‘Lần dây’ đất hiếm Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Vật liệu bán dẫn được xem là 'dầu mỏ' trong kỷ nguyên công nghệ. Thứ 'dầu mỏ' ấy, một phần, được tạo nên từ đất hiếm – loại khoáng sản mà Việt Nam có trữ lượng cao thứ hai thế giới.

Làn sóng đầu tư của các 'đại bàng' công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội phát triển ngành bán dẫn Việt Nam. Bên cạnh vị trí địa chính trị, một trong những lợi thế của Việt Nam là trữ lượng đất hiếm – thứ nguyên liệu tối quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, đạt khoảng 22 triệu tấn, và đứng vị trí thứ ba thế giới về trữ lượng tungsten (vonfram).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, tập trung ở Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Trong đó, những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế.

Có nhiều pháp nhân được lập ra để quản lý các mỏ đất hiếm. Nhưng những ông chủ phía sau những pháp nhân này vẫn còn bí ẩn với phần đông thị trường.

dat hiem 4.png

Những ‘tay chơi’ lớn ở Lavreco

CTCP Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco) được giao quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) để triển khai các thủ tục xin cấp phép mỏ và xây dựng tổ hợp khai thác, chế biến đất hiếm.

Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô hơn 11,3 triệu tấn, lớn nhất cả nước. Đây cũng là mỏ đất hiếm có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Lavreco được thành lập vào tháng 3/2007, là công ty con của Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (viết tắt: Vimico - Mã CK: KSV) – thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

‘Né gió’ phía sau cổ đông nhà nước tại công ty quản lý mỏ đất hiếm Đông Pao là những nhà đầu tư hoạt động tích cực trong ngành công thương.

Theo dữ liệu của VietTimes, cơ cấu sở hữu của Lavreco từng ghi nhận 3 cổ đông lớn khác, là Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (Xây dựng Hưng Hải), Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Thái Sơn (Thái Sơn) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group), với tỷ lệ sở hữu lần lượt ở mức 20%, 17% và 8% vốn điều lệ. Hồi tháng 3/2014, Thái Sơn đã chuyển nhượng 17% cổ phần Laverco cho ông Lê Văn Tuấn.

Phía sau Xây dựng Hưng Hải

Ngoài Đông Pao, tại Lai Châu, Xây dựng Hưng Hải từng được cấp phép thăm dò khoáng sản đối với các mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe.

Được biết, mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa trên 7,5 triệu tấn đất hiếm. Trong đó, trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 triệu tấn. Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn.

So do dat hiem Bac Nam Xe.png
Sơ đồ đề xuất tuyển đất hiếm Bắc Nậm Xe

Một nguồn tin của VietTimes cho biết, công ty này đang tiến hành lập dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), với thời gian hoạt động 30 năm. Xây dựng Hưng Hải cũng tìm được đối tác sẵn sàng hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đất hiếm của công ty, là CTCP Đất hiếm Việt Nam (VTRE).

VTRE là doanh nghiệp sở hữu nhà máy chuyên tách đất hiếm tại Hà Nam, chuyên sản xuất đất hiếm có độ tinh khiết cao từ nguồn nguyên liệu nhập từ Nga, Úc và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ.

Cuối tháng 7/2023, VTRE đã ký biên bản ghi nhớ khai thác và sản xuất đất hiếm với 2 doanh nghiệp của Úc trong lĩnh vực khai khoáng là Australian Strategic Materials Ltd. (ASM) và Blackstone Minerals Ltd. (Blackstone). Nên biết, VTRE và Blackstone cũng đang có kế hoạch đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.

Dữ liệu của VietTimes cập nhật tới tháng 10/2022 cho thấy, ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc của VTRE lần lượt do các ông Lưu Anh Tuấn (SN 1974) và ông Lưu Hải Ngọc (SN 1964) đảm nhiệm.

