Kỹ sư và đạo diễn âm thanh: anh đang ở đâu?

VietTimes -- Ngày nay, chúng ta đang có hàng trăm trường đại học đang đào tạo kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin và điện tử song rất nhiều nhánh rẽ của nó hiện đang là khoảng trống. Một trong những khoảng trống này chính là về kỹ sư âm thanh và đạo diễn âm thanh thì hiện chưa có môi trường đào tạo chuyên nghiệp ở bậc đại học trong khi nhu cầu là có thật với đầu ra là các đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương, cùng các nhà hát, đoàn nghệ thuật, các hãng sản xuất băng đĩa nhạc. 
Nhân lực về công nghệ âm thanh đang là một khoảng trống trong đào tạo CNTT ở Việt Nam. Ảnh: 14record.vn
Nhân lực về công nghệ âm thanh đang là một khoảng trống trong đào tạo CNTT ở Việt Nam. Ảnh: 14record.vn

Theo TS Trần Công Chí – nguyên giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Đo lường của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều năm qua, chúng ta mới chỉ đào tạo ra kỹ sư điện tử và nhạc sĩ chứ chưa đào tạo được kỹ sư âm thanh và đạo diễn âm thanh theo đúng nghĩa. Một số rất ít người may mắn được đào tạo các chuyên ngành này ở nước ngoài. Số còn lại chủ yếu là học hỏi lẫn nhau. Xuất phát từ thực tế đó, những người trong cuộc cũng đã tích cực vận động và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cấp mã ngành đạo diễn âm thanh cho Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên chương trình đào tạo đạo diễn âm thanh ở đây cũng chỉ đào tạo được có 7 khóa đã từ nhiều năm trước. Còn với các trường cao đẳng của ngành phát thanh và truyền hình thì chưa hề triển khai đào tạo kỹ sư âm thanh và đạo diễn âm thanh mà lý do có lẽ vì “bụt chùa nhà không thiêng”.

TS Trần Công Chí cho biết thêm, trong một chừng mực nào đó, để trở thành chuyên gia về công nghệ âm thanh thì phải có “tai nhạc” bên cạnh trình độ chuyên môn về điện tử và kiến trúc âm thanh. Nghĩa là, để theo đuổi ngành này, trong một chừng mực nào đó người học phải có năng khiếu nhất định. Tuy nhiên, việc đào tạo âm nhạc trong nhà trường phổ thông ở nước ta tồn tại nhiều hạn chế. Mặt khác, ở bậc đại học những tư duy phân định ngăn cách giữa khoa học và nghệ thuật cũng là vấn đề cần thống nhất. 

Chính vì thực tế đó, không ít các chương trình ca nhạc ở Việt Nam đã phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí hết sức tốn kém. Và đó cũng là thực tế khiến phần âm thanh trong các bộ phim truyện của Việt Nam không hấp dẫn được khán giả so với phim nước ngoài. Tình trạng “nghiệp dư” về công nghệ âm thanh ở Việt Nam không thể mãi kéo dài. Câu trả lời xin chờ các cơ quan hữu trách sớm có ý kiến.