Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định hủy đăng ký giao dịch đối với 21,6 triệu cổ phiếu DNS của CTCP Thép Đà Nẵng (Mã CK: DNS). Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là ngày 12/7/2021.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4/2021, cổ đông DNS đã thông qua tờ trình về việc xin hủy tư cách công ty đại chúng của công ty.
Trong tổng số 21,11 triệu cổ phần tham gia biểu quyết, có 6,73 triệu cổ phần biểu quyết không tán thành, chiếm 31,88% cổ phần biểu quyết dự họp. Đáng chú ý, số cổ phần biểu quyết không tán thành tương đương với số cổ phần mà cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Thép Việt Nam (Mã CK: TVN) đang sở hữu.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH Thép VAS An Hưng Tường (VAS An Hưng Tường) hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 14,25 triệu cổ phiếu DNS, tương đương 65,99% vốn điều lệ.
VAS Group của đại gia thép Nguyễn Bảo Giang
Thành lập từ năm 1998, VAS An Hưng Tường là pháp nhân lõi trong “hệ sinh thái” VAS Group của ông Nguyễn Bảo Giang (SN 1976).
Tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của VAS An Hưng Tường đạt mức 700 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Bảo Giang sở hữu tới 88,73% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại thuộc về ông Nguyễn Bảo Khánh (4,13%) và CTCP Gang Thép Nghi Sơn (7,14%).
Theo giới thiệu trên trang chủ, VAS An Hưng Tường hiện sở hữu nhà máy có diện tích 10 ha tại khu phố 3, phường Tân Định, Tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nhà máy này có công suất sản xuất phôi thép đạt 500.000 tấn/năm, công suất cán thép đạt 250.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2016 - 2019, VAS An Hưng Tường (công ty mẹ) đều đặn ghi nhận doanh thu lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Chỉ tiêu này đạt đỉnh vào năm 2018, với giá trị ghi nhận ở mức 8.532 tỉ đồng. Cũng trong năm 2018, VAS An Hưng Tường báo lãi sau thuế lên tới 265,2 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của VAS An Hưng Tường đạt 3.494 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với đầu năm.
Ngoài Thép Đà Nẵng (DNS), VAS An Hưng Tường còn nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty TNHH MTV Thép VAS Việt Mỹ (VAS Việt Mỹ) và CTCP Thép VAS Tuệ Minh (VAS Tuệ Minh), lần lượt với tỷ lệ sở hữu 76,78% và 65,37% vốn điều lệ.
Trong đó, VAS Việt Mỹ được thành lập vào tháng 12/2008, đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng. Công ty này sở hữu một hệ thống các nhà máy luyện phôi và cán thép với tổng công suất mỗi năm khoảng 1 triệu tấn phôi và 1 triệu tấn thép xây dựng.
VAS Tuệ Minh được thành lập vào tháng 6/2010, sở hữu nhà máy có tổng diện tích 10,6 ha tọa lạc tại Khu công nghiệp KSB, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với dây chuyền luyện thép và thép cán có công suất đạt 500.000 tấn/năm.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, hiệu suất sinh lời của VAS Việt Mỹ và VAS Tuệ Minh các năm gần đây ở mức rất khiêm tốn.
Gần nhất, năm 2019, VAS Việt Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.108 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 26,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,8%. Trong khi đó, VAS Tuệ Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.306 tỉ đồng, báo lãi sau thuế vỏn vẹn 3,18 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 0,07%.
Ông Nguyễn Bảo Giang còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Gang Thép Nghi Sơn. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2007, trụ sở chính hiện đóng tại Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến tháng 7/2019, Gang Thép Nghi Sơn có vốn điều lệ 2.746,7 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Bảo Giang là cổ đông lớn nhất góp 1.565,7 tỉ đồng, sở hữu 57% vốn điều lệ. Bà Huỳnh Thị Quỳnh Như - phu nhân của ông Nguyễn Bảo Giang - đứng tên 14,76 triệu cổ phần, tương đương 5,37% vốn điều lệ. Hai cổ đông còn lại là VAS An Hưng Tường (4%) và CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nghi Sơn (31,57%).
Gang Thép Nghi Sơn là chủ đầu tư Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn với công suất 7 triệu tấn/năm (khởi công giai đoạn 1 vào Quý 4/2016) và dự án Cụm Cảng Tổng hợp quốc tế Gang thép Nghi Sơn gồm 9 bến cảng (khởi công vào tháng 9/2015).
Tháng 10/2020, công ty này tổ chức lễ khánh thành dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn giai đoạn 1 (thuộc Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn) với tổng mức đầu tư 4.980 tỉ đồng. Nhà máy có năng lực sản xuất 1 triệu tấn phôi thép và 1 triệu tấn thép cán thành phẩm mỗi năm.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2016, Gang Thép Nghi Sơn có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 309,2 tỉ đồng và 187 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 60,5%.
Các năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của Gang Thép Nghi Sơn chỉ đạt 113 - 115 tỉ đồng, giảm khoảng 63% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh xuống còn 32,7 tỉ đồng (năm 2017) và 2,1 tỉ đồng (năm 2018).
Tới năm 2019, doanh thu của Gang Thép Nghi Sơn bật tăng trở lại với mức tăng gấp hơn 7 lần so với năm trước, đạt 838,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty lại báo lỗ sau thuế lên tới 102,8 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Gang Thép Nghi Sơn đạt 10.436 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.707 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 79,4% và 4,2% so với hồi đầu năm./.