|
Ông Phan Quốc Việt - CEO của CTCP Công nghệ Việt Á (Ảnh: Internet)
|
Theo truyền thông trong nước, tại buổi làm việc với Bộ Y tế về triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới (hôm 17/3), Thứ trưởng Bộ Khoa và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ kit xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
Vị thứ trưởng cũng cho biết có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kít xét nghiệm này. Việt Nam hiện có khả năng sản xuất được hàng chục nghìn bộ test/ngày với mức giá khoảng 500.000 đồng cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm các vật tư, thiết bị đi kèm.
Đây là một trong những kết quả đáng mừng đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đặc biệt có giá trị trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Kết quả này dựa trên thành công của đề tài nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bộ kit) do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với CTCP Công nghệ Việt Á thực hiện.
|
Bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Việt Á hợp tác cùng với Học viện Quân y (Ảnh: vietacorp.com)
|
Tệp khách hàng “khủng” và nguồn lực tài chính của Việt Á
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Công nghệ Việt Á (Việt Á) thành lập từ năm 2007, tên cũ là CTCP Thương mại - Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Việt Á là ông Phan Quốc Việt (SN 1980).
Trên trang chủ, Việt Á giới thiệu là một công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử, là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử.
Công ty của vị doanh nhân sinh năm 1980 còn quảng bá là đơn vị duy nhất vừa cung cấp nguyên liệu, trang thiết bị vừa sản xuất kit. Đồng thời, công ty này còn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác y tế, chuyên gia đầu ngành trong các chuyên khoa như viêm gan, HPG, lao,…
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Việt Á là đơn vị trúng thầu tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước.
Cụ thể, doanh nghiệp này từng trúng gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; Gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018-2019 cho Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Việt Á trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn (gồm 609 danh mục) theo Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 5269/QĐ-BYT ngày 30/8/2018 của Bộ Y tế.
Gần đây, Việt Á còn trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm (gồm 3.296 danh mục) tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ngoài ra, tệp khách hàng của Việt Á còn có một loạt các bệnh viện khác như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định; Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bệnh viện C Đà Nẵng. Bên cạnh đó, công ty còn cung cấp các nguyên liệu xét nghiệm cho một số cơ quan thú y.
|
Kết quả kinh doanh của CTCP Công nghệ Việt Á
|
Trúng loạt gói thầu ở các bệnh viện lớn, song, hoạt động kinh doanh của Việt Á có chiều hướng đi xuống rõ rệt, cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế, trong 3 năm gần đây.
Trong năm 2018, nguồn doanh thu thuần của Việt Á chỉ đạt hơn 68 tỷ đồng (giảm tới 40% so với năm trước). Dù biên lợi nhuận gộp tăng vọt lên mức 36,6%, song, công ty này vẫn báo lỗ 166 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018, vì vậy, cũng giảm chỉ còn 22 triệu đồng.
Cần lưu ý rằng, vào tháng 10/2017, Việt Á đã được tăng mạnh vốn từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Hệ sinh thái của “ông trùm” ngành dược Phan Quốc Việt
Việc tăng mạnh vốn cho Việt Á dường như là một trong những bước chuẩn bị về mặt tài chính, phục vụ cho những bước tiến mới của vị doanh nhân Phan Quốc Việt.
Được biết, ngày 9/1/2020, Việt Á đã ký kết hợp đồng với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đầu tư nâng cấp một số cơ sở y tế theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư 28,336 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT, thời gian thực hiện kéo dài 47 năm.
Mục tiêu nhằm mở rộng hệ thống phòng khám Việt Á đến các tỉnh thành trên cả nước.
Theo tìm hiểu của VietTimes, tháng 11/2013, Việt Á, ông Phan Quốc Việt và ông Đồng Sỹ Huy (SN 1981) cùng góp vốn thành lập CTCP Y tế Việt Á (Viet A Medical). Công ty này đăng ký ngành nghề chính là hoạt động các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa.
Việt Á Medical có địa chỉ trụ sở chính tại số 134/3D Đào Duy Anh, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Đáng chú ý, đây cũng là địa chỉ thường trú của ông Phan Quốc Việt, ông Đồng Sỹ Huy và là địa chỉ trụ sở của nhiều doanh nghiệp khác mang thương hiệu “Việt Á”.
|
Chân dung CEO Việt Á - ông Phan Quốc Việt (Ảnh: Internet)
|
Mối quan tâm của bộ đôi doanh nhân thế hệ 8x dường như không chỉ ở trong lĩnh vực dược phẩm.
Tháng 1/2018, ông Phan Quốc Việt, ông Đồng Sỹ Huy và Việt Á cùng ông Võ Anh Triết tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Du Lịch Lạc Việt. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính là điều hành tua du lịch.
Tháng 11/2019, bộ đôi doanh nhân Phan Quốc Việt - Đồng Sỹ Huy, cùng 1 doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kinh doanh Việt Á, thành lập CTCP Ẩm thực Việt Á (Việt Á Cuisine). Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề chính là sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn (Chi tiết: Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn từ thịt. Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn từ thủy sản).
Ông Đồng Sỹ Huy còn là người đại diện của Công ty TNHH Y Tế Âu Lạc, CTCP Tư vấn và Đầu tư Việt Á và CTCP Xây dựng Kiến Á (trụ sở tại Tp. Đà Nẵng).
Về phần mình, ông Phan Quốc Việt còn là người đại diện của loạt doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Thế giới Đất Việt, CTCP Kỹ thuật Việt Á, CTCP Đầu tư Đức Ân, CTCP Tư vấn đầu tư Dịch vụ Tâm An./.