|
N.Khrushchev đọc diễn văn tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô chống J.Stalin và xuyên tạc lịch sử Liên Xô, mở đầu “cải tổ 1.0” (Ảnh: Ogonhyok) |
Cải cách Liên Xô thời N. Khrushchev được mở đầu bằng cái chết của J. Stalin, làm dấy lên nhiều giả thuyết khác nhau về sự kiện này, trong đó có giả thuyết cho rằng J. Stalin đã bị N. Khrushchev cấu kết với “đội quân thứ 5” của phương Tây tổ chức vụ hạ sát này. “Đội quân thứ 5” gồm những kẻ được phương Tây ủng hộ và đi theo Trotsky - một nhân vật có tư tưởng chống V. Lenin và chống J. Stalin, chưa bị loại bỏ tận gốc trong chiến dịch thanh trừng vào những năm 1930.
Để thực hiện âm mưu hạ sát J. Stalin, N. Khrushchev không chỉ dựa vào lực lượng đi theo Trotsky mà còn nhiều nhà lãnh đạo của thế hệ cũ, trước hết là G. Malenkov - Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1946 và A. Mikoyan - Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1935. Những người này được J. Stalin đưa vào quy hoạch nghỉ hưu và sẽ được thay thế bằng những cán bộ trẻ tài năng đã từng được đào tạo bài bản trong các trường học của Liên Xô. J. Stalin cho rằng, để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cần đào tạo và sử dụng các cán bộ trẻ tài năng.
J.Stalin bắt đầu thực hiện chủ trương cải cách nhân sự tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô khóa XIX. Tại Đại hội này, J. Stalin trình bày chủ trương tiến cử những thanh niên tận tụy và có học thức vào các chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước Xôviết để thay thế các nhà lãnh đạo tiền bối như V. Molotov - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô (1953-1956), A. Mikoyan - Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1955-1964), L. Kaganovich - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1938-1957) và K. Voroshilov - Chủ tịch Đoàn Xôviết tối cao Liên Xô (1953-1960).
Quá trình thay đổi nhân sự diễn ra nhanh chóng sau Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô khóa XIX đã động chạm tới vị thế và lợi ích của các nhà lãnh đạo thế hệ cũ. Vì thế, họ bắt đầu tìm cách ngăn chặn quá trình này và cách hiệu quả nhất là loại bỏ J. Stalin. Còn có một lý do quan trọng khác khiến N. Khrushchev và các thế lực ủng hộ ông hãm hại J. Stalin là tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 10/1952, J. Stalin đưa ra dự báo rằng, trong khoảng thời gian 1962-1965, với việc duy trì tốc độ phát triển của nền kinh tế quốc dân như đầu những năm 1950, Liên Xô có thể phát triển từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản. Quá trình chuyển đổi này sẽ bắt đầu với việc loại bỏ việc sử dụng tiền ở Liên Xô. Khi đó, đồng rúp sẽ chỉ được sử dụng trong hoạt động ngoại thương. Với chủ trương này, một tầng lớp quan chức trong bộ máy đảng và nhà nước sẽ đánh mất số tiền lớn do tham nhũng mà có, thậm chí đang được tích lũy trong tài khoản của các ngân hàng nước ngoài. Nếu chủ nghĩa cộng sản đến với Liên Xô trong 10-15 năm nữa thì điều gì sẽ xảy ra với số tài sản này? Chạy ra nước ngoài ư? Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận lớn quan chức nhà nước sẽ mất đi địa vị cao và nhiều bổng lộc khác.
Để tránh hiểm họa này, cách duy nhất là loại bỏ J. Stalin và những người cùng chí hướng với ông càng sớm càng tốt. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến các thế lực đối lập muốn loại bỏ J. Stalin là chủ trương của J. Stalin muốn chuyển đổi chức năng của Đảng Cộng sản Liên Xô, theo đó Đảng sẽ không còn đóng vai trò quản lý nhà nước mà chỉ là nơi đào tạo, giáo dục và huấn luyện cán bộ quản lý, trong đó chức năng giáo dục của đảng phải đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, nhiều quan chức trong Đảng Cộng sản Liên Xô không muốn đánh mất chức năng quản lý nhà nước và không chấp nhận trao quyền lực thực sự cho các cơ quan dân cử. Mặc dù chủ trương này sẽ được thực hiện trong tương lai trung hạn nhưng đã khiến nhiều quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản Liên Xô lo sợ bị mất quyền lực. Vì thế, họ đã không ngăn chặn âm mưu loại bỏ J. Stalin và chính là “phần chìm của tảng băng”, còn N. Khrushchev chỉ là “phần nổi của tảng băng” đó.
Về sau, giả thuyết cho rằng N. Khrushchev là chủ mưu loại bỏ J. Stalin được khẳng định gián tiếp trong bản báo cáo ông với tiêu đề “Về tệ sùng bái cá nhân của J. Stalin” tại Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô trong tháng 2/1956. Thông qua chiến dịch “Chống tệ sùng bái cá nhân của J. Stalin”, N. Khrushchev và lực lượng ủng hộ ông đã tiến hành xuyên tạc một giai đoạn phát triển chủ nghĩa xã hội rực rỡ nhất và thành công nhất ở Liên Xô.
Cũng bằng chiến dịch này, N. Khrushchev đã xuyên tạc vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và cứu loài người thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Với khẩu hiệu “nhà nước toàn dân”, “đảng toàn dân”, N. Khrushchev đã phá hoại nền tảng của hệ thống chính trị Xôviết. Hàng triệu người, cả ở Liên Xô và nước ngoài, chân thành chấp nhận lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, đã thất vọng trước những thay đổi chính trị của N. Khrushchev.
