Lần đầu tiết lộ: Giữa "bầy sư tử" ai lách đưa "cừu non" Gorbachev lên đỉnh cao quyền lực?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ai và bối cảnh nào đã đưa M. Gorbachov lên đỉnh cao quyền lực? Có phải ông là tác nhân chính làm Liên Xô xụp đổ? Một cái nhìn rất mới về Gorbachev lần đầu được tiết lộ!
Các thành viên Bộ Chính trị và BCH TƯ Đảng CS LX năm 1981.
Các thành viên Bộ Chính trị và BCH TƯ Đảng CS LX năm 1981.

Ngày 12/3/2021 tròn 36 năm ngày Mikhail Gorbachev lên nắm quyền lực.

Sau “5 năm của những tang lễ trọng thể” (trên thực tế sau 2,5 năm các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước lần lượt qua đời), lên nắm chính quyền là một người tương đối trẻ tuổi. Gorbachev tràn đầy sức khoẻ và không có bệnh tật nào rõ rệt cả. Và không ai biết ông sẽ nắm quyền lực thêm sáu năm nữa. Và cũng chính ông là nhà lãnh đạo cuối cùng của đất nước rộng lớn này. Một số người gọi ông là “kẻ đào mồ chôn Liên bang Xô Viết”, số khác cho ông là người muốn “nhân cách hoá hệ thống”. Còn một số nữa thì cho ông là người “chiến sĩ cuối cùng vì Liên bang Xô Viết”. Chính từ những điều ấy mà người ta nhớ đến câu chuyện đi tới quyền lực của ông.

Các giai đoạn của chặng đường lớn

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào bản tiểu sử của Gorbachev, hoàn toàn thấy rằng con người này được chuẩn bị cho một vai trò lớn. Được biết rằng ông chính là người được chủ tịch KGB Liên Xô khi đó – Iuri Andropov - bảo trợ. Người ta nói rằng, trưởng phòng 7 Tổng cục 2 KGB Viacheslav Kevorcov bị mắng cho tơi bời chỉ vì những lý do lãng xẹt. Trong cuộc trò chuyện riêng với nhân viên cấp dưới thân tín Kevorcov của mình, chủ tịch KGB hết lời khen ngợi Gorbachev- đàn em, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Stavropol. Ông nói rằng Gorbachev là con người bằng “gỗ sồi”. Dựa vào sự thân thiết của mình với sếp, Kevorcov đã hỏi một cách châm chọc: Gorbachev là gỗ sồi hay là đất? Thế là anh ta bị sếp mắng và “cạch mặt” hơn một tháng.

Tuy nhiên, còn có một giả thuyết ít được biết đến hơn trong việc thăng tiến của Gorbachev. Và nó có liên quan dến hình bóng của nhà tư tưởng chủ chốt của Đảng và thủ lĩnh cánh bảo thủ trong đảng CS LX Mikhail Suslov. Nếu biết các đồng nghiệp Stavropol Leonid Ephremov và Victor Caznareev của tổng bí thư tương lai, thì mới hay rằng Gorbachev rất thán phục nhân cách của Suslov và thậm chí còn tặng các thành viên trong gia đình ông các món quà đắt tiền. Con rể của Susolv- Leonid Sumarocov- nhớ lại, rằng chính Suslov và con gái đã đến Stavropol để xem mặt Gorbachev, người mà họ muốn đưa vào vị trí của bí thư BCH TƯ ĐCS LX Phiodor Culacov vừa mới qua đời.

Đối với những người hoài nghi, hoàn toàn có thể dẫn ra đây những lời của chính Mikhail Sergeevich: “Tôi đã biết Mikhail Andreevich từ lâu. Ông có mối quan hệ chặt chẽ với Stavropol. Năm 1939 ông được phái từ Rostov tới chỗ chúng tôi làm bí thư thứ nhất khu uỷ. Ở Stavropol người ta gắn liền việc thoát khỏi thời kỳ trấn áp nghiệt ngã của Xtalin trong những năm 1930 với hoạt động của ông. Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông nhớ lại rằng tình hình lúc ấy hết sức căng thẳng. Và những bước đi đầu tiên của ông nhằm sửa chữa những sai lầm đã vấp phải sự phản kháng của nhiều cán bộ. Hội nghị vùng Caganovich của thành phố Stavropol đã thông qua nghị quyết, tuyên bố toàn bộ văn phòng khu uỷ -đứng đầu là Suslov- là kẻ thù của nhân dân”.

