Theo trang tin Đông Phương, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết lệnh cấm nhập cảnh chỉ cho phép rất ít trường hợp ngoại lệ, trong khi việc đi lại giữa 27 quốc gia thành viên của EU vẫn được cho phép. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng cho biết các nước EU sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ triệt thoái các công dân EU còn đang mắc kẹt ở các quốc gia bên ngoài liên minh.
Lệnh đóng cửa của EU áp dụng cho tất cả công dân các quốc gia ngoài EU, ngoại trừ cư dân dài hạn của EU, thành viên gia đình của các công dân EU, nhà ngoại giao, nhân viên biên giới, nhân viên y tế và vận tải của các quốc gia thành viên.
Khi EU tuyên bố đóng cửa, Montenegro, quốc gia đang tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu, ngày 17/3 cũng tuyên bố đã có 2 trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. Các bệnh nhân là 2 phụ nữ đã từng đến Mỹ và Tây Ban Nha. Sau khi Montenegro bị “thất thủ” bởi dịch bệnh COVID-19, toàn bộ lục địa châu Âu đã có dịch bệnh, không loại trừ quốc gia nào.
Số ca tử vong ở Italy gia tăng rất nhanh, đã chiếm 1/3 của cả thế giới (Ảnh: Getty).
|
Trong khi đó, tại Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng. Trong ngày 17/3, giờ địa phương, đã có thêm 3.526 trường hợp mới nhiễm bệnh và tổng số ca mắc COVID-19 đã tới 31.506. Trong ngày, số ca tử vong tăng thêm 345, đưa tổng số người chết lên tới 2.503 (tỷ lệ tử vong tới 7,93%, cao nhất thế giới, vượt qua Iran – nước đã tử vong 988 người, tỷ lệ 6,11%).
Những người già và ốm yếu sau khi bị COVID-19 bệnh tình sẽ nặng hơn và Italy là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao thứ 2 thế giới chỉ sau Nhật Bản. Italy hiện đã chiếm một phần ba số ca tử vong do COVID-19 của toàn thế giới. Khu vực vùng Bologna ở phía bắc Italy là một trong những nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở nước này. Được biết, nhiều người chết ở thành phố Bergamo hiện không được kịp thời hỏa táng và chôn cất, nhà thờ đã trở thành nhà xác tạm thời với hàng chục quan tài đang chờ hỏa táng. Vị linh mục nhà thờ nói rằng hàng trăm người chết mỗi ngày và phải mất khoảng 1 giờ để hỏa thiêu một thi thể, vì thế một số thi thể phải nằm lại trong nhà thờ tới 5 ngày vẫn chưa được an táng.
Theo Tổ chức Thày thuốc không biên giới, trang bị phòng hộ của các nhân viên y tế Italy hiện thiếu nghiêm túc trọng và 1.700 nhân viên y tế địa phương đã bị nhiễm bệnh. Có báo đưa tin, hệ thống y tế của Italy đã gần như sụp đổ và số giường điều trị tích cực bị thiếu nghiêm trọng. Các bác sĩ ngày càng chuyển hướng sang phân loại bệnh nhân và buộc phải từ bỏ cứu chữa những bệnh nhân ít có cơ hội phục hồi.