Trong chiến dịch điên cuồng chống J. Stalin do N. Khrushchev khởi xướng, uy tín của Liên Xô và Nhà nước Xôviết đã bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều đảng viên cộng sản Liên Xô phẫn nộ trước chiến dịch tấn công nhằm vào J. Stalin và bắt đầu công khai bày tỏ sự phản đối. Thông qua N. Khrushchev, thế giới phương Tây đã có cơ hội tuyệt vời để tiến hành cuộc chiến tranh tư tưởng chống Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa, mở đầu chiến dịch phá hoại chủ nghĩa cộng sản. Chiến dịch cải cách Liên Xô thời N. Khrushchev không chỉ phá hoại di sản của J. Stalin mà còn đưa Liên Xô lâm vào tình trạng khủng hoảng lý luận và nhận thức về chủ nghĩa xã hội.
Sau khi khôi phục kinh tế sau những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô có điều kiện để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, trở thành trụ cột tin cậy và vững chắc của hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi đó, để thực hiện chương trình cải cách, N. Khrushchev đã hủy bỏ hàng loạt dự án hiện đại hóa quân đội như nghiên cứu chế tạo các thế hệ vũ khí trang bị mới cho hạm đội Hải quân và Không quân Liên Xô. Ngoài ra, N. Khrushchev đã cho ra quân hàng loạt sĩ quan chỉ huy và chuyên gia quân sự đã từng có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh, giải tán hàng loạt sư đoàn và các trường quân sự, hủy bỏ nhiều đề án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và vũ khí chiến lược. Thành công của Liên Xô trong lĩnh vực vũ trụ như phóng vệ tinh nhận tạo đầu tiên của thế giới (năm 1957) và đưa người bay vào vụ trụ (1961) chỉ là kế tục sự phát triển được đặt nền móng và khởi xướng từ thời J.Stalin.
N. Khrushchev còn giáng một đòn có tính tàn phá nhằm vào nền nông nghiệp Liên Xô và nông thôn Nga. Kể từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, an ninh lương thực luôn là một trong những cơ sở nền tảng của nhà nước Xôviết. Trong khi đó, N. Khrushchev quyết định sáp nhập các nông trang thành các nông trường quốc doanh, theo đó số lượng nông trang trong các năm 1957-1960 giảm từ 83.000 xuống còn 45.000.
Quyết sách này của N.Khrushchev là đòn giáng mạnh vào nền nông nghiệp Liên Xô. Hàng nghìn nông trang và làng mạc ở Liên Xô đang phát triển thịnh vượng đã bị phá hủy trong một thời gian ngắn để thành lập nông trường đã giáng một đòn chí mạng vào nông thôn Nga. Tình hình này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức tăng trưởng dân số bởi nông thôn là nguồn cung cấp nhân lực của Liên Xô. Thay vì đầu tư để phát triển các vùng nông thôn truyền thống của Nga, N. Khrushchev đã dành những khoản đầu tư lớn cho chiến dịch khai hoang những vùng đất mới không đem lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, hàng loạt các vùng nông thôn trù phú của nước Nga trên phần lãnh thổ châu Âu bị bỏ hoang. Đặc biệt, N. Khrushchev đã phạm sai lầm lớn khi trao khu vực tự trị Crimea-một vùng đất lịch sử của Liên bang Nga, cho Ukraine.
Trong chính sách đối ngoại, sai lầm chiến lược của N. Khrushchev là biến Trung Quốc, một nước lớn láng giềng đã từng coi Liên Xô là “anh em” trong thời kỳ cầm quyền của J. Stalin, trở thành kẻ thù của Liên Xô, buộc Liên Xô phải tập trung lực lượng lớn quân đội trên biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, N. Khrushchev hứa sẽ trao trả cho Nhật Bản ba hòn đảo thuộc quần đảo Kuril. Do sai lầm này của N. Khrushchev, đến nay quan hệ Nga - Nhật Bản vẫn căng thẳng do Tokyo hy vọng rằng Moscow sẽ thực hiện lời hứa của N. Khrushchev.
Năm 1961, tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô khóa XXII, N. Khrushchev tuyên bố Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản và sẽ cơ bản xây dựng xong xã hội cộng sản trong vòng 20 năm. Tuyên bố này của N. Khrushchev hoàn toàn xa rời tình hình ở Liên Xô lúc bấy giờ. Trên thực tế, thay vì cải cách để đưa Liên Xô phát triển, N. Khrushchev đã tấn công vào chính nền tảng chính trị và kinh tế của chủ nghĩa xã hội, gieo rắc mối hoài nghi vào những thành tựu vĩ đại, có một không hai của Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười. Do phạm những sai lầm nghiêm trọng, ngày 14/10/1964, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ trích, phê phán N. Khrushchev trong chính sách đối nội và đối ngoại. Đứng trước những lập luận và bằng chứng chống chủ nghĩa xã hội không thể chối cãi, N. Khrushchev phải ký tên vào văn bản từ chức. Cũng tại Hội nghị này, L. Brezhnev được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Công cuộc cải cách thời N. Khrushchev tạo cho phương Tây cơ hội hiếm có để tiến hành một cuộc chiến tranh tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội và chống Liên Xô. Vì thế, về sau này, công cuộc cải cách ở Liên Xô thời N. Khrushchev thường được gọi là “cải tổ 1.0”, tuy chưa dẫn tới sự tan rã Liên Xô nhưng đã tạo tiền đề cho “cải tổ 2.0” thời M. Gorbachev trong những năm 1985-1991./.