Nên biết, ông Lưu Anh Tuấn và Xây dựng Hưng Hải cũng là những cổ đông sáng lập của CTCP Đất hiếm Tây Bắc (có trụ sở tại phường Đông Phong, tỉnh Lai Châu) và CTCP Đất hiếm Việt Nhật (có trụ sở tại phường Cốc Lếu, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

co cau co dong xay dung hung hai.png

Theo dữ liệu của VietTimes, Xây dựng Hưng Hải được thành lập vào tháng 4/2003, do ông Trần Đình Hải nắm giữ cổ phần chi phối trong nhiều năm.

Tuy nhiên, hạ tuần tháng 9/2023, vị doanh nhân được biết đến rộng rãi trên cương vị Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group đã giảm tỉ lệ sở hữu tại Xây dựng Hưng Hải xuống chỉ còn 25% vốn điều lệ. Trong khi đó, nắm cổ phần chi phối tại Xây dựng Hưng Hải là CTCP Big Energy, với tỷ lệ sở hữu 55% vốn điều lệ.

Thành lập vào tháng 8/2022, CTCP Big Energy có nhiều mối liên hệ với Bitexco của doanh nhân Vũ Quang Hội.

Thái Dương Group – chủ mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái)

Thành lập vào tháng 9/2002, CTCP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group) được biết đến là chủ đầu tư Dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng đất hiếm tại mỏ đất hiếm Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, với quy mô 6,24ha.

Đến tháng 10/2021, Thái Dương Group tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 350 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Đoàn Văn Huấn (SN 1958).

Ông Đoàn Văn Huấn còn đứng tên tại CTCP Đất hiếm Yên Phú, Công ty TNHH Chế biến Đất hiếm và CTCP Khai thác và chế biến vật liệu Tiên Tiến.

Trong đó, CTCP Đất hiếm Yên Phú được thành lập vào tháng 3/2017, ban đầu có vốn điều lệ 80 tỉ đồng. Trong đó, Thái Dương Group góp 42,4 tỉ đồng, sở hữu 53% vốn điều lệ. Ông Lưu Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT VTRE – nắm giữ 10% vốn điều lệ.

CTCP Khai thác và chế biến vật liệu Tiên Tiến được thành lập vào tháng 8/2023, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đất hiếm; sản xuất kim loại đất hiếm.

Công ty này ban đầu có vốn điều lệ ở mức 10 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Thái Dương Group (sở hữu 40% VĐL); CTCP Đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện (sở hữu 40% VĐL) và CTCP Đầu tư SISC (20% VĐL).

Trong đó, CTCP Đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện là chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, có tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng, tại Hải Phòng.

Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group) và các đơn vị có liên quan.

Nhà chức trách đã tống đạt các lệnh bắt tạm giam đối với 6 đối tượng, trong đó bao gồm: ông Đoàn Văn Huấn – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Dương Group; ông Nguyễn Văn Chính – Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Thái Dương Group; ông Đặng Trần Chí – Giám đốc Công ty Hợp Thành Phát; bà Phạm Thị Hà – Kế toán Công ty Hợp Thành Phát; ông Lưu Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT VTRE và bà Nguyễn Thị Hiền – Kế toán VTRE.

Các ông Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính bị cáo buộc đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép 11.200 tấn quặng đất hiếm có giá trị khoảng 440 tỉ đồng và 152,8 tấn quặng sắt có giá trị khoảng 192 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Huấn và ông Chính còn còn thỏa thuận với VTRE và Công ty Hợp Thành Phát trong quá trình mua bán quặng đất hiếm và quặng sắt, xuất hóa đơn VAT giảm số lượng và đơn giá bán thực tế, giúp Thái Dương Group để ngoài sổ sách kế toán trên 28 tỉ đồng thu được từ việc bán quặng đất hiếm và quặng sắt, không thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế, gây thiệt hại (tạm tính) cho Nhà nước là trên 7,5 tỉ đồng./.