Gorbachov tiếp Henry Kissinger
Gorbachov tiếp Henry Kissinger

Đoạn trích này cho thấy mối quan hệ của Suslov và Gorbachev rất thân thiết, đáng tin cậy. Nhưng có thể ở đây chỉ nói đến yếu tố đồng hương Stavropol thì sao? Tuy nhiên, mối quan hệ không kém phần tin cậy đã gắn kết Suslov với Alecxandr Iacovlev- người mà năm 1964 Suslov đã đề nghị viết bài xã luận trên báo “Pravda” về việc bãi nhiệm Khrusev. Nhiều năm sau này, khi Iacovlev bị thất sủng và bị điều đi làm đại sứ ở Canada, thì người ta lại đặt câu hỏi về việc bãi chức ông, cũng chính “Iacovlev nói rằng đại sứ ở Canada không do KGB bổ nhiệm”.

Vậy còn điều gì chưa được biết về Mikhail Suslov? Nếu nói về mối quan hệ không đơn giản của Gorbachev và Iacovlev với Andropov, vì sao sau đó cả hai người đã quyết định chuyển sang phía Andropov. Chính Iacovlev đã được Andropov đưa trở lại Matxcơva với cương vị giám đốc Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế (IMEMO) ngay sau cái chết của Suslov.

Sự bất đồng giữa Andropov và Suslov nằm ở đâu là vấn đề không đơn giản như chúng ta tưởng. Đơn giản hơn cả là miêu tả nó trong bảng hình thái cuộc chiến của nhà tự do với người bảo thủ. Tuy nhiên, vì sao những người này lại bảo trợ cho một số nhân vật dạng như Gorbachev và Iacovlev.

Ngoài ra, như Sumarocov khẳng định, Suslov là người ủng hộ tiến hành cuộc cách mạng nhân sự vào tháng 11/1982. Khi đó ông ta dã có ý định xin về nghỉ nhân 80 tuổi của mình để làm gương cho các cán bộ lãnh đạo cao tuổi khác. Cũng giống như Suslov, Brezhnev cũng chuẩn bị về nghỉ, nhường vị trí của mình cho bí thư thứ nhất BCH TƯ ĐCS Ucraina Vladimir Sherbiski. Trong số những người phải lùi bước có Andropov. Tuy nhiên, tháng 1/1982 Suslov từ trần. Và tháng 11 năm đó đến lượt Brezhnev. Và cuộc cách mạng nhân sự không được diễn ra. Andropov lên nắm quyền lực. Trọng lượng trong bộ máy của Gorbachev tăng lên đáng kể.

Song bắt đầu từ mùa hè năm 1983 xung quanh vị bí thư đang lên Gorbachev mây đen bắt đầu dày lên. Bộ nội vụ và tổng công tố Liên Xô bắt đầu đợt kiểm tra qui mô lớn ở Stavropol, phát hiện những vụ vi phạm trong ngành thương mại và ăn uống công cộng. Những sai phạm bị phát hiện đã phủ bóng đen lên Gorbachev, người mà theo logic bộ máy hoặc là không nhận thấy, hoặc là bản thân có vi phạm. Ai đã phê chuẩn việc điều tra này? Hoàn toàn rõ là ai đó rất có ảnh hưởng. Lãnh đạo bộ nội vụ khi đó là Vitali Phedorchuc- tay chân thân tín của Sherbiski- cũng được Conxtantin Chernenco bảo trợ. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng những vụ “khai quật” như vậy sẽ không thể diễn ra nếu không có sự đồng ý của Andropov. Và khi đó không loại trừ rằng Andropov đã có tài liệu về Gorbachev.

Nhưng cái chết của Andropov ngày 9/2/1984 dẫn đến việc tạo ra một cấu hình quyền lực mới. Những phương án nào có thể xảy ra: để ngồi vào vị trí tổng bí thư sau cái chết của Andropov?

