Lần mở DST Group - chủ dự án nhà máy thép 5.500 tỉ đồng tại Thanh Hóa

VietTimes – DST Nghi Sơn mới được thành lập cách đây 7 tháng với quy mô vốn lên tới 1.000 tỉ đồng. Đứng sau nó là loạt "ông lớn" giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết nghị chấp thuận CTCP Gang thép DST Nghi Sơn (DST Nghi Sơn) làm chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn.

Theo đó, dự án này có quy mô khoảng 51ha, tổng vốn đầu tư 5.500 tỉ đồng. Công suất thiết kế của dự án đạt 980.000 tấn thép cuộn cán nóng/năm, 30.000 tấn kết cấu thép/năm và 300.000 tấn thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Theo tìm hiểu của VietTimes, DST Nghi Sơn thành lập vào tháng 7/2022 với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Tập đoàn DST Việt Nam (30% VĐL), Công ty TNHH Thép Cường Phát DST (15% VĐL), CTCP Ống thép Thuận Phát (20% VĐL), CTCP Tập đoàn VJCO (20% VĐL), CTCP Kim khí Quốc tế Việt Nhật (15% VĐL).

Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1981). Ông Hùng đồng thời cũng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện CTCP Tập đoàn DST Việt Nam (DST Group) – cổ đông lớn nhất của DST Nghi Sơn.

DST Group

Thành lập từ tháng 2/2014, DST Group tiền thân là Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng DST Việt Nam, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại một số nhà trên đường 32, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.

Tính đến tháng 3/2022, DST Group có quy mô vốn 200 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Mạnh Hùng góp 100 tỉ đồng, sở hữu 50% vốn điều lệ. Hai cổ đông còn lại là bà Phùng Thị Kim Thủy (30% VĐL) và bà Lê Thị Ngọc Tú (20% VĐL). Tới tháng 7/2022, vốn điều lệ của DST Group được nâng lên mức 300 tỉ đồng.

Hiện nay, DST Group hoạt động trên 5 lĩnh vực chính, bao gồm: sản xuất và kinh doanh thép (lĩnh vực cốt lõi); tổng thầu thiết kế và thi công các công trình công nghiệp, dân dụng và giao thông; năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao; bất động sản đô thị và công nghiệp; khai khoáng.

Trên trang chủ, doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu loạt công ty thành viên như Công ty TNHH Thép Cường Phát DST, CTCP Ống thép Cường Phát DST, CTCP Đầu tư Xây dựng Trường Phát DST, CTCP Tư vấn Xây dựng Hải Long, CTCP Đầu tư Xây dựng Hoàng Phương, CTCP Bất động sản DST.

Trong nhóm này, Thép Cường Phát DST chính là cổ đông pháp nhân nắm giữ 15% cổ phần DST Nghi Sơn – chủ đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép 5.500 tỉ đồng ở Thanh Hóa đã đề cập ở đầu bài viết.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thép Cường Phát DST được thành lập vào tháng 4/2020, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Cụm công nghiệp Hoàng Mai, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 4 thể nhân là các ông bà Vũ Hữu Hưng (20% VĐL), Hoàng Thị Thơm (45% VĐL), Nguyễn Trung Thanh (25% VĐL) và Nguyễn Văn Phương (10% VĐL).

Đến tháng 6/2020, Thép Cường Phát DST tăng vốn điều lệ lên mức 150 tỉ đồng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc công ty hiện nay là ông Nguyễn Trung Thanh (SN 1994). Ngoài Thép Cường Phát DST, ông Thanh còn đang đứng tên tại CTCP Chăn nuôi Đồng Xuân.

VJCO Group

CTCP Tập đoàn VJCO (VJCO Group) được thành lập từ tháng 10/2008, tiền thân là một công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thép cuộn, thép tấm.

Trên trang web vjicogroup.vn, tự nhận là của VJCO Group, đơn vị này cho biết đã mở rộng sang hoạt động trên 10 lĩnh vực kinh doanh, từ thép, xây dựng, cơ điện, điện mặt trời, đến nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, dược phẩm; sản xuất dược liệu, nông nghiệp sạch, du lịch và nhà hàng.

Tập đoàn này cũng cho biết đã mở rộng quy mô lên đến cả chục công ty thành viên, kể đến như: CTCP Vinakiss Việt Nam, CTCP Sắt thép Việt Nam, CTCP Xây dựng Cẩm Sơn, CTCP Dịch vụ và Thương mại Kim Long Phát, CTCP Nông nghiệp sạch Hương Giang, CTCP Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hoàng Long…

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến tháng 4/2022, VJCO Group có quy mô vốn 200 tỉ đồng, bao gồm hai cổ đông là ông Nguyễn Văn Phượng (góp 160 tỉ đồng, sở hữu 80% VĐL) và ông Nguyễn Văn Phong (góp 40 tỉ đồng, sở hữu 20% VĐL).

Tới tháng 8/2022, vốn điều lệ của VJCO Group được nâng lên mức 300 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Phong (SN 1984).

Về hai cổ đông pháp nhân còn lại của DST Nghi Sơn, CTCP Ống thép Thuận Phát được thành lập từ tháng 3/2011, trụ sở chính đặt tại xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Tính đến tháng 6/2022, Ống thép Thuận Phát có quy mô vốn 368 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Văn Thắng (SN 1969). Ông Thắng còn đứng tên tại Công ty TNHH MTV Thuận Phát Hải Dương.

Còn CTCP Kim khí Quốc tế Việt Nhật (Việt Nhật) được thành lập từ tháng 10/2009 tại xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tính đến tháng 2/2020, công ty này có vốn điều lệ 168 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là bà Trần Thị Thu (SN 1964)./.