Apollo Silicone ủng hộ 20 tỷ đồng chống Covid-19:

Những người anh em giàu có của “đại gia” đứng sau Mai Phương Thúy

VietTimes -- Apollo Silicone, SK Sumikura và Pharbaco là các thành viên tiêu biểu trong hệ sinh thái với “ông chủ” là những người anh em trong một gia đình…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hôm 17/3, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ở nước ngoài tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.

Tại buổi lễ phát động, hoa hậu Mai Phương Thúy đã đại diện cho CTCP Apollo Silicone (Apollo Silicone) ủng hộ 20 tỉ đồng mua vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. Đây cũng là số tiền ủng hộ gây ấn tượng mạnh tại buổi lễ phát động.

Hoa hậu Mai Phương Thúy tại buổi lễ phát động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 hôm 17/3 (Nguồn: quochuyanhcorp.vn)

Hoa hậu Mai Phương Thúy tại buổi lễ phát động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 hôm 17/3 (Nguồn: quochuyanhcorp.vn)

Từ Apollo Silicone

Theo tìm hiểu của VietTimes, Apollo Silicone được thành lập vào tháng 10/2013. Doanh nghiệp này đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tại số 18 Lê Quý Đôn, Phường 6, Quận 3, TP. HCM - trùng với địa chỉ thường trú của Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Quốc Cường.

Vị doanh nhân sinh năm 1973, hiện đang sinh sống và làm việc đồng thời ở 2 quốc gia Việt Nam và Đức, cũng là cổ đông lớn nhất của Apollo Silicone khi góp 102 tỉ đồng, sở hữu 85% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có 2 cổ đông cá nhân khác là bà Trần Thị Trúc Quỳnh (SN 1979, sở hữu 10% vốn điều lệ) và ông Đỗ Thành Tâm (sở hữu 5% vốn).

Trong đó, bà Trần Thị Trúc Quỳnh - phu nhân đại gia Ngô Quốc Cường - là Giám đốc kiêm người đại diện của CTCP Quốc Huy Anh (thành lập năm 2004).

Trụ sở Apollo Silicone và "người hàng xóm" Quốc Huy Anh tại các địa chỉ 16 và 18 Lê Quý Đôn, TP. HCM (Ảnh: quochuyanhcorp.vn)

Trụ sở Apollo Silicone và "người hàng xóm" Quốc Huy Anh tại các địa chỉ 16 và 18 Lê Quý Đôn, TP. HCM (Ảnh: quochuyanhcorp.vn)

Theo giới thiệu trên website, Quốc Huy Anh cho biết là thành viên trong nhóm các công ty kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: đầu tư, sản xuất và thương mại quốc tế.

Quốc Huy Anh đang phát triển và phân phối độc quyền nhiều thương hiệu như: Apollo Silicone, giấy văn phòng cao cấp PaperOne, Silicone thương hiệu DOWSIL (trước đây là Dow Corning) của Dow Chemical (Hoa Kỳ) và Shinetsu (Nhật Bản), hóa chất và vật liệu xây dựng...

Tại Việt Nam, Quốc Huy Anh là đối tác chiến lược của Tập đoàn Dow Chemical (USA) và đại diện độc quyền của Tập đoàn Shinetsu (Nhật Bản) và Tập đoàn April (Indonesia - Singapore).

Cuối năm 2010, trong nỗ lực quảng bá thương hiệu của Quốc Huy Anh, hoa hậu Mai Phương Thúy chính thức trở thành đại diện thương hiệu Apollo Silicone và gắn bó từ đó tới nay.

Năm 2016, Quốc Huy Anh và Apollo Silicone đã mua toàn bộ số cổ phần của CTCP Kính Thuận Thành (TTG) – là đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm Silicone Sealant thương hiệu DOWSIL (trước đây là Dow Corning) tại Việt Nam suốt gần 20 năm qua.

Từ đó, doanh nghiệp này trở thành nhà cung cấp giải pháp, dịch vụ toàn diện về ngành Silicone Sealant lớn nhất Việt Nam.