1 Chernenco.

2 Gorbachev.

3 Sherbiski, Romanov hay Grishin.

Trong đó Sherbiski, Romanov và Grishin không thể thoả thuận với nhau. Còn Gorbachev không thể tập hợp được liên minh ủng hộ mình. Quan trọng là sau cái chết của Andropov, ông ta đã bị mất đi sự ủng hộ mạnh mẽ. Thật ra, đến thời điểm này ông ta đã nhận được sự bảo trợ của uỷ viên Bộ chính trị, bộ trưởng quốc phòng Dmitri Ustinov. Chính Ustinov và Andropov cùng với bộ trưởng ngoại giao Andrei Gromưco tạo thành “bộ tam” của Bộ chính trị, mà khi Brezhnev còn sống họ đã tự quyết định mọi vấn đề.

Điều hay ho đang bắt đầu. Ustinov bảo trợ cho Gorbachev, song Gromưco lại không xem trọng Gorbachev. Kết quả, tổng bí thư mới lại là Conxtantin Chernenco. Chính là Chernenco, đồng minh chủ yếu của Brezhnev.

Tuy nhiên, mùa xuân năm 1984 ông trở nên ốm yếu, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng. Đến mùa hè năm 1984 đã nhận thấy các chiều hướng mới: các nhóm khác nhau gần như công khai chống lại nhau vì cái ghế tổng bí thư, mà không thèm đếm xỉa đến Chernenco đang còn sống. Đặc biệt tích cực là nhóm các uỷ viên BCT Grigori Romanov và Victor Grishin. Đến cuối thu- đầu đông năm 1984 trong cuộc chiến này ưu thế nghiêng về phía Grishin.

Trong cuộc đấu đá này Chernenco cố giữ cân bằng. Đến giữa tháng 12/1984 ông bắt đầu nghiêng về phe Gorbachev và thậm chí còn cử ông ta đi một chuyến công tác để đời đến London. Ở đây Gorbachev đã được “bà đầm thép” Margaret Thatcher tiếp đón. Có nhiều thuyết “âm mưu” về chuyến đi này, song ta chỉ cần biết: thứ nhất chính chuyến thăm này là kết quả thoả thuận của Thatcher và Chernenco tại tang lễ của Andropov (họ đã thoả thuận có ai đó trong ban lãnh đạo Liên Xô sang thăm London), thứ hai chính Chernenco đã phê chuẩn ứng cử viên Gorbachev.

M. Gorbachev

M. Gorbachev

Tình hình trở nên hết sức căng thẳng vào những ngày đầu tháng 1/1985, khi nhóm của Grishin chuyển sang tấn công, còn tổng bí thư Chernenco đột nhiên lại tích cực ủng hộ Grishin. Chuyện gì đã xảy ra? Vào thời điểm Gorbachev đang ở London- ngày 20/12/1984- bộ trưởng quốc phòng Ustinov qua đời. Gorbachev đã bị mất chỗ dựa rất quan trọng của mình.

Trong tình huống này, Gorbachev đã từ chối chuyến đi công tác nước ngoài thường kỳ tới Paris. Bản thân tình hình đã có tính bùng nổ. Chernenco quyết định ra ứng cử vào Xô Viết tối cao Liên bang Nga tại một trong các vùng của Matxcơva. Tức là tỏ dấu hiệu giúp cho Grishin.

Hơn nữa trong phạm vi hẹp người ta nói, rằng những ngày của Chernenco không còn nhiều. Rằng ở dạng này hay dạng khác (chết vì bệnh tật hay về nghỉ) Chernenco cũng sẽ rời khỏi vũ đài chính trị. Và rằng kế nhiệm ông sẽ là Grishin. Dường như trong giới phạm vi hẹp này người ta đã nhìn thấy danh sách BCT được cải tổ, trong đó không có Gorbachev.

Và ở đây sự kiện lại có bước ngoặt mới.

