|
Vietcombank: Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục 506% |
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.423 tỉ đồng, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 17.373,3 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 56,6% kế hoạch năm.
Trong nhóm các ngân hàng thương mại trong nước, VCB là ngân hàng duy nhất - cho tới thời điểm hiện tại - ghi nhận lãi trước thuế nửa đầu năm 2022 vượt 17.000 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này bỏ xa các ngân hàng đứng sau như VPBank (15.328 tỉ đồng), Techcombank (14.106 tỉ đồng).
Trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, VCB báo lãi ròng 13.909,3 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021.
|
Trong quý 2/2022, tất cả các mảng kinh doanh của VCB đều có kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 12.797,2 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 62,1% lên 694,6 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 49,2% lên 1.471,7 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý 2/2022 của VCB đạt 18,6 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 145% so với cùng kỳ, đạt 880,9 tỉ đồng.
Ở chiều hướng ngược lại, chi phí hoạt động của VCB ở mức 5.815,8 tỉ đồng, tăng 22,7% so với quý 2/2021. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 15,2% xuống còn 2.733,4 tỉ đồng.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VCB đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng tới 14,6% so với đầu năm, đạt 1,1 triệu tỉ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của VCB tiếp tục giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống còn 0,61% tại thời điểm cuối quý 2/2022. VCB cũng nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục 506% - cao hơn nhiều so với mức 424% hồi đầu năm.
Về phía nguồn vốn, tính đến cuối tháng 6/2022, tiền gửi của khách hàng tại VCB đạt hơn 1,19 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn đạt 402.345,2 tỉ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng giảm 64,2% xuống 11.326,5 tỉ đồng; tiền gửi ký quỹ tăng 49,2% lên 9.416,4 tỉ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đạt 35,4%./.