Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM),Hiệp định TPP được ký kết rất có ý nghĩa với Việt Nam.
“Việc tham gia TPP, có hai kịch bản: GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ USD và 36 tỉ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, TPP rất có giá trị với Việt Nam vì tham gia TPP có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia… vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản.
“Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý”, ông Thành nhấn mạnh. Cũng theo ông Võ Trí Thành, việc thực thi cam kết TPP cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn đầu tư, mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Thành cũng đặc biệt lưu ý, bài học sau 8 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết.
“Việt Nam mở cửa mạnh hơn, do đó cạnh tranh gay gắt hơn với những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản”, chuyên gia này nói.
Cũng cho rằng, nếu Hiệp định TPP sớm được ký kết, sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn cho Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển (VERP) cho biết, VERP vừa hoàn thành một nghiên cứu về tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, nếu Việt Nam gia nhập TPP, nhập khẩu của Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm. Thứ hai, khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% khiến doanh thu về thuế giảm. Thứ ba, việc tham gia TPP không chỉ đòi hỏi các nước tham gia cắt giảm các hàng rào thuế quan mà còn đòi hỏi cắt giảm hàng rào phi thuế quan như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu...
“Thứ tư, theo chúng tôi, Việt Nam sẽ không còn khả năng duy trì lợi thế về lao động giá rẻ khi nhu cầu về lao động có kỹ năng tăng lên và không thể duy trì được tăng trưởng kinh tế trong nước giống như trường hợp của Trung Quốc hiện nay. Sự dịch chuyển tự do của lao động không chỉ trong nước mà cả giữa các nước, đầu tư mạnh vào giáo dục”, ông Thành nói.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, một đánh giá quan trọng nữa qua nghiên cứu của VERP là các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình. Trong bối cảnh chất lượng các sản phẩm của Việt Nam chưa cao, vấn đề này sẽ hạn chế xuất khẩu.
Ngoài ra, theo ông Thành, với những ưu đãi khi gia nhập TPP, đầu tư của Việt Nam sẽ tăng mạnh với sự gia tăng của các dòng thương mại, các nước trong khối sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, sau khi gia nhập TPP, đối với toàn bộ nền kinh tế, trong hầu hết các kịch bản mô phỏng sử dụng mô hình GE, Việt Nam là nước có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo %.
“Về đầu tư, mức tăng đầu tư của Việt Nam là ấn tượng nhất trong các nước, xấp xỉ mức tăng của Nhật Bản và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ (tính theo giá trị). Trong khi đó, nhóm các nước nằm ngoài AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN) và TPP sẽ bị suy giảm đầu tư, đặc biệt là Trung Quốc và EU”, Viện trưởng VERP khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, gia nhập TPP không chỉ có những thuận lợi mà có cả nhiều rủi ro. Trước đây, Việt Nam gia nhập WTO đã từng nhận được rất nhiều kỳ vọng. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nguồn vốn lớn ồ ạt đổ vào Việt Nam đi kèm với chính sách tiền tệ thiếu kinh nghiệm đã góp phần thổi phồng bong bóng bất động sản, và khiến lạm phát hai chữ số trở lại những năm 2008 - 2011.
“Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài cùng những yếu kém nội tại kéo dài giai đoạn hậu WTO đã gióng lên hồi chuông rằng, Việt Nam không nên quá tự mãn với việc ký kết những hiệp định đầy hứa hẹn như TPP, hay ở mức độ thấp hơn như AEC. Khi TPP được ký kết và thực thi, những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt với các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp”, ông Thành dẫn kết quả nghiên cứu của VERP nêu.
Trong cuộc họp báo sáng nay 5.10 tại Hà Nội của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan chuyên gia, kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia thu nhập khá thấp trong 12 quốc gia (tham gia ký kết TPP), tức là mức lương thấp nhất. Liên quan đến lợi ích: về tổng thể, TPP là nhóm lớn bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada… sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có thị trường lớn hơn.
“Đây là cơ hội lớn. Chúng ta chưa có chi tiết cụ thể về hiệp định này, nhưng cũng có tín hiệu tốt, nhìn chung là tín hiệu tích cực. Kinh tế sẽ tăng trưởng thêm ít nhất 8 - 10% đến năm 2030 nhưng phải phụ thuộc vào những cải cách của Việt Nam. Sẽ có nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và tiếp cận được thị trường Nhật Bản, Mỹ”, ông này nói.
Theo Thanh Niên