Cuộc hành lễ bí mật

Cuối tháng 2/1985 giám đốc Viện châu Phi thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô Anatoli Gromưco có đồng nghiệp là giám đốc một viện hàn lâm khác –viện Đông Phương học- Evgheni Primacov đến thăm. Trong cuộc nói chuyện, ý nghĩ rằng Chernenco đang sắp chết cứ lặp đi lặp lại và họ nghĩ xem ai sẽ thay thế ông. Hai ngày sau Anatoli Gromưco nói với bố- bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Andrei Gromưco. Hai bố con trò chuyện và cho rằng chỉ có ba người có tiềm năng vào vị trí tổng bí thư: Grishin, Romanov và Gorbachev. Đã không có thoả thuận nào cụ thể.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó Primacov đề nghị ghi tên giám đốc IMEMO- Alecxandr Iacovlev- tham gia trò chơi này. Primacov đề nghị Iacovlev với Gromưco-con (Anatoli Gromưco), còn đến lượt mình Iacovlev đề nghị Primacov làm trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Gromưco-cha và Gorbachev. Hoàn toàn rõ rằng vai trò của Iacovlev có thể chỉ trong một- đó là nhận được sự đồng ý của Gorbachev cho cuộc tiếp xúc của những người ủng hộ ông với Gromưco.

Một số chuyên gia dựa trên “những cuộc trò chuyện” của những người tham gia sự kiện cho rằng các cuộc nói chuyện “thăm dò” đầu tiên của Primacov với Gromưco-con đã được bắt đầu sau cái chết của Ustinov, tức là sau ngày 20/12/1984, còn các cuộc đàm phán này chuyển sang giai đoạn tích cực từ 17 đến 24/2/1985. Tức là khi đó tổng bí thư vẫn còn sống.

Kết quả của các cuộc đàm phán này là một hợp đồng: Gorbachev sẽ trở thành tổng bí thư, còn Gromưco sẽ là người đứng đầu Xô Viết tối cao Liên Xô. Người ta nói rằng Gromưco nghĩ Gorbachev là người non nớt thiếu kinh nghiệm, còn mình thì kinh nghiệm đầy mình. Tuy nhiên, thực tế lại ngoặt sang hướng khác: lúc đầu Gromưco bị đẩy sang vai trò thứ hai, và sau đó, sau cuộc cải tổ chính trị năm 1988-1989, bị buộc về hưu. Cái chết của ông vào mùa hè năm 1989 đã khép lại toàn bộ kỷ nguyên của mình.

“Lặp lại cái đã diễn ra”

Việc tiến tới quyền lực của Gorbachev –đó là ví dụ kinh điển của việc nhân vật tự trở thành người chơi. Trong những thời gian khác nhau, những nhân vật khác nhau như Suslov, Andropov, Gromưco đã đặt cược lên Gorbachev. Mỗi người trong số họ có tính toán của riêng mình. Tuy nhiên, kết cục hoá ra họ lại thua cuộc. Có người, như Andropov và Suslov, không tồn tại về thể xác; có người, như Gromưco, không tồn tại về chính trị.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại cuộc họp Xô viết tối cao Liên bang Nga ngày 23.8.1991 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Boris Yeltsin (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tại cuộc họp Xô viết tối cao Liên bang Nga ngày 23.8.1991 (Ảnh: Reuters)

Bây giờ khó nói xem tất cả những người này đã muốn biến Gorbachev thành nhân vật trong trò chơi nào đó. Suslov có vẻ không đơn giản như người ta cảm thấy. Danh tiếng của người bảo thủ trong đảng và con người sách vở mac xit của ông chỉ là tấm mặt nạ nào đó cho một thái độ ngấm ngầm và rấ đặc thù. Giữ vai trò một người sách vở như vậy, tuy nhiên, Suslov rất có cảm tình với cái được gọi là phân tích hệ thống, vốn được con rể (Dzhermen Gvishiani) của thủ tướng Cosưgin phát triển.

Những người họ hàng gần gũi nhất của Suslov hoàn toàn không xa lạ gì với chính việc phân tích hệ thống này, và thậm chí đã đi tu nghiệp tại Viện nghiên cứu hệ thống ở Viên, vốn hay đươc nhắc đến trong các giả thuyết lịch sử cải tổ.

