nghệ này cho phép chúng tôi tạo ra hình ảnh của con người và các vật thể khác nhau thông qua trí tuệ nhân tạo. Sức mạnh của nó nằm ở các chi tiết. Thông qua công nghệ này, chúng tôi có thể tạo ra một loạt các biểu hiện và đặc điểm khuôn mặt khác nhau".

Nỗ lực mới của Pulse 9 dường như đã phần nào thu hút được sự chú ý của công chúng. Video âm nhạc I'm Real đã đạt được hơn 570.000 lượt xem trên YouTube tính đến thời điểm hiện tại, đồng thời các clip phỏng vấn của các thành viên Eternity đều đạt mức trên 100.000 lượt xem.

Nhưng việc các thành viên AI không thể nhìn thấy người hâm mộ trong thực tế có thể là một trở ngại rất lớn đối với họ, bởi giao tiếp tích cực thường là chìa khóa thành công của các ca sĩ nhạc pop Hàn Quốc. Về vấn đề này, Park Ji-eun nói rằng bà ấy đã suy nghĩ về cách kết nối các thành viên AI với người hâm mộ của họ.

Bà Park nói: "Chúng tôi dự định sử dụng nhiều công nghệ như thực tế tăng cường (AR) và hình ảnh ba chiều để giúp Eternity xây dựng mối quan hệ với người hâm mộ."

Ưu điểm của nhóm nhạc trí tuệ nhân tạo

Aespa và phiên bản ảo cùng xuất hiện trên sân khấu debut.
Aespa và phiên bản ảo cùng xuất hiện trên sân khấu debut.

Sự xuất hiện của Eternity chỉ là một ví dụ cho thấy sự phổ biến ngày càng tăng của AI trong nền âm nhạc Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều nhóm như Aespa cố gắng sử dụng công nghệ tiên tiến để làm phong phú thêm trải nghiệm của người hâm mộ và chiếm thế thượng phong trên thị trường.

Vào tháng 11 năm ngoái, gã khổng lồ nhạc Hàn Quốc SM Entertainment, nơi sản sinh ra nhiều ngôi sao tên tuổi như EXO và NCT, đã cho ra mắt nhóm nhạc nữ mới Aespa bao gồm bốn thành viên là con người — Karina, Winter, Giselle và Ningning — và 4 phiên bản ảo tương ứng của mỗi thành viên được tạo ra thông qua AI. Tại một cuộc họp báo trực tuyến, Karina thậm chí đã gọi Aespa là "nhóm tám người".

Karina và phiên bản ảo của cô
Karina và phiên bản ảo của cô

Người sáng lập kiêm nhà sản xuất SM - Lee Soo Man cho biết tại Diễn đàn Công nghiệp Văn hóa Thế giới (WCIF) vào tháng 10/2020: "Aespa là một sự kết hợp sáng tạo vượt qua ranh giới của thực tế và thực tế ảo. Họ phản ánh tương lai của chúng tôi và xoay quanh những người nổi tiếng và nhân vật ảo. Các thành viên người thật của Aespa và nhân vật ảo của họ sẽ hợp tác và cùng nhau phát triển thông qua các phương tiện kỹ thuật số".

Aespa đã và đang tạo nên làn sóng trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. MV đầu tay "Black Mamba" đã vượt mốc 21 triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong 24 giờ sau khi phát hành, trở thành MV debut có lượt xem cao nhất trong 24 giờ đầu của toàn K-Pop.

Trước Aespa, K-pop đã có những nhóm nhạc ảo khác, chẳng hạn như K/DA, một nhóm nữ ảo bao gồm bốn nhân vật nữ trong trò chơi trực tuyến nổi tiếng "Liên minh huyền thoại". Tính đến ngày 7/6, MV đầu tay mang tên Pop/Stars của họ đạt 440 triệu lượt xem trên YouTube.

Nhưng tại sao mọi người lại phải đắm mình trong quá trình chế tạo thần tượng trí tuệ nhân tạo? Lý do rất đơn giản: thần tượng ảo hưởng tuổi thanh xuân vĩnh cửu, không có scandal, họ có thể làm việc ngày đêm. Đối với các nhà sản xuất, thần tượng ảo không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn ít rủi ro.

Lee Hye Jin, giáo sư tại trường Truyền thông Annenberg cho biết: "Không bị ràng buộc về thể chất lẫn cảm xúc, ca sĩ ảo dễ dàng kiểm soát và phổ biến rộng rãi hơn".

Bà giải thích thêm: "Ngành công nghiệp Kpop đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ mới trong vài năm qua. Các công ty như JYP, YG và HYBE đầu tư vào công ty ứng dụng avatar, Zepeto và sử dụng nền tảng này cho các cuộc gặp gỡ người hâm mộ ảo".

Kang Shin Kyu, nhà nghiên cứu tại Tập đoàn Quảng cáo Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc (KOBACO), cho rằng tiến bộ của công nghệ là yếu tố góp phần làm nên sự nổi tiếng của các ngôi sao ảo.

