Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong các thành tích trên tất cả các lĩnh vực của đất nước 5 năm qua, có sự đóng góp tích cực của phong trào thi đua yêu nước.
"5 năm qua, sở ngành nào, cấp nào cũng có những phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, đơn vị, tiêu biểu về lao động, sáng tạo, dạy và học, an ninh, vì người nghèo, trên các công trình...
Đặc biệt là phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới, mạnh mẽ, sâu rộng, có nhiều cách làm hay, thiết thực, làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tổng bí thư ghi nhận qua các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực trong cả nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình của các đơn vị, cá nhân trong lao động sản xuất, hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho nhà nước và xã hội, nhiều mô hình giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước.
Chúc mừng những thành tích to lớn trong thi đua yêu nước của 5 năm qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những hạn chế như thi đua tuy phát triển sâu rộng, nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi còn nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị.
Đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều...
Một số phong trào tác động lan tỏa chưa cao, chậm phát hiện cá nhân và nhân rộng những điển hình tiên tiến.
Thi đua đừng tẻ nhạt
Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng bí thư nhấn mạnh: Cần quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người.
"Bác Hồ đã dạy: Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua".
Tổng bí thư cũng nhắc các cơ quan, đơn vị lấy kết quả công tác thi đua làm tiêu chí để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên.
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị, tổ chức một cách sáng tạo, tránh sự nhàm chán, tẻ nhạt.
"Thi đua cần rộng rãi, nhưng cũng cần làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua, bảo đảm hài hòa ba lợi ích của người lao động, của tập thể, địa phương, đơn vị, và của xã hội", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư cũng lưu ý trong thi đua phải khen thưởng kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, nhằm cổ vũ động viên phong trào, tạo hiệu quả thực tế, trong đó chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp.
Ngoài ra, sự chuyên trách, nòng cốt gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy những người làm công tác thi đua khen thưởng, với phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, kiến thức kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng...
Theo VNN