Lấy ý kiến người dân, sao phải sợ!

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến khẳng định như vậy nhân đề cập đến việc TP Hà Nội dừng đề án chặt cây
Người dân thủ đô ngày 22-3 tiếp tục đồng hành phản đối việc chặt cây hàng loạt sau khi UBND TP Hà Nội dừng thực hiện chủ trương này.
Người dân thủ đô ngày 22-3 tiếp tục đồng hành phản đối việc chặt cây hàng loạt sau khi UBND TP Hà Nội dừng thực hiện chủ trương này.

* Phóng viên: TP Hà Nội nếu tham vấn ý kiến người dân, các nhà khoa học một cách nghiêm túc, cầu thị sẽ không vấp phải sự phản đối và phải rút lui như đề án thay cây mới đây, thưa ông?

- Ông Lê Như Tiến: Trong thời gian qua, rất nhiều chính sách chúng ta xây dựng từ sự chủ quan của một vài lãnh đạo hay bộ phận tham mưu chứ không phải từ thực tiễn, không được kiểm nghiệm đầy đủ, không xin ý kiến nhân dân, tham vấn các nhà chuyên môn, thậm chí là cơ quan phản biện. Việc lấy ý kiến, tham vấn của người dân, giới chuyên môn chỉ tốt hơn, để người quản lý thấy rõ cái lợi, cái hại của chính sách sắp được ban hành. Vậy sao phải sợ!

Chúng ta có nhiều bài học về sự “bỏ qua” người dân dẫn đến những con đường xuyên khu dân cư bị ách tắc, không hiệu quả hay những dự án treo hàng chục năm, trong khi dân không còn đất canh tác hay nhà máy gây ô nhiễm môi trường… và mới đây nhất là đề án thay cây ở Hà Nội.

Dự án, chương trình nào ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm của người dân thì rất cần xin ý kiến của họ. Cơ quan công quyền sinh ra để phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng nhưng khi làm việc lại hay quên “ông bà chủ”, thậm chí còn phớt lờ ý kiến của người dân. Đây là điều không thể chấp nhận. Chính quyền phải xác định rõ việc phục vụ nhân dân là quan trọng nhất. Cụ thể, hàng trăm cây xanh ở Hà Nội có tội tình gì, đang xanh tốt như vậy sao phải hạ đốn một cách không thương tiếc. Trong khi phải chi hàng chục tỉ đồng cho việc chặt hạ cây, chưa kể rất nhiều chi phí khác như làm lại lề đường…

Mỗi quyết định, chính sách của chính quyền được tung ra rồi bị thu hồi ngay sau đó là thất bại về chính sách, làm suy giảm niềm tin vào năng lực của bộ máy. Đây là bài học sâu sắc, đắt giá không chỉ cho Hà Nội mà còn cho các địa phương, bộ ngành khác.

Hà Nội nên xem lại bài học cáp treo đến hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình trước ý kiến của người dân, các nhà khoa học đã phải cân nhắc, thận trọng xem xét lại toàn bộ. Đây là bài học tốt về việc lắng nghe ý kiến của người dân.

* Thực tế cho thấy có tâm lý ngại lấy ý kiến người dân, giới chuyên môn do sợ phiền phức, hỏng việc?

- Đây là bài học cho UBND các tỉnh, thành và bộ ngành. Khi được cấp dưới trình lên một chính sách, việc đầu tiên người lãnh đạo cần phải làm là xem đã tham vấn người dân và giới chuyên môn chưa. Phải xem đây là nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng và ban hành chính sách và có như thế thì chính sách mới đi vào cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả.

Tôi thấy nhiều nhà chuyên môn đánh giá đề án thay cây của Hà Nội rất sơ sài, thiếu căn cứ khoa học, không thuyết phục. Tại sao Hà Nội không huy động các nhà khoa học vào giúp sức thì sẽ có lợi hơn rất nhiều.

Câu chuyện thay cây của Hà Nội sẽ là lời nhắc nhở cho rất nhiều công trình trọng điểm khác mà tới đây Quốc hội phải cho ý kiến và quyết định.

* Những chính sách sai, không phù hợp, ngoài việc không đi vào cuộc sống còn gây lãng phí rất lớn cho ngân sách và xã hội?

- Đúng vậy. Nhiều tuyến đường ở khắp các tỉnh, thành đang sử dụng tốt, bỗng dưng bị lật tung lên, vừa ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân lại tốn kém vô cùng. Đáng lên án là những tuyến đường lát gạch mới nhưng chất lượng và hình thức còn tệ hơn trước. Ở Hà Nội, việc thay cây có cấp thiết lắm không mà phải huy động hàng chục tỉ đồng để làm trong khi y tế, giáo dục rất thiếu vốn đầu tư, nhiều người nghèo cần được hỗ trợ. Hãy nhớ rằng xã hội hóa cũng là nguồn lực của xã hội và nên dành cho những công trình cấp thiết khác.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương có đặt ra việc Hà Nội đã vi phạm Luật Thủ đô khi thực hiện đề án thay cây, thưa ông?

-  Nên nhớ rằng Hà Nội không phải là của riêng chính quyền và người dân TP mà đây còn là trái tim của cả nước, là thủ đô. Vì vậy, mọi chính sách, quyết định của TP Hà Nội đều lan tỏa ra cả nước và ảnh hưởng đến bộ mặt đất nước. Vì thế, bất kỳ động thái nào của TP Hà Nội không chỉ thuộc thẩm quyền của chính quyền TP mà phải xin ý kiến của các cơ quan hữu quan theo luật định.

Không nên vội vã!

Ông Lê Như Tiến cho rằng ông đồng tình với chủ trương phải thay dần những cây mục ruỗng, sâu bệnh, có nguy cơ đổ gãy… nhưng không thể làm một cách đồng loạt trên cả trăm tuyến phố, nhất là khi bị người dân phản hồi gay gắt thì cơ quan chức năng lại cho rằng họ không hiểu gì thì là điều khó chấp nhận.

Mùa hè oi bức, người dân ra đường đi lại, kiếm sống. Họ rất cần được bóng cây che mát, được hít thở không khí trong lành, trong khi các vị quản lý làm việc trong phòng lạnh, đi xe hơi thì sao thấu hiểu được giá trị của cây, sao hiểu được hoàn cảnh, tâm tư của người dân. Đó là chưa kể cây xanh có giá trị cảnh quan, lịch sử, nét riêng của Hà Nội. Giá như TP Hà Nội không vội vã, đơn giản trong việc phê duyệt và Sở Xây dựng xin ý kiến của người dân một cách bài bản, nghiêm túc rồi thực thi thì không có chuyện người dân phản ứng dữ dội với chính quyền như vậy.

Theo NLĐ