Ông nói: "Công nghệ ngày nay có thể cung cấp cho mọi người một môi trường kỹ thuật số thực tế hơn và nội dung kỹ thuật số chất lượng cao hơn. Trong bối cảnh này, ngày càng nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ bị thu hút bởi những phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đại dịch COVID-19 cũng đóng một vai trò quan trọng khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm những trải nghiệm kỹ thuật số thú vị hơn. Do đó, số lượng ngôi sao ảo có thể tăng lên trong thời gian tới".

Tuy nhiên, giáo sư Lee nhấn mạnh rằng thần tượng ảo chỉ có thể được dùng để bổ sung cho thần tượng ngoài đời thực chứ không thể thay thế vì chúng không thể thiết lập mối liên kết tình cảm với người hâm mộ.

"Mặc dù các thần tượng trí tuệ nhân tạo được thiết kế với những tính cách độc đáo, nhưng những tính cách này được tạo ra dựa trên nhận thức của người sáng tạo về thị hiếu của khán giả. Làm thế nào để người hâm mộ thích hoặc nuôi dưỡng mối quan hệ có ý nghĩa với những nhân vật ảo không tồn tại?"

Các vấn đề đạo đức và bản quyền không nên bỏ qua

Ca sĩ ảo làm gia tăng nạn khiêu dâm tại K-pop.
Ca sĩ ảo làm gia tăng nạn khiêu dâm tại K-pop.

Nhóm nhạc AI có thể cung cấp một hướng đi mới, nhưng nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đáng kể.

Trước đó, nhiều người nổi tiếng đã trở thành nạn nhân của công nghệ Deepfake. Deepfake là công nghệ sử dụng AI để tạo ra hình ảnh giả. Sử dụng kỹ thuật này, khuôn mặt của phụ nữ trong một video có thể được thay thế bằng khuôn mặt của người khác, kể cả ngôi sao nổi tiếng.

Một số người tin rằng nhân vật ảo có nhiều khả năng bị khai thác trong vấn nạn Deepfake hơn, vì họ không phải con người. Mặc dù những người sáng tạo của họ hứa hẹn thực hiện hành động pháp lý nghiêm ngặt chống lại bất kỳ kẻ vi phạm pháp luật nào, nhưng những lo lắng vẫn đang gia tăng.

Giáo sư Lee chỉ ra: "Việc họ không phải người thật có thể khuyến khích và biện minh cho một số kẻ gian sử dụng hình ảnh của họ cho mục đích khiêu dâm mà không nghĩ đến hậu quả".

Giáo sư Kang giải thích thêm: "Trong trường hợp của Aespa, các thành viên là người thật có cùng danh tính với nhân vật ảo của họ, vì vậy nếu nhân vật ảo của họ trở thành nạn nhân của tội phạm kỹ thuật số - như có thể thấy trong trường hợp K/DA - các thành viên thật cũng có thể bị ảnh hưởng".

Bà Lee cho biết: "Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến ​​các chuẩn mực giới tính khắt khe hơn đối với các nữ thần tượng AI. Ví dụ, các nhân vật ảo của Aespa quyến rũ hơn so với các nhân vật con người của họ".

Giáo sư Kang đồng ý với điều này, "Nhân vật ảo phản ánh những đặc điểm vật lý cụ thể mà ngành coi trọng". Ông cũng nói về các vấn đề bản quyền của Aespa và đưa ra một loạt câu hỏi.

"Một khi các thành viên là người thật chấm dứt hợp đồng với SM, SM sẽ xử lý những vai trò ảo này như thế nào? Ngay cả khi các thành viên người thật không muốn những thực thể ảo của họ tiếp tục được sử dụng trong tương lai, họ có quyền sở hữu những nhân vật ảo này chứ? Đây là lý do tại sao tôi nghĩ các nhà sản xuất cần suy nghĩ nhiều hơn về các thành viên người thật và tương lai của họ".

Tựu chung lại: vẫn còn một chặng đường dài phía trước đối với những thần tượng ảo

SM Entertainment là công ty đứng đầu trong ba công ty giải trí lớn tại Hàn Quốc và luôn dẫn đầu so với các công ty cùng ngành, trong khi những đổi mới của họ đã mở mang tầm mắt cho nhiều người. Họ cũng cho nhiều người thấy những vấn đề do sự đổi mới mang lại. Aespa có thể nói là một sự cố gắng của SM, hiện tại có thể nói là rất thành công, ít nhất nhiều người cũng biết đến sự tồn tại của thần tượng ảo.

Nhưng theo nhiều chuyên gia đã nói ở trên, cùng với sự đổi mới, nhiều vấn đề liên quan sẽ luôn nảy sinh, giải quyết những vấn đề này như thế nào mới là mấu chốt cho sự phát triển và tồn tại lâu dài của thần tượng ảo!

Theo Sina