Khi chính phủ và người dân các nước chưa hết bàng hoàng với vụ bê bối Cambridge Analytica của Facebook, thì nhiều người hiện nay đang nhận thấy rõ những nguy cơ mà việc thu thập dữ liệu người dùng gây ra đối với quyền riêng tư của mỗi người. Công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh này không chỉ thu thập dữ liệu cá nhân của 270.000 người đã chơi trò dự đoán tính cách của nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan – mà những tổn hại còn ảnh hưởng đến cả 87 triệu bạn bè của họ.
Facebook gần đây cũng cho biết rằng gần như thông tin cá nhân của tất cả 2,2 tỷ người dùng ứng dụng này cũng bị những kẻ và những công ty “xấu” tấn công ăn cắp. Bản thân Facebook cũng đã tham gia kêu gọi yêu cầu phải có các quy định chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Trong nhiều năm qua, các tổ chức giám sát đã lên tiếng cảnh báo về việc chia sẻ thông tin với các công ty thu thập dữ liệu. Họ gọi đó là dạng “chủ nghĩa tư bản giám sát”. Hầu hết những người dùng internet thông thường hiện nay đều thấy được vô số các tổ chức thực hiện thu thập hồ sơ của họ rất dễ dàng. Các công ty này thu thập thông tin của người dùng bằng cách liên kết những thông tin mà người dùng cung cấp cho các nhà bán lẻ trực tuyến, các trang chuyên về sức khỏe, các ứng dụng trò chơi và vô số các dịch vụ trực tuyến khác.
Những học giả nghiên cứu về trách nhiệm cộng đồng đều biết rằng hoạt động kinh doanh làm ăn của các mạng xã hội đều dựa trên việc khai thác thông tin người dùng và bán nó cho những công ty có nhu cầu. Những trang mạng xã hội này còn không hề có những phương thức, dù đơn giản nhất, để bảo vệ dữ liệu người dùng như nhiều người vẫn nghĩ. Cũng giống như là sự ô nhiễm các tin giả, tin xấu độc, những phiền toái và cả thư rác tràn lan trên Facebook, tai tiếng vi phạm quyền riêng tư của tập đoàn này cũng xuất phát từ sự bất cân bằng quyền lực: Facebook biết gần như mọi thứ về người dùng, trong khi người dùng thì lại hầu như chẳng biết gì về điều đó.
Để người dùng xóa tài khoản Facebook của mình là chưa đủ. Hay để người dùng thay thế Facebook bằng những ứng dụng phi lợi nhuận chú trọng hơn đến quyền riêng tư của người dùng, minh bạch và có trách nhiệm pháp lý cao hơn, cũng là điều không thể. Hơn nữa, đây cũng không phải vấn đề của riêng Facebook. Các tập đoàn khác, trong đó có cả Google và Amazon, cũng thu thập và khai thác thông tin cá nhân người dùng, và tất cả đều tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang số, mà cuộc chạy đua như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người dùng.
Cần phải có quy định pháp lý của chính quyền
Các chính quyền phải làm tốt hơn vai trò là người bảo vệ cho quyền lợi người dân – trong đó có quyền riêng tư. Cho đến nay, rất nhiều công ty sử dụng công nghệ theo những cách rất mới để tránh sự quản lý và viện cớ rằng họ lo ngại những quy định đó sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Facebook và nhiều trang mạng xã hội khác thường lên tiếng cho rằng họ đang tự quản lý mình trong một môi trường đang thay đổi với tốc độ chưa từng có, tốt hơn so với thời gian cần thiết để hoàn thành một quy trình ra luật, do các quy trình ra luật mất rất nhiều thời gian. Nhưng thực tế rõ ràng là các tập đoàn này không thể quản lý được chính họ. Và chính bà Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành của Facebook đã phải thừa nhận: “chúng tôi chưa tính hết được những nguy cơ tiềm ẩn của việc thu thập thông tin người dùng”.
Vì thế sự can thiệp của chính quyền là điều hợp lý và cần thiết, để giảm các nguy cơ tin giả, tin xấu độc và lạm dụng thông tin người dùng.
(ảnh minh họa: Getty Images)
|
Xem xét ban hành các quy định mới
Quốc hội Mỹ hiện nay đang thảo luận thông qua các đạo luật để hạn chế sự tràn lan các quảng cáo sai trái.
