Vietcombank giành lại thị phần CASA

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vietcombank là ngân hàng thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn nhất trong số 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với mức tăng 7,4% so với đầu năm, theo SSI.
Thị phần CASA của Vietcombank lần đầu tiên tăng lên kể từ năm 2019
Thị phần CASA của Vietcombank lần đầu tiên tăng lên kể từ năm 2019

Trong báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã CK: VCB), bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết thị phần CASA của Vietcombank lần đầu tiên tăng lên sau ba năm qua, kể từ năm 2019.

Theo đó, việc miễn phí chuyển tiền từ năm 2022 giúp lượng tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank tăng thêm 27.000 tỉ đồng (tăng 7,4% so với đầu năm), phần lớn đến từ khách hàng bán lẻ.

Tính đến cuối quý 1/2022, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi của Vietcombank đạt 33% (so với mức cuối năm 2021 là 32% và mục tiêu của ngân hàng cho năm 2022 là 35%).

Tỉ lệ CASA được cải thiện giúp chi phí vốn bình quân tại Vietcombank giảm thêm 4 điểm phần trăm so với quý trước (giảm 17 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân tăng 19 điểm phần trăm lên mức 6,38%.

Theo SSI, Vietcombank là một trong số rất ít ngân hàng còn nhiều ‘room’ tín dụng trước khi chạm hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp, điều này sẽ giúp ngân hàng đạt được mức tăng trưởng ổn định trong quý tới.

SSI duy trì ước tính tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2022 của Vietcombank, đồng thời dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng có thể đạt 33.900 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Mặc dù không thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn như Vietcombank, nhưng việc áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản từ năm 2022 giúp lượng tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng thêm 5.000 tỉ đồng trong quý đầu năm.

Tỉ lệ CASA cải thiện 56 điểm phần trăm lên 20,3% giúp BIDV giữ lãi suất huy động trung bình ở mức thấp 3,58%. Tuy nhiên, ngân hàng này mới đây đã điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất huy động đối với tất cả kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm.

Dù vậy, bộ phận nghiên cứu của SSI vẫn điều chỉnh giảm chi phí tín dụng trong năm 2022 của BIDV xuống còn 1,7% (từ 1,76%), chủ yếu nhờ giảm gánh nặng về chi phí dự phòng (giảm 19% so với cùng kỳ).

SSI dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 của BIDV có thể đạt 20.650 tỉ đồng, tăng 52% so với thực hiện năm 2021.

Theo SSI, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của BIDV vẫn chịu giới hạn bởi nguồn vốn (CAR khoảng 9%), trong khi hoạt động dịch vụ hiện tại đang thiếu động lực tăng trưởng chủ lực. Mặc dù ngân hàng đang xem xét về cấu trúc sở hữu liên quan đến mảng bảo hiểm nhân thọ (BIDV MetLife), SSI cho rằng việc này có thể chưa sớm hoàn thành (ít nhất trong năm 2022)./.