Hoa hậu Mai Phương Thúy và doanh nhân Ngô Quốc Cường (Ảnh: Internet)

Hoa hậu Mai Phương Thúy và doanh nhân Ngô Quốc Cường (Ảnh: Internet)

Những người anh em giàu có

Theo tìm hiểu của VietTimes, đại gia Ngô Quốc Cường sinh trưởng ở một miền quê nghèo ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình đông anh em - và hiện tất cả đều có sự nghiệp kinh doanh thành đạt.

Anh cả của ông Cường là một nhân vật mà VietTimes từng đề cập: ông Ngô Nhật Phương (SN 1961) - Tổng giám đốc kiêm người đại diện của CTCP Dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco (Mã CK: PBC).

Ông Phương không chỉ là một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, mà còn là “tay chơi lớn” trong lĩnh vực dược phẩm ở Việt Nam.

Sau khi đầu tư lớn vào Pharbaco, vị doanh nhân này đang đầu tư cả ngàn tỉ đồng xây dựng nhà máy tiêu chuẩn GMP-EU và dự kiến đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung tư, vắc xin, tiểu đường.

“Cuộc chơi lớn” của ông Ngô Nhật Phương trong ngành dược

Quả thực, ít nhất là trên truyền thông, việc phát triển thương hiệu Apollo Silicone của người em út Ngô Quốc Cường đều “vắng bóng” hình ảnh của người anh cả Ngô Nhật Phương, tương tự là với trường hợp của người em thứ Ngô Quốc Khải (SN 1970).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Ngô Quốc Khải là người góp 30 tỉ đồng (tương đương 66,67% vốn điều lệ) sáng lập CTCP Đầu tư SK (viết tắt: SK Investment, trụ sở chính tại tòa nhà Sumikura Tower) - đơn vị nhập khẩu và phát triển độc quyền thương hiệu máy điều hòa không khí Sumikura tại Việt Nam (sau đây gọi là SK Sumikura).

Sau nhiều năm phát triển, SK Sumikura còn mở rộng hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: Đầu tư tài chính và kinh doanh cho thuê phòng khách sạn; Cung cấp và phân phối các thiết bị điện, điện gia dụng; Tư vấn thiết kế, trang trí nội thất.

Tính đến cuối năm 2017, quy mô tổng tài sản của SK Sumikura đạt hơn 229,6 tỉ đồng, doanh thu thuần đạt 472,6 tỉ đồng, đem về lợi nhuận sau thuế 1,9 tỉ đồng.

Ngoài ra, SK Sumikura còn ghi nhận nhiều công ty thành viên khác trong “hệ sinh thái” như: CTCP Cơ điện lạnh Sumi; Công ty Sumivina (Sumihome) và CTCP Việt Lê Gia.

Trong đó, Việt Lê Gia là đơn vị độc quyền phân phối mặt hàng thiết bị vệ sinh cao cấp mang 2 nhãn hiệu Nofer (Hoa Kỳ) và Euroking (Thuy Điển) cho thất cả các công trình lớn nhỏ tại Việt Nam.

Ngoài ba anh em trai, gia đình đại gia Ngô Nhật Phương còn có 2 người em gái. Được biết, đó đều là những người giàu có và có sự nghiệp kinh doanh thành đạt. Giống các anh em trai, họ cũng định cư tại Tp. HCM.

Quốc Huy Anh làm ăn thế nào?

Theo dữ liệu của VietTimes, doanh thu của Công ty cổ phần Quốc Huy Anh - công ty mẹ của Apollo Silicone - đạt ổn định trên 200 tỉ đồng mỗi năm. Gần nhất, năm 2018 đạt 275 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt chưa đầy 7 tỉ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, năm 2018, công ty này báo lãi khiêm tốn 1,67 tỉ đồng, nhưng đã là mức lãi kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Việc bảng cân đối kế toán của Quốc Huy Anh ghi nhận khoản lỗ lũy kế quanh mức 40 tỉ đồng suốt 3 năm kinh doanh có lãi (mặc dù khiêm tốn) vừa qua cho thấy trước đó công ty này đã có nhiều năm thua lỗ sâu./.