LG bị kiện vì lỗi bootloop trên LG G4 và LG V10

LG đang bị kiện tập thể do lỗi "bootloop" trên 2 chiếc smartphone LG G4 và LG V10.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Một số người dùng LG G4 và LG V10 đã gửi đơn kiện LG lên tòa án liên bang tại California vì thiết bị của họ dính lỗi bootloop. Theo đó, lỗi bootloop đã khiến cho họ không thể sử dụng được thiết bị của mình.

Bootloop là một lỗi mà hầu hết người sử dụng Android đều biết và không ít lần dính phải. Nguyên nhân gây ra lỗi xuất phát từ khả năng "mở" của hệ điều hành này. Tình trạng bootloop xuất hiện sau khi người dùng cài các bản ROM Cook. Bootloop can thiệp vào hệ thống, khiến máy bị treo logo hoặc khởi động lại liên tục.

Hàng ngàn khiếu nại về LG G4 đã được người dùng đăng tải lên Twitter, Reddit và YouTube. Thậm chí đã có những yêu cầu muốn LG khởi động một chương trình thay thế cho những chiếc LG G4 và LG V10 dính lỗi này.

Một trong những nguyên đơn trong vụ kiện cho biết ông đã thay chiếc LG G4 của mình 2 lần và đến lần thứ 3 tình trạng lỗi vẫn xuất hiện. Theo người này, chiếc điện thoại thứ 3 đang có biểu hiện dính "bootloop" và điều này thật sự rất khó chịu.

LG hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức cho những vụ kiện này.

Một năm trước, LG từng thừa nhận vấn đề với G4 và cho rằng đây là hậu quả từ việc liên kết lỏng lẻo giữa các linh kiện trong thiết bị.

Trong đơn kiện, các nguyên đơn cho biết: "Mặc cho những gì đã xảy ra, LG đã không tiến hành thu hồi hoặc đưa ra biện pháp khắc phục thích hợp cho những người đã mua LG G4. Thay vào đó, LG thay thế một chiếc LG G4 khác do nằm trong thời hạn bảo hành một năm nhưng những thiết bị này vẫn dính lỗi. LG không đưa ra bất kỳ biện pháp khắc phục nào cho những người mua G4 đã hết thời hạn bảo hành một năm".

Về vụ kiện LG V10, tài liệu được tiết lộ cho biết: "LG đã phát hành điện thoại LG V10 vào tháng 10/2015. Phần cứng của LG V10 tương tự như LG G4 và chỉ có một vài tùy chỉnh thêm, chẳng hạn như mở rộng bộ nhớ và cải tiến máy ảnh. Vài tháng sau khi phát hành, LG V10 dính lỗi bootloop giống như LG G4. LG V10 đột ngột tắt nguồn và liên tục khởi động lại. Tuy nhiên, LG vẫn tiếp tục bán và phân phối LG V10".

Trong cả 2 vụ kiện này, người ta cho rằng bộ vi xử lí của LG G4 và LG V20 đã được hàn không đúng vào bo mạch chủ, làm cho chúng không thể "chịu được nhiệt". Ban đầu, điện thoại hoạt động chậm chạp, quá nóng và sau đó là khởi động lại một cách ngẫu nhiên. Cuối cùng, những chiếc điện thoại này trở thành "cục gạch".

"Nếu không được sao lưu, tất cả các bức ảnh, video, liên lạc và các dữ liệu khác trên điện thoại sẽ bị mất vĩnh viễn khi dính lỗi bootloop", một người dùng chia sẻ.

Vụ kiện đòi LG bồi thường do đã đối xử không công bằng với khách hàng và vi phạm các quy định của luật bảo hành (ngoài các chi phí pháp lý phát sinh cho vụ kiện). Ngoài ra, các khách hàng còn yêu cầu thẩm phán ra quyết định buộc LG phải có một chương trình toàn diện để khắc phục lỗi bootloop và trả tiền bồi thường cho khách hàng.

Theo Báo Diễn Đàn Đầu Tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2104139/lg-bi-kien-vi-loi-bootloop-tren-lg-g4-va-lg-v10