Đó là những nội dung được đưa ra tại hội thảo góp ý về Luật bảo vệ quyền lợi NTD và Nghị định hướng dẫn thi hành, do Hội Bảo vệ NTD Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 23/7.
Các đại biểu chỉ ra rằng một số quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi NTD không còn phù hợp với mô hình thương mại điện tử và kinh doanh trên mạng. Vì thế, đã xuất hiện việc xâm phạm quyền lợi NTD như hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, không có hóa đơn chứng từ…mà không được xử lý.
Kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam – cho biết Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã thực thi được gần 10 năm, nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng và dẫn chứng: Khoản 3, Điều 24, Nghị định 99 quy định điều kiện tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD vô tình đã hạn chế, bất lợi cho ngăn chặn hành vi vi phạm. Vì dù mới thành lập hay đủ ba năm, việc Hội khởi kiện một vụ ra tòa vẫn cần đến vai trò luật sư, như Hội Bến Tre phối hợp Văn phòng Luật sư Phan Law, sau 2 năm kiên trì mới thắng kiện trong vụ 190 người bị ngộ độc thực phẩm.
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP. HCM - nhấn mạnh: Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng NTD. Bộ Luật hình sự đã xác định hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe NTD, thì sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này đã có định lượng rõ ràng, không cần có hậu quả xảy ra vẫn có thể xử lý hình sự được. Tuy nhiên Luật chưa quy định bồi thường thiệt hại cho người sử dụng mặc dù những chất độc hại tích tụ sẽ di hại sức khỏe về sau. Đây là điều thiệt thòi lớn nhất của NTD, cho nên cần phải quy định cho những trường hợp chứng minh NTD đã sử dụng sản phẩm độc hại, dù chưa phát sinh trong hiện tại.
Đại diện Cục cạnh tranh và bảo vệ NTD: Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới xuất hiện, nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.
|
Đại diện Cục canh tranh và bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) cho biết: Toàn bộ các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Một số nội dung về bảo vệ thông tin và cung cấp thông tin cho NTD không còn phù hợp, do sự xuất hiện của các chủ thể mới hoặc dạng hành vi mới.
TS. Lương Đăng Ninh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhận thức của NTD về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD còn rất mờ nhạt. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 15% NTD được đọc Luật này, còn lại chưa biết, cũng chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ. Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của NTD còn tương đối phổ biến. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại.
Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều người vẫn tin tưởng vào những quảng cáo sai sự thật trên mạng, dễ dãi mua hàng, dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Hơn nữa, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại, không tố giác những hành vi sai trái khi mua phải hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không được đảm bảo các quyền lợi bảo hành... gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD.
Ông Ninh đề xuất cần bổ sung các khái niệm mới như: Thông tin (cá nhân) của NTD, hàng hóa, các chủ thể mới xuất hiện trong các hình thức kinh doanh như mạng xã hội nhượng quyền 4.0, Facebook, Zalo…vào văn bản pháp quy để bảo vệ NTD.