“Dù bạn ở đâu trên thế giới, hãy khai thác thêm niken”, Elon Musk – CEO Tesla, hối thúc các nhà khai khoáng tại buổi công bố kết quả kinh doanh của hãng xe Mỹ hồi tháng 7/2020.
Lao vào cuộc đua xe điện, thách thức lớn nhất của Tesla, khi ấy, là nguồn cung cấp pin. Mà thành phần chính của pin ô tô điện, chính là niken – loại khoáng sản có trữ lượng lớn tại Việt Nam.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên website của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), tổng trữ lượng và tài nguyên niken ở Việt Nam ước tính khoảng 3,6 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa (hơn 3 triệu tấn), Sơn La (420.523 tấn) hay Cao Bằng (133.677 tấn).
Blackstone Minerals
Cuối tháng 5/2019, Blackstone Minerals Limited (Blackstone Minerals Limited) thể hiện tham vọng lớn tại Việt Nam khi thâu tóm 90% cổ phần của Công ty TNHH mỏ Nikel Bản Phúc (Nikel Bản Phúc) từ AMR Nickel Limited.
Nikel Bản Phúc được biết tới là chủ đầu tư dự án thăm dò và khai thác Niken tại bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên và nhà máy chế biến sâu tinh quặng Niken tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La (hay còn được biết đến với tên gọi lần lượt là Dự án Niken-Đồng-PGE Tạ Khoa và Nhà máy chế biến Niken hạ nguồn Tạ Khoa).
Hai dự án vừa nêu, theo Báo Sơn La Online, có tổng giá trị đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Bên cạnh đó, để triển khai các dự án này, Nikel Bản Phúc đã xin cấp phép thăm dò quặng nikel và đồng tại các xã Mường Khoa, Tạ Khoa, Hồng Ngài, Song Pe, huyện Bắc Yên và xã Tà Hộc huyện Mai Sơn.
Sản phẩm đầu ra của nhà máy hạ nguồn dự kiến là tiền chất NCM 811, sử dụng cho ngành chế tạo pin Lithium-ion dùng trong xe điện. Theo giới thiệu trên website của Blackstone Minerals, trong trường hợp cơ bản, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án này là 67%, với doanh thu trọn đời hoạt động là 14 tỉ USD và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là 4,5 tỉ USD.
Trong báo cáo thường niên đề ngày 30/6/2023, ông Hamish Halliday – Chủ tịch Blackstone Minerals, cho biết dự án Tạ Khoa vẫn có nhiều triển vọng và nhà máy tinh chế đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược của công ty.
Tham vọng đất hiếm
Hồi tháng 7/2023, Blackstone Minerals và Australian Strategic Materials (ASM) đã ký thỏa thuận không ràng buộc với CTCP Đất hiếm Việt Nam (VTRE) nhằm chuẩn bị cho cuộc đấu giá quyền khai thác mỏ đất hiếm ở Đông Pao, Lai Châu.
Tuy nhiên, đến ngày 17/10, ông Lưu Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đất hiếm Việt Nam (VTRE), đã bị bắt tạm giam, với cáo buộc có liên quan đến sai phạm tại CTCP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group) – chủ mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái).
Sau biến cố của người đứng đầu VTRE, hôm 23/10, Blackstone Minerals cho biết sẽ tiếp tục chuẩn bị cho thương vụ đấu giá quyền khai thác mỏ đất hiếm ở Đông Pao, Lai Châu.
“Việt Nam có tiềm năng trở thành nước đóng góp đáng kể cho chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu và Blackstone cam kết giúp Việt Nam hiện thực hóa tham vọng này”, ông Scott Williamson - Giám đốc điều hành Blackstone Minerals, cho hay.
Ở một chi tiết đáng chú ý, theo dữ liệu của Sàn giao dịch chứng khoán Úc (ASX), Blackstone Minerals đã thua lỗ trong 4 niên độ tài chính liên tiếp. Con số thua lỗ cũng lớn dần qua các năm. Trong niên độ tài chính kết thúc ngày 30/6/2023, công ty này báo lỗ sau thuế 32,15 triệu AUD (khoảng 20,4 triệu USD).
Doanh nghiệp Việt ở Nikel Bản Phúc
Theo dữ liệu của VietTimes cập nhật tới tháng 4/2017, bên cạnh AMR Nickel Limited, cơ cấu sở hữu của Nikel Bản Phúc còn ghi nhận một pháp nhân khác, nắm giữ 10% cổ phần, là Coxama.
Công ty này được thành lập vào tháng 4/2006, do ông Nguyễn Tiến Thuận (SN 1958) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Tính đến tháng 3/2018, Coxama có quy mô vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Trong đó, ông Thuận góp 7,71 tỉ đồng, tương ứng với 38,57% vốn điều lệ./.