Cơ quan điều tra cũng đã chỉ ra sơ hở lớn nhất khiến công ty đa cấp này có thể lừa tới 1.900 tỷ đồng.
Tiền nhiều quá, Liên kết Việt vỡ trận!
Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng (Bộ CA) cho biết, trước khi thành lập công ty đa cấp này, Lê Xuân Giang cũng là người có tiền, xin được cấp giấy phép đầu tư. Có tiền ở đây là tiền thật, vì theo quy định khi thành lập công ty kinh doanh đa cấp, Giang phải nộp ký quỹ 10 tỷ đồng.
Nhưng Giang không phải là người giỏi về kinh doanh đa cấp. Giang gặp Nguyễn Thị Thủy, một người từng làm nhiều nghề ngoài xã hội và kinh qua nhiều công ty đa cấp nên Thủy có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Giang và Thủy bắt tay làm ăn, Giang cho Thủy đứng đầu nhóm, đứng đầu hệ thống đa cấp. Cứ mỗi người đến để nộp tiền hoặc mua hàng phải trả 290 nghìn đồng. Sau đó mở rộng mạng lưới, Giang đàm phán xuống, Thủy hưởng 210 nghìn đồng, còn 80 nghìn đồng Giang giữ lại mở rộng mạng lưới.
Trong khoảng 1 năm, Giang và Thủy đã mở rộng hệ thống bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt ra 27 tỉnh thành và thu về 1.900 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Thuỷ, trong thời gian ngắn cùng Lê Xuân Giang và đồng phạm đã lừa đảo mang về cty số tiền "khủng", 1.900 tỉ đồng. |
Theo Đại tá Huy, khi bị bắt giữ, khai nhận với cơ quan điều tra, bản thân Lê Xuân Giang cũng thừa nhận bị "ngợp" về số tiền thu về, không thể ngờ nhanh và nhiều đến vậy.
Giang cũng thừa nhận, quá nhiều tiền trong một thời gian ngắn khiến cho Giang và các đồng phạm khác của Liên kết Việt mất kiểm soát, không thể điều tiết được và “vỡ trận”!
Kinh doanh đa cấp đang bị thả nổi
Theo cơ quan điều tra, hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động được phép tại VN và Chính phủ có Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Về bản chất hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp là không sai, nhưng khi về Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng, biến tướng trở thành lừa đảo.
Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Thiếu cơ quan giám sát trực tiếp với hoạt động kinh doanh đa cấp. |
Những mặt hàng không bị cấm sẽ được kinh doanh đa cấp thực hiện bán cho khách hàng. Mô hình bán hàng đa cấp là một xu thế phân phối sản phẩm tiến bộ, hiện đại trên thế giới, mang lại nhiều giá trị và tính ưu việt cho người tiêu dùng, nên từ năm 2005, Nhà nước đã thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trong việc quản lý còn nhiều lỏng lẻo, nên các doanh nghiệp lợi dụng, lách luật để hoạt động.
Theo cơ quan điều tra, quá trình điều tra cho thấy, về vấn đề quản lí nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp nói riêng và quản lý doanh nghiệp không giao chính thức cho một bộ ngành nào. Công ty này bán bao nhiêu hàng, khai thế nào thì biết thế chứ không khai thì không ai bắt được. Rồi hàng sản xuất ra có đúng như đăng ký với Bộ Y tế không, cũng không ai biết...
Ai giám định thuốc của công ty này phân phối có đủ điều kiện và đạt tiêu chuẩn phân phối ra thị trường không?
Người cấp phép thì đủ tiêu chuẩn nhưng trong quá trình hoạt động thì không ai giám sát. Đó là sơ hở lớn nhất.
“Nói chung là thiếu một đơn vị quản lí trực tiếp lĩnh vực kinh doanh đa cấp”, vị cán bộ này nói. Theo vị cán bộ này, để theo dõi nắm bắt được doanh nghiệp nào kinh doanh đa cấp đi sai quỹ đạo thì phải có một cơ quan giám sát, nhưng vấn đề này ở Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng thì chưa được rõ ràng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trước đó có nhận được phản ảnh của người dân tại địa phương về dấu hiệu sai phạm của Liên Kết Việt và cơ quan chức năng này đã phạt Liên kết Việt 1 lần 500 triệu đồng. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì họ phải thu hồi giấy phép.
Theo VNN