|
Nhiều tù binh Ukraine chết và bị thương trong vụ trại giam tù binh Olenivka bị oanh kích (Ảnh: Dongfang). |
Ngày 30/3, ông Farhan Haq, cho biết LHQ đã sẵn sàng cử một nhóm chuyên gia để điều tra vụ pháo kích vào cơ sở giam giữ Olenivka, với sự đồng ý của các bên liên quan.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 30/7 thông báo, vào ngày 29/7, quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất để oanh kích một trung tâm giam giữ tù binh Ukraine gần Olenivka, Donetsk. Những người bị giam giữ ở đây bao gồm các chiến binh của Tiểu đoàn Azov. Cuộc tấn công khiến 50 tù binh Ukraine thiệt mạng và 73 người bị thương. Ukraine lập tức phủ nhận điều này.
Nga và Ukraine cáo buộc nhau tấn công vào trại tù binh Ukraine
Ông Konashenkov khẳng định Ukraine và Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ tấn công trại giam Olenivka. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Viktorovich Volodin vào ngày 30/7 đã đăng bài trên mạng xã hội nói rằng mục đích của cuộc tấn công vào trại giam là để ngăn các nhân viên "tiểu đoàn Azov" bị bắt thú nhận tội ác của họ. Vì việc xét xử các nhân viên của "tiểu đoàn Azov" sẽ không tránh khỏi dẫn đến trách nhiệm hình sự của một số nước NATO ".
|
Cảnh tượng tan hoang của trại giam Olenivka sau vụ oanh kích (Ảnh: 163). |
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine ngày 29/7 cho biết, các lực lượng vũ trang Ukraine không phát động tấn công vào trại giam mà là quân đội Nga đã tiến hành pháo kích có chủ đích vào cơ sở này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vụ việc là do Nga gây ra, đồng thời ông kêu gọi Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ Quốc tế điều tra vụ việc. Ngoài ra, Verkhovna Rada, (Quốc hội Ukraine), ngày 30/7 cho biết, phía Ukraine đã bắt đầu quá trình nhận lại hài cốt của các binh sĩ Ukraine thiệt mạng trong vụ tấn công nhà tù Olenivka.
Tin cho hay, rạng sáng 29/7 theo giờ địa phương, đã xảy ra vụ nổ lớn tại một nhà tù ở vùng Donetsk của Ukraine, khiến 53 tù binh Ukraine thiệt mạng và 75 người khác bị thương. Được biết, nhà tù này đang giam giữ các binh sĩ Ukraine cố thủ nhà máy thép Azovstal đầu hàng, trong đó có các thành viên của "Tiểu đoàn Azov". Hiện tại, trung tâm giam giữ này đang được các binh lính Nga canh gác.
Sau khi xảy ra vụ nổ, các quan chức Nga và Ukraine đã cáo buộc lẫn nhau phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Sau đó vào đêm khuya ngày 29/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng phía Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa nhiều nòng cơ động cao M142 HIMARS do Mỹ sản xuất để tấn công trại giam nhằm "uy hiếp" các binh sĩ Ukraine có thể đầu hàng, khai báo với quân đội Nga. Phía Ukraine lại đổ lỗi vụ nổ này do Nga gây ra, nói rằng hành động này "nhằm cố tình sát hại các tù binh Ukraine".
|
Các mảnh vỡ của tên lửa HIMARS được tìm thấy ở hiện trường do phía Nga công bố (Ảnh: 163), |
Bộ Quốc phòng Nga: phát hiện các mảnh vỡ của tên lửa HIMARS tại hiện trường vụ nổ
Theo các quan chức của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk", vào rạng sáng ngày 29/7 theo giờ địa phương, trại giam ở Olenivka vùng Donetsk đã bị tấn công và nổ, dẫn đến cái chết của 53 binh sĩ Ukraine bị bắt và 75 người khác bị thương. Ông Daniel Bezonov, người đứng đầu cơ quan thông tin địa phương ở Donetsk đã công bố một đoạn video trực tiếp cho thấy tòa nhà trung tâm giam giữ bị phá hủy gần như hoàn toàn, với nhiều thi thể bị cháy ở bên trong.
