Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023, trong đó ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước.
Trong rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính để tính CPI, có tới 10/11 nhóm hàng hóa tăng giá so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,85% (làm CPI chung tăng 0,37%), chủ yếu do giá xăng tăng 9,85%, giá dầu diezen tăng 15,9%, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78%, trong đó lương thực tăng 3,28%, thực phẩm tăng 0,48% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%, làm CPI chung tăng 0,26%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,28%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%.
Ngoài ra, chỉ số giá vàng tháng 8/2203 tăng 0,64% so với tháng trước, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 8/2023 tăng 0,57% so với tháng trước, giảm 1,16% nếu so với tháng 12/2022 và tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 7,28%; tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (+6,65%), nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (+3,18%), các mặt hàng thực phẩm (+3,04%), giá điện sinh hoạt (+3,99%), giá gạo (+2,96%)...
Ở chiều ngược lại, bình quân 8 tháng năm 2023, giá dầu hỏa giảm 12,19% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 17,56%; giá gas trong nước giảm 11,3%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,53% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Về mức lạm phát cơ bản, số liệu của TCTK cho thấy chỉ số này trong tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng đầu năm nay tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số lạm phát cơ bản, hay còn được biết đến là lạm phát lõi (Core inflation), là chỉ tiêu tương đối phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng. Đây cũng là chỉ số đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng lạm phát./.