Lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt, CPI tháng 11/2022 thấp nhất kể từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11/2022 thấp nhất kể từ tháng 12/2021, khép lại một năm lạm phát cán mốc cao nhất trong suốt 4 thập kỷ và thách thức khả năng điều hành tiền tệ của Fed.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ (Ảnh: AP)
Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ (Ảnh: AP)

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm đáng kể so với mức tăng 7,7% trong tháng trước và được xem là tín hiệu đáng mừng dù còn cách rất xa mục tiêu lạm phát trung bình 2,1% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

CPI lõi, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, đã tăng 6% trong tháng 11/2022, so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với 6,3% trong tháng 10. Mức tăng 6,6% trong tháng 9 được xem là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/1982.

Giá cả cũng giảm đáng kể, trong đó các mặt hàng gồm xăng, tiện ích, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giá xe hơi đã qua sử dụng đều giảm. Mức tăng giá cũng giảm đối với dịch vụ nhà hàng ăn, trong khi giữ nguyên đối với các loại phương tiện mới.

CPI tăng 0,1% trong tháng 11 so với tháng trước đó, so với mức 0,4% trong tháng 10. CPI lõi tăng 0,2% trong tháng 11, giảm từ mức 0,3% trong tháng 10 và 0,6% trong tháng 8 và tháng 9.

Những con số nêu trên có khả năng sẽ khiến Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong ngày 14/12 (giờ Mỹ), sau 4 lần liên tiếp nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng và sự thay đổi so với một năm trước đó (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)

Chỉ số giá tiêu dùng và sự thay đổi so với một năm trước đó (Ảnh: Bộ Lao động Mỹ)

“Con số được công bố ngày hôm nay phù hợp với mục tiêu của Fed và đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một con số thấp đến vậy trong gần 2 năm. Đây là tin tức tốt lành”, Paul Ashworth, trưởng kinh tế gia tại Capital Economics, cho hay.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng đột biến trong năm 2021 khi nền kinh tế nước này phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Giá cả tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng – do lãi suất cực thấp và các gói kích thích của chính phủ - trong khi nguồn cung hạn chế do những sự gián đoạn liên quan tới đại dịch.

Cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine càng khiến lạm phát tăng trên phạm vi toàn cầu, đẩy giá năng lượng cùng nhiều mặt hàng khác lên cao.

Những diễn biến này thể hiện rõ trong CPI hồi tháng 6/2022 của Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Lạm phát tổng đã giảm kể từ mùa Hè, khi các nút thắt nguồn cung được cải thiện. Giá trung bình của xăng chì ở mức 3,25 USD/gallon trong hôm thứ Ba, giảm hơn 50 cent/gallon so với tháng trước đó, theo hãng phân tích OPIS. Giá mặt hàng này đã đạt đỉnh vào trung tuần tháng 6, ở mức 5,02 USD/gallon.

Giá xe hơi đã qua sử dụng – nhân tố lớn gây lạm phát hồi năm ngoái – đã giảm trong tháng thứ năm liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021. Nhưng nó vẫn cao hơn 40% so với mức tiền đại dịch. Nhiều loại giá cả liên quan tới du lịch cũng giảm trong tháng 11, trong đó giá vé máy bay giảm 3% so với tháng 10, giá thuê xe hơi và xe tải giảm 2,4%.

Tuy nhiên, giá tạp phẩm tăng 0,5% trong tháng 11 so với tháng trước đó, chủ yếu do giá rau củ, hoa quả và bánh mì tăng.

Lạm phát vẫn ở mức cao và lan tới nhiều lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi nhiều nhân công, trong khi lương tăng mạnh trên thị trường lao động khỏe mạnh, do nhu cầu lao động vượt số lượng những người chưa có việc đang tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng đang làm tăng chi tiêu tiêu dùng, hiện vẫn đang diễn ra sôi động bất chấp đà tăng giá mạnh.

Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu mới đây nói rằng xu hướng giá của ngành dịch vụ, không bao gồm nhà ở, đã cho thấy sức ép lạm phát đã lan tới nền kinh tế rộng lớn và có vai trò quan trọng trong việc đo lường lạm phát trong tương lai.

“Do lương đóng góp phần lớn nhất trong chi phí phân phối các dịch vụ này, nên thị trường lao động chính là chìa khóa để hiểu về lạm phát,” ông nói./.

Theo Wall Street Journal