|
Nhà vệ sinh công cộng độc, lạ ở Nhật Bản (Ảnh: OC) |
Nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản thường có tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn các nhà vệ sinh công cộng khác trên thế giới. Ở Tokyo có một câu lạc bộ xã hội tên là Benjyo Soujer. Sáng Chủ nhật hàng tuần, các thành viên của câu lạc bộ này cùng tự nguyện tập hợp lại để dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng xung quanh thủ đô của Nhật Bản.
Nhưng dù đất nước này có sạch sẽ cỡ nào thì vẫn có một số người cảm thấy thật sự kinh hãi khi nghĩ đến việc phải bước vào những nơi tối tăm, hôi hám, bẩn thỉu và có khả năng không an toàn để họ đi “công tác”. Nhưng nếu như bạn có thể thấy những công trình công cộng này sạch sẽ và an toàn như thế nào trước khi bạn bước vào thì sao?
Trong những nỗ lực sáng tạo nhằm điều trị nỗi ám ảnh sợ đi vệ sinh của mọi người, đầu năm nay, tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation đã khởi động một dự án có tên là “The Tokyo Toilet Project” (Dự án nhà vệ sinh Tokyo).
Dự án đã giao nhiệm vụ cho 16 kiến trúc sư giàu kinh nghiệm cải tạo 17 nhà vệ sinh công cộng được đặt trong các công viên công cộng của quận Shibuya, một trong những khu thương mại sầm uất nhất Tokyo.
Theo một tuyên bố của Nippon Foundation, mục tiêu chính của nỗ lực này là giúp mọi người cảm thấy thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng; đồng thời, có ý thức giữ gìn nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, thân thiện với những người sử dụng tiếp theo.
Cho đến nay, sáng kiến từng đoạt giải Pritzker của kiến trúc sư Shigeru Ban đang được chú ý nhiều nhất, chủ yếu là do thiết kế của ông dường như đi ngược lại với đặc điểm chính của một nhà vệ sinh hiện đại. Khi nhắc đến nhà vệ sinh, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến hầu hết là sự riêng tư, nhưng sáng kiến của kiến trúc sư Nhật Bản ở công viên cộng đồng Haru-no-Ogawa và Công viên mini Yoyogi Fukamachi đều là những bức tường trong suốt…
|
Dự án nhà vệ sinh công cộng Tokyo (Ảnh: OC)
|
Điều đặc biệt và mang tính cách mạng của những phòng tắm công cộng có trạng thái trong suốt này chính là thiết kế, vì chúng cho phép người dùng tiềm năng nhìn thấy bên trong trước khi mạo hiểm bước vào. Do đó, họ có thể giải quyết hai mối bận tâm chính để yên tâm “công tác”. “Thứ nhất là bên trong có sạch sẽ hay không và thứ hai là không có một người đang bí mật chờ đợi bên trong” – theo Nippon Foundation.
Bao gồm một số gian phòng được thiết kế liền kề, mỗi phòng có một màu sắc khác nhau, các nhà vệ sinh công cộng khéo léo dựa vào công nghệ kính thông minh mới nhất để biến các bức tường trong suốt trở nên mờ đục bất cứ khi nào cửa khóa và trong suốt trở lại khi cửa được mở.
“Điều này cho phép người dùng kiểm tra độ sạch sẽ và từ bên ngoài, người dùng có thể biết liệu có ai đang sử dụng nhà vệ sinh hay không. Vào ban đêm, cơ sở này thắp sáng công viên như những chiếc đèn lồng tuyệt đẹp.” – đề cập trong tuyên bố của Nippon Foundation.
Cùng với những sáng tạo bức tường trong suốt của Shigeru Ban, ba phòng vệ sinh công cộng khác được thiết kế bởi những người tham gia Dự án nhà vệ sinh Tokyo cũng đã khai trương trong tháng này và hai thiết kế cách tân khác sẽ được giới thiệu trong tuần tới. Các nhà vệ sinh công cộng còn lại dự kiến sẽ hoàn thành cải tạo vào mùa xuân năm sau.
Điều thú vị là nhà vệ sinh trong suốt từng được sử dụng ở Nhật Bản trước đây. Quay trở lại năm 2014, thành phố Oita đã giới thiệu nhà vệ sinh nhìn xuyên thấu dựa vào cảm biến chuyển động để biến các bức tường trở nên mờ đục. Tuy nhiên, Kotaku báo cáo rằng các nhà vệ sinh có rủi ro khi sử dụng, trong trường hợp các cảm biến không phát hiện bất kỳ chuyển động nào trong 35 giây liên tiếp, chúng sẽ biến các bức tường trở lại trong suốt.