Làm thế nào bảo vệ quyền riêng tư người dùng khi mua sắm online?

VietTimes – Đây là câu hỏi đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý, cũng như đơn vị cung ứng dịch vụ, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng ngày càng dịch chuyển sang nền tảng số như hiện nay.
Xu hướng tiêu dùng online ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
Xu hướng tiêu dùng online ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.

Vấn đề này được bàn luận tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” - do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Tại hội thảo, ông Lê Đức Anh – Giám đốc trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương - nêu quan điểm: “Đảm bảo an toàn thông tin của khách hàng là vấn đề chủ chốt trong các hoạt động mua sắm trực tuyến”.

Ông Lê Đức Anh – Giám đốc trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát biểu tại sự kiện.
Ông Lê Đức Anh – Giám đốc trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát biểu tại sự kiện.

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), năm 2019, có 16% khách hàng đưa ra khiếu nại liên quan đến giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, 40%  khiếu nại liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không giống như quảng cáo. 60% còn lại bao gồm các vấn đề khác như bị mạo danh, thu thập sử dụng thông tin cá nhân trái phép,…

Ông Đức Anh đã chỉ ra 2 hình thức tấn công chủ yếu vào dữ liệu khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Một là tấn công để lấy lợi ích như hack tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Hai là các hành vi xâm phạm, làm lộ lọt dữ liệu khách hàng nhằm khai thác thông tin cá nhân, phục vụ các hoạt động quảng cáo bất hợp pháp. Trong đó, các hành vi khai thác thông tin trái phép đang được coi là mối lo ngại lớn nhất đối với niềm tin của người tiêu dùng.


Thảo luận vấn đề này, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đồng tình với quan điểm đặt bảo mật làm yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

“Ngành ngân hàng nói chung và các dịch vụ trung gian thanh toán khác nói riêng phải coi bảo mật dữ liệu là vấn đề sống còn, từ đó tạo lòng tin, thói quen, xu hướng tiêu dùng tích cực trong cộng đồng” – ông Dũng nhận định.

Để phòng chống những hành vi gian lận, đánh cắp thông tin qua hoạt động mua sắm online, các ngân hàng và đơn vị trung gian thanh toán đã áp dụng nhiều phương pháp bảo mật, đảm bảo thông tin thanh toán không bị lộ lọt. Ông Lê Anh Dũng cũng chỉ ra một số công nghệ tiên tiến được áp dụng theo chuẩn bảo mật thanh toán quốc tế PCI DSS, bảo mật 2 lớp với smart OTP, SMS OTP gắn với thiết bị di động.

Ngoài ra, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dùng cũng là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần ngăn chặn những hành vi xâm phạm dữ liệu trái phép. Ông Lê Đức Anh thông tin, Luật An ninh mạng năm 2018 đã đưa ra điều khoản cụ thể với từng hệ thống CNTT và các nền tảng hỗ trợ trong hoạt động thương mại điện tử; các chế tài xử phạt vi phạm an toàn thông tin, nhằm đảm bảo tính minh bạch.

"Bên cạnh việc cải tiến và nâng cao các phương thức bảo mật, ngành ngân hàng cũng cần chủ động xây dựng các hệ thống tư vấn, nhằm nâng cao nhận thức khách hàng về kiến thức tài chính, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn, cách chống lại gian lận lừa đảo trong mua sắm trực tuyến" - ông Lê Anh Dũng nói thêm.