Thị trấn Olenivka hiện thuộc quyền kiểm soát của Nga và tòa nhà nơi xảy ra vụ nổ được cho là Trại Cải tạo số 120. Bộ Quốc phòng Nga cho biết cơ sở cải tạo này đã giam giữ các chiến binh Ukraine đầu hàng từ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Theo ông Denis Pushlin, người lãnh đạo chính quyền “Cộng hòa nhân dân Donetsk”, 193 người bị bắt giam giữ tại đây đều là công dân Ukraine, bao gồm cả các thành viên của "Tiểu đoàn Azov". Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong số những người bị thương có cả 8 nhân viên trung tâm giam giữ. Tuy nhiên, các quan chức địa phương ở Donetsk nói rằng không có báo cáo nào về thương vong của các lính gác Nga.
Cùng ngày, vụ nổ có tính chất hủy diệt này ngay lập tức dẫn đến sự lên án mạnh mẽ từ phía Nga. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti tiết lộ các mảnh đạn được tìm thấy tại hiện trường xảy ra vụ nổ, cho thấy đó là các quả đạn được phóng từ hệ thống phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất có trong tay quân đội Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết trong một cuộc họp báo sau đó rằng Ukraine đã sử dụng một hệ thống tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất để tấn công trại giam nhằm "đe dọa" các binh sĩ Ukraine có thể đầu hàng lực lượng Nga.
“Một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đã tự nguyện hạ vũ khí và họ biết rõ việc đối xử nhân đạo của Nga đối với các tù binh”. Bộ Quốc phòng Nga nói thêm rằng cuộc tấn công do phía Ukraine phát động là “đáng ghê tởm”.
Ông Pushlin cũng cáo buộc Ukraine trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông: phía Ukraine "cố tình" nhắm mục tiêu vào trung tâm giam giữ để giết các thành viên của "tiểu đoàn Azov" và ngăn cản họ cung cấp cho người thẩm vấn những thông tin về việc chỉ huy của họ "có thể phạm tội ác chiến tranh”.
|
Tù binh Ukraine bị Nga bắt (Ảnh: 163). |
Người sáng lập "Tiểu đoàn Azov": sẽ truy lùng tất cả những ai liên quan đến vụ tấn công
Vào ngày 29/7 giờ địa phương, quân đội Ukraine trong một tuyên bố đã quy trách nhiệm về vụ nổ cho quân đội Nga. Tuyên bố nói rằng Moscow đã phá hủy nhà tù để đổ lỗi cho Kiev và cũng để "che đậy việc tra tấn và hành quyết các tù binh". Sau đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết trong một tuyên bố: "Vụ tấn công Olenivka là một tội ác chiến tranh có chủ ý của Nga”. Ông Zelensky thậm chí còn tuyên bố rằng Nga là "nguồn khủng bố lớn nhất trên thế giới hiện nay".
Theo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, cuộc tấn công do Wagner Group, một công ty quân sự tư nhân của Nga thực hiện, và được người cầm đầu Wagner là Yevgeny Prigozin "đích thân chỉ huy", "Việc tổ chức và thực hiện (vụ) tấn công khủng bố này không có sự phối hợp của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga".
Đồng thời, Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Budanov kêu gọi "tất cả các cơ quan quốc tế cần có lập trường cứng rắn về vụ Olenivka".
Theo các nguồn tin, người sáng lập tổ chức cực hữu Tiểu đoàn Azov "thề sẽ trả thù" sau khi chứng kiến các thành viên của đơn vị này bị chết và bị thương. Sau khi vụ việc xảy ra, Andry Biletsky, người chỉ huy đầu tiên của tiểu đoàn Azov, đã đăng trên mạng xã hội rằng ông sẽ thay mặt lực lượng Azov "truy lùng tất cả những ai liên quan đến vụ giết người hàng loạt này". Biletsky nhấn mạnh: "Mọi kẻ hành động và kẻ tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm. Dù họ trốn ở đâu, cũng sẽ bị phát hiện và tiêu diệt".
Theo báo chí, sau vụ nổ, Moscow và Kiev đều cử các tổ điều tra tới hiện trường. Theo thông báo từ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), tổ chức này đang tìm cách tiếp cận địa điểm vụ nổ và hỗ trợ y tế để sơ tán những người bị thương, cũng như gửi lời chia buồn tới gia đình những người thương vong. Theo ông Mikhail Yulenko, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện địa phương ở Donetsk, 7 người sống sót sau vụ nổ được đưa đến bệnh viện đều ở trong tình trạng nguy kịch và đã được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt sau khi tiến hành phẫu thuật.