Trong 5 năm (2011-2015), ngành giao thông vận tải (GTVT) đã có hàng loạt đột phá, tìm hướng đi mới cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng việc thu hút mạnh nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài.
Giảm lượng, chất không giảm
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cho biết để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, từ năm 2011 tới tháng 11-2015, với việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn các giải pháp thiết kế phù hợp, Bộ GTVT đã tiết giảm được 57.242 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu tại 68 dự án hạ tầng giao thông.
Trong đó, khâu tiết giảm được nhiều nhất là rà soát phân kỳ quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp giảm 16.245 tỉ đồng; rà soát, lựa chọn các giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm giúp giảm 15.658 tỉ đồng; rà soát, phân kỳ đầu tư giúp giảm 13.463 tỉ đồng; gia cường kéo dài thời gian khai thác các cầu hiện hữu (thay vì xây mới) đã giúp giảm 1.658 tỉ đồng; đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải phóng mặt bằng giúp tiết giảm 9.943 tỉ đồng.
Điển hình, qua rà soát dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã giảm gần 8.500 tỉ đồng; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm được 3.300 tỉ đồng; tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi giảm 3.000 tỉ đồng; nút giao ngã ba Huế giảm 1.000 tỉ đồng; kênh Chợ Gạo giảm gần 1.960 tỉ đồng...
Ðặc biệt, tại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã thực hiện rà soát, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thi công do không phải sử dụng chi phí dự phòng trượt giá, tiết kiệm 5% dự toán theo cơ chế chỉ định thầu với các dự án đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ. Nhờ đó, 2 dự án này đã tiết kiệm được 14.259 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, các đoạn tuyến được đầu tư theo hình thức BOT(xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên 2 tuyến đường này cũng tiết giảm được 2.823 tỉ đồng so với dự toán ban đầu.
TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng việc rà soát lại thiết kế để giảm chi phí các dự án giao thông là rất cần thiết, đúng đắn và không ảnh hưởng gì đến chất lượng của công trình, đặc biệt khi nguồn vốn dành cho hạ tầng ngày càng hạn hẹp. “Số vốn tiết giảm được từ các công trình này không nhỏ và sẽ mang lại nhiều ý nghĩa khi đầu tư, sử dụng cho các dự án, công trình cấp bách khác đang phải nằm chờ vốn” - ông Long nói.
Bít cửa nhà thầu yếu
Ông Trần Xuân Sanh thông tin thêm, theo số liệu cập nhật mới nhất sẽ có 131 công trình giao thông được khởi công và hoàn thành trong năm 2016; trong đó có 69 công trình được khởi công và 62 công trình được hoàn thành.
Một số dự án giao thông lớn sẽ được triển khai trong năm nay là các dự án sử dụng nguồn vốn dư từ dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; mở rộng đèo Ngang; mở rộng đèo Hải Vân...
Theo ông Trần Xuân Sanh, Bộ GTVT đã chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý đấu thầu để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư như: giao cho các đơn vị tư vấn lớn như TEDI, Tư vấn Trường Sơn, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tham gia vào công tác khảo sát, thiết kế, rà soát dự toán... bảo đảm quản lý thống nhất về chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời thành lập hội đồng kiểm tra rà soát dự toán xây lắp, gồm cả các dự án BOT.
Để có công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ, tiết giảm chi phí, theo ông Sanh là phải kiểm soát chặt, quản lý tốt năng lực của các nhà thầu, tư vấn và trách nhiệm của các ban quản lý dự án. Vì vậy, hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu “nâng cấp” văn bản điều hành về đánh giá, phân loại các tổ chức tư vấn, nhà thầu lên thành văn bản quy phạm pháp luật. “Khi đó, các ban quản lý dự án sẽ buộc phải căn cứ vào đó để đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Điều này giúp các doanh nghiệp, nhà thầu phải tự nhìn lại mình để nỗ lực nâng cao năng lực hơn để được lựa chọn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các công trình” - ông Sanh nói.
Liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư tại các dự án sử dụng vốn dư từ dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết các ban quản lý dự án phải lựa chọn tư vấn thiết kế nằm trong tốp 10 theo kết quả đánh giá, xếp hạng các tổ chức tư vấn của Bộ GTVT nhằm bảo đảm chất lượng các công trình. Đồng thời, nhà thầu thi công tại các dự án này phải là những đơn vị làm tốt trong giai đoạn 1.
“Những nhà thầu làm kém dứt khoát không có cửa để được lựa chọn” - ông Trường khẳng định.
17 dự án được “sinh ra” từ nguồn vốn dư
Theo Bộ GTVT, số vốn dư lần 1 từ dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên lên tới 14.259 tỉ đồng sẽ được sử dụng để làm thêm 17 dự án mới và sửa chữa hàng chục cầu yếu trên các quốc lộ theo Nghị quyết 99/2015/QH13 của Quốc hội.
Trong đó, 1.647 tỉ đồng để triển khai một số hạng mục cấp bách gồm: 13/14 cầu yếu trước đây dự kiến triển khai bằng nguồn vốn JICA; hỗ trợ tái định cư cho các dự án mở rộng Quốc lộ 1; bổ sung 4 đoạn (4 cầu) qua tỉnh Bình Thuận trước đây dự kiến triển khai bằng nguồn vốn ADB. 12.612 tỉ đồng để triển khai một số dự án gồm: 618 tỉ đồng hỗ trợ 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT; 2.720 tỉ đồng bố trí cho các dự án đang triển khai thi công...
Theo NLĐ