Bộ luật Quảng cáo Trung thực bắt buộc cả người bán và người mua các quảng cáo mang tính chính trị phải cung cấp nhiều thông tin hơn. Phản ứng của Facebook đối với vụ bê bối Cambridge Analytica đó là chuyển từ phản đối sang ủng hộ bộ luật này, và thậm chí họ còn lên tiếng thông báo rằng Facebook đã nâng cao tính minh bạch ngay cả trước khi luật bắt buộc.
Đây là một bước khởi đầu tốt, nhưng chưa có tác dụng gì để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Các quy định mới phải giám sát được các chính sách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đó là những điều đang gây cho người dùng nhiều hoang mang khi tìm hiểu về quyền lợi của họ. Hầu hết các trang mạng, các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến đều có các văn bản quy định rất dài với các ngôn từ mang tính pháp lý rất khó hiểu mà hầu hết người dùng chẳng bao giờ đọc hết, hay có đọc thì cũng không hiểu nổi. Người dùng chỉ đơn giản là bấm vào nút “agree” (đồng ý) liên tục mà thôi.
Cần phải có một quy định mới đặt ra, cung cấp các chuẩn mực cho các mạng xã hội. Một quy định khác nữa là phải để người dùng quyền lựa chọn cho phép mạng xã hội lấy thông tin gì của họ.
Tìm kiếm những biện pháp bảo vệ rộng hơn
Cần phải có các chính sách về bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng (ảnh: Total Web Security)
|
Thậm chí những dự luật chỉ tập trung vào vấn đề quảng cáo mang tính chính trị hoặc các chính sách về quyền riêng tư cần phải có ảnh hưởng sâu rộng hơn, bảo vệ dữ liệu người dùng tốt hơn. Quy định chung về Bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (GDPR), có hiệu lực từ ngày 25/5, là một bước đi hoàn toàn hợp lý để đạt được các mục tiêu này.
Một điều khoản rất đáng chú ý của GDPR đó là “quyền được quên”, đây là một trong nhiều điều khoản cho phép các cá nhân được yêu cầu các công ty gỡ bỏ các thông tin của họ khỏi cơ sở dữ liệu trực tuyến. Hình phạt cho những công ty vi phạm các quy định này cũng rất nặng – lên đến 20 triệu euro hoặc 4% doanh thu hàng năm trên toàn cầu của công ty.
Tuy nhiên, một bộ luật bao quát hơn cũng là chưa đủ để giải quyết vấn đề cơ bản nhất ở đây. Internet hiện nay vẫn đang dựa trên một mô hình kinh doanh duy nhất: chủ nghĩa tư bản giám sát. Những hình thức kinh doanh trực tuyến phải tìm ra những phương thức kiếm tiền mới mà không cần thu thập, khai thác hay bán thông tin cá nhân người dùng.
Thay đổi mô hình kinh doanh
Để khuyến khích các tập đoàn phục vụ tốt hơn cho các nguyên tắc dân chủ và tập trung vào việc cải thiện đời sống người dân, chúng tôi cho rằng mô hình kinh doanh chính trên internet cần phải thay đổi sang việc xây dựng lòng tin và xác nhận thông tin. Chắc chắn đây không thể là một sự thay đổi một sớm một chiều được, nhưng các tập đoàn truyền thông xã hội vốn luôn tự hào về khả năng thích nghi nhanh của mình, vậy nên họ cần phải đối mặt với yêu cầu này.
Tất nhiên, giải pháp thay thế cần phải nghiêm khắc hơn. Trong những năm 1980, khi các nhà quản lý liên bang quyết định rằng tập đoàn AT&T đang sử dụng quyền lực của họ trên thị trường viễn thông gây ảnh hưởng xấu đến sự cạnh tranh và các khách hàng, họ đã buộc tập đoàn khổng lồ này phải chấm dứt hoạt động. Một thay đổi tương tự nhưng không gây chú ý bằng diễn ra vào đầu những năm 2000 khi các công ty điện thoại di động bị buộc phải để người dùng được giữ lại số của họ thậm chí nếu như họ chấm dứt sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp.
Thông tin dữ liệu, và cụ thể là thông tin dữ liệu cá nhân của người dùng, là những nguyên liệu quý giá cho kỷ nguyên internet. Việc bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân trong khi vẫn mở rộng quyền truy cập internet và nhiều phúc lợi xã hội mà nó mang lại là một thách thức. Việc tạo ra, sử dụng và bảo vệ dữ liệu một cách hợp lý sẽ là yếu tố sống còn đối với các nước trong kỷ nguyên 4.0. Để giải quyết được thách thức này đòi hỏi vừa phải thận trọng vừa có tầm nhìn, từ các doanh nghiệp cho đến khách hàng, cũng như chính phủ và người dân.