Liên quan đến Andropov, ông là người phản đối gay gắt những thử nghiệm trong kinh tế của Cosưgin, và cũng là đối thủ của những thử nghiệm trong chính trị. Đó là những thử nghiệm như thế nào? Vấn đề rất phức tạp. Một mặt, tất cả những người cánh tự do-các nhà cải tổ tương lai - đều xoay quanh ông. Mặt khác, như Viacheslav Kevorcov nhớ lại, Andropov không thể chịu nổi từ “dân chủ”, còn luôn nói từ “trật tự”. Có thể chính bản thân Andropov cũng không biết mình muốn gì. Ông nói rằng “chúng ta không biết hết xã hội mà chúng ta đang sống trong đó”. Còn đội cố vấn cánh tự do kiểu như Phiodor Burlaski và Georgi Arbatov chỉ thấy ở ông công cụ của mình.

Con người đóng vai trò quyết định trong việc đi chủ yếu của Gorbachev là Andrei Gromưco. Xét toàn cục, Gromưco chỉ giải quyết vấn đề thậm chí không phải sự sống còn chính trị, cũng không phải trò chơi chính trị, mà chỉ muốn nhận được cái ghế danh dự, cho dù chẳng có ý nghĩa gì.

Kết cục, Gorbachev đã ở đỉnh cao quyền lực. Và kết quả những năm “trị vì’ của ông ta là sự sụp đổ của một quốc gia rộng lớn và cả một hệ thống. Có thể xây dựng rất nhiều thuyết lý về các lý do của nó.- từ chủ nghĩa duy tâm đến các thuyết âm mưu. Tuy nhiên, xét về tất cả, có chỗ cho một đề tài: khi con người ta đã có quyền lực anh ta không hình dung rõ ràng được mình cần phải làm gì. Gorbachev cũng vậy. Lúc đó ông ta cho rằng, hoặc là cần phải cải tổ hệ thống, hoặc là thay đổi. Nhưng làm việc đó như thế nào? Dựa vào ai, vào cái gì? Chưa có hình dung cụ thể, rõ ràng.

Khi người bảo hộ thường lệ (Suslov, Andropov) điều khiển những hoạt động của ông ta, thì điều đó không đáng sợ như vậy. Nhưng khi chính bản thân mình nắm quyền lực, Gorbachev không biết và không hiểu phải làm gì. Chẳng hạn, ban đầu-trong những năm 1985-1987- ông ta cố làm kinh tế, sau đó- trong năm 1988- cải tổ chính trị khi không thể thực hiện cải tổ kinh tế. Còn trong năm 1989 khi hiểu rằng cải tổ chính trị đã dẫn đến sự hỗn loạn, Gorbachev lại quay lại các vấn đề kinh tế. Và kết quả ra sao ta đã rõ.

Quan trọng là phải nhận thấy rằng trong quá trình “nhảy cóc” này Gorbachev bị phụ thuộc vào các lực lượng khác nhau. Lúc bấy giờ đó không phải là những người bảo hộ, mà là những nhân vật vây quanh ông ta. Mạnh nhất trong số họ là Igor Ligachev và Alecxandr Iacovlev. Một thời gian nào đó Gorbachev đã cân bằng giữa họ, cố gắng giữ cân bằng giữa hai cánh bảo thủ và tự do của ĐCSLX. Tuy nhiên, cuối cùng Iacovlev đã thắng trong cuộc tranh giành bộ máy. Và dưới ảnh hưởng của ông ta, Gorbachev đã bắt đầu phá huỷ Liên Xô mà không hiểu rằng, bằng chính cách đó ông đã huỷ hoại quyền lực của chính mình.

Lịch sử vươn tới quyền lực của Mikhail Gorbachev rất có tính thời sự đối với những người dân Nga thời quá cảnh. Cả trong thời kỳ trì trệ sau này, cả bây giờ, khi các nhóm khác nhau đang dẫn dắt các nhân vật chính trị triển vọng này hay kia. Và ai có thể nói rằng, kết quả của trò chơi trên cao này không xuất hiện một Gorbachev mới?

(Theo